Anh sẽ dùng hộ chiếu miễn dịch để giảm áp lực phong tỏa

Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phải giải quyết nhiều vấn đề chống dịch COVID-19 ở Anh sau 1 tuần cách ly vì nghi nhiễm
Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock phải giải quyết nhiều vấn đề chống dịch COVID-19 ở Anh sau 1 tuần cách ly vì nghi nhiễm
(PLVN) - (PLVN) -  Trước những chỉ trích dữ dội, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, hôm 2/4 đã lần đầu tiên thừa nhận "đã thực hiện những chiến lược sai lầm" và nói về kế hoạch dùng "hộ chiếu miễn dịch" như chứng nhận cho công dân thoát khỏi phong tỏa vì dịch COVID-19.

Chính phủ Anh đang phải đối mặt với những câu hỏi mới về kế hoạch xét nghiệm virus corona của mình. Hiện Chính phủ Anh đang hy vọng thoát khỏi tình trạng phong tỏa thông qua "hộ chiếu miễn dịch" vẫn gây tranh cãi và các xét nghiệm kháng thể chưa được chứng minh là có hiệu quả.

Sau một tuần cách ly vì nghi nhiễm virus corona, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock buộc phải bảo vệ Chính phủ trên nhiều mặt trận liên quan đến cuộc chiến chống lại virus này. Tính đến 3h sáng nay theo giờ Việt Nam, Anh có tổng số 33.718 ca nhiễm với 4.244 ca nhiễm mới và 2.921 ca tử vong do virus corona.

Anh sẽ dùng hộ chiếu miễn dịch để giảm áp lực phong tỏa

Trước những chỉ trích dữ dội của dư luận về việc để virus corona hoành hành, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, hôm 2/4 lần đầu tiên thừa nhận "đã thực hiện những chiến lược sai lầm". Tuy nhiên, ông vẫn khẳng định có một số lý do chính đáng.

Khi đưa ra cam kết mới hoàn thành 100.000 xét nghiệm mỗi ngày ở Anh vào cuối tháng này, ông Hancock tiết lộ rằng, các hộ chiếu miễn dịch  (giấy tờ chứng minh ai đó miễn dịch với virus) có thể cho phép một số người dân quay trở lại làm việc.

Ông ta đã cố gắng khởi động lại chiến lược của Chính phủ chống dịch bệnh của virus corona sau một tuần tự cách ly và bị áp lực về lý do tại sao rất ít xét nghiệm virus này được thực hiện, đặc biệt là đối với nhân viên NHS (Cơ quan y tế quốc gia). 

Trả lời báo chí hôm 2/4, Hancock hứa rằng các xét nghiệm sẽ được tiến hành cho cả bệnh nhân và nhân viên NHS, nhân viên chủ chốt và nhiều người hơn trong cộng đồng. “Đây sẽ là sự kết hợp của các xét nghiệm virus và xét nghiệm kháng thể để xác định xem có ai đó đã bị nhiễm virus chưa” – ông Hancock cho biết.

Anh đang nỗ lực để nhiều người dân được quay lại làm việc sau thời gian phong tỏa vì virus corona. Ảnh: businessinsider
Anh đang nỗ lực để nhiều người dân được quay lại làm việc sau thời gian phong tỏa vì virus corona. Ảnh: businessinsider

Đồng thời, mục tiêu 250.000 xét nghiệm mỗi ngày được Thủ tướng Anh Borris Johnson đưa ra từ 18/3 vẫn còn hiệu lực. Tuy nhiên, Chính phủ cũng buộc phải thừa nhận rằng “không có khả năng tiến hành chương trình xét nghiệm virus hàng loạt cho công chúng” như Tổ chức Y tế Thế giới và các chuyên gia công cộng khuyến cáo.

Xét nghiệm kháng thể cho công chúng

Theo Giáo sư John Newton - một quan chức cấp cao của Bộ Y tế Công cộng Anh - cho biết, thay vì xét nghiệm virus cho toàn thể công chúng, Chính phủ Anh và các nguồn của Bộ y tế khẳng định sẽ tiến hành xét nghiệm kháng thể cho công chúng trong vòng 28 ngày sau khi bị nhiễm bệnh, để xác định chắc chắn nhất ai đã nhiễm bị virus (nghĩa là có khả năng sinh kháng thể và được cấp hộ chiếu miễn dịch).

Giáo sư Newton cũng lưu ý, ý tưởng xét nghiệm tất cả những người có triệu chứng ở nước này là “không thực tế” và cảnh báo, sẽ ít người thực hiện thử nghiệm kháng thể (vốn chưa được chứng minh) ở nhà.

Trong cuộc họp báo hôm 2/4, Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock thừa nhận Anh ở xuất phát điểm thấp trong việc thực hiện các xét nghiệm virus so với người hàng xóm là Đức. Hiện Đức đang thực hiện 70.000 xét nghiệm/ngày.

Ông Matt Hancock cũng cho rằng, các cầu thủ ở Giải ngoại hạng Anh nên giảm lương để bày tỏ tình đoàn kết với các nhân viên NHS đang trên tuyến đầu chống dịch và tuyên bố xóa khoản nợ 13,4 tỷ bảng Anh của NHS.

Ông Hancock cũng thừa nhận, hiện kết quả các xét nghiệm kháng thể “rất nghèo nàn” nhưng ông hy vọng kết quả sẽ nhiều hơn khi thực hiện các xét nghiệm bắt buộc sau này. Chính phủ đã chọn mua tối đa 17,5 triệu xét nghiệm kháng thể thuộc các loại khác nhau (hiện đang được thử nghiệm), nhưng không thể nói rõ ràng khi nào chúng sẽ an toàn để sử dụng.

“Khi các xét nghiệm kháng thể có sẵn”, ông Hancock cho biết, “Chính phủ đã xem xét khả năng cấp giấy chứng nhận miễn dịch, để số người dân có thể ra khỏi nhà và quay lại làm việc nhiều nhất có thể”.

Bộ trưởng Y tế Anh cũng nhấn mạnh sẽ trưng dụng nhiều phòng thí nghiệm thương mại, bao gồm ở các trường đại học và doanh nghiệp tư nhân, để tăng tốc độ xét nghiệm virus.

Tuy nhiên, một số nhà phê bình lo ngại rằng điều này có thể dẫn đến sự phẫn nộ từ những người không có virus, thậm chí nhiều người có thể cố tình bị nhiễm bệnh nhằm có được hộ chiếu miễn dịch để được đi làm việc.

Paul Hunter, Giáo sư y khoa tại Đại học East Anglia, nói với Guardian rằng chứng nhận miễn dịch cho nhân viên y tế tuyến đầu sẽ rất quan trọng để cho phép nhân viên trở lại làm việc và để sử dụng  các thiết bị bảo vệ cá nhân theo cách an toàn nhất.

Tuy nhiên, không thể loại trừ có gian lận và lo ngại về hậu quả không lường trước được. “Những người đi ra ngoài cố tình bị nhiễm bệnh để họ có thể quay lại làm việc là một vấn đề đáng lo ngại và tôi không biết cách ông Hancock làm thế nào để ngăn tình hình đó. Đây là những vấn đề lớn” - Giáo sư Paul Hunter nói.

Anh có kế hoạch xét nghiệm kháng thể thay vì xét nghiệm virus cho công chúng.
 Anh có kế hoạch  xét nghiệm kháng thể thay vì xét nghiệm virus cho công chúng. 

Truy trách nhiệm khi số lượng xét nghiệm thấp

Căng thẳng đã nổi lên trong Chính phủ Anh về việc ai chịu trách nhiệm việc số lượng xét nghiệm virus được thực hiện ở Anh thấp. Một số nguồn tin chính trị đổ lỗi cho Bộ Y tế Công cộng Anh (PHE) vì đã không tập trung đủ vào vấn đề này trong những tuần gần đây.

Tuy nhiên, PHE đã bác bỏ những lời chỉ trích rằng Bộ này “đã cố gắng tự mình thực hiện tất cả các thử nghiệm và không linh hoạt trong việc cho phép sử dụng các hóa chất để xét nghiệm”. Đồng thời, PHE cho rằng, vấn đề này có trách nhiệm của các bộ trưởng trong việc huy động nguồn lực tư nhân cho hoạt động xét nghiệm virus.

Giáo sư Paul Cosford, Giám đốc danh dự của PHE, thanh minh, vai trò của PHE là “đảm bảo các phòng thí nghiệm của chúng tôi đang làm những gì họ cần làm” để tiến hành xét nghiệm cho các bệnh nhân có biểu hiện lâm sàng, sau đó ưu tiên xét nghiệm cho các nhân viên NHS.

Những người ủng hộ bảo thủ bày tỏ lo ngại về việc Chính phủ thất bại trong đẩy nhanh hoạt động xét nghiệm và lo lắng rằng công chúng có thể quay lưng lại với Chính phủ nếu kết quả thực hiện chiến dịch xét nghiệm “không kết thúc được tình trạng phong tỏa”.

Thậm chí, “Chính phủ có thể bị “thổi bay” nếu mọi người vẫn phải ở nhà sau lễ Phục sinh và không có tiến triển trong hoạt động xét nghiệm”.

Một nghị sĩ cấp cao cho biết cả nhóm của ông sẽ theo dõi các cuộc thăm dò một cách chặt chẽ và “giống như thời gian để virus phát bệnh, có thể có độ trễ hai tuần trước khi công chúng nhận ra đầy đủ rằng Chính phủ đang thất bại trong việc kiểm soát vấn đề, nhất là vì không thể xét nghiệm cho các nhân viên NHS”.

“Nếu chúng ta có hàng ngàn người chết mỗi ngày trong vài ngày, ai biết điều này sẽ đi đến đâu. Điều đó thật đáng sợ, và Thủ tướng có vẻ như đang không biết phải làm gì” – nghị sỹ này cảnh báo.

Còn Jeremy Corbyn, lãnh đạo đảng Lao động, thấy rằng, “Chưa xét nghiệm được 10.000 người mỗi ngày là thực sự rất nghiêm trọng. Có gần nửa triệu người làm việc trong NHS và lĩnh vực chăm sóc đang ở tuyến đầu chống dịch cũng chưa được xét nghiệm. Thật là lố bịch!”.

Đọc thêm

Nghề giáo bốn phương

Giải thưởng Nhà giáo Ghana 2024 là một trong những giải thưởng cao quý nhất để công nhận, tôn vinh những đóng góp của các giáo viên khắp cả nước này. (Ảnh: UNICEF)
(PLVN) - Giáo viên tại các quốc gia đang phát triển thường xuyên đối diện với nhiều thách thức lớn như nghèo đói, thiếu hụt nguồn lực, lớp học quá tải, điều kiện công nghệ hạn chế. Tuy nhiên, họ vẫn luôn kiên trì và tận tâm, không ngừng nỗ lực vượt qua mọi khó khăn để mang lại tri thức và hy vọng cho từng học sinh, dù cho điều đó đôi khi vượt xa trách nhiệm công việc của họ.

Nghề độc đáo ở Nhật Bản: Ra sức 'nhồi nhét' khách lên tàu, mỗi năm thu nhập trên 800 triệu đồng

 Số lượng người dân đi tàu điện ngầm ở Nhật Bản lúc nào cũng quá tải. (Ảnh: Japan Insider)
(PLVN) - Nhật Bản vốn nổi tiếng là đất nước sử dụng tàu điện ngầm là phương tiện giao thông chính và quan trọng, phục vụ hàng triệu người mỗi ngày. Với hệ thống tàu điện hiện đại, hiệu quả và có mặt khắp các thành phố lớn, việc sử dụng tàu điện là cách tốt nhất để di chuyển trong và ngoài thành phố.

Úc cấm trẻ em dưới 16 tuổi sử dụng mạng xã hội

Hình minh họa
(PLVN) - Chính phủ Úc vừa cam kết sẽ ban hành luật giới hạn độ tuổi sử dụng mạng xã hội là 16 tuổi, kèm theo hình phạt cho các nền tảng không tuân thủ. Tuy nhiên, vẫn chưa rõ làm thế nào để các ông lớn công nghệ như Facebook, Instagram, TikTok... có thể thực thi hiệu quả quy định này.