Anh-Mỹ mâu thuẫn về dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks

Người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange.
Người sáng lập trang mạng WikiLeaks Julian Assange.
(PLVN) - Các công tố viên Mỹ tuyên bố sẽ kháng cáo phán quyết của một thẩm phán Anh ngày 4/1 bác yêu cầu dẫn độ ông Julian Assange, nhà sáng lập trang mạng WikiLeaks, sang Mỹ.

Thông tin trên do luật sư Edward Fitzgerald của ông Assange đưa ra. Theo luật sư Fitzgerald, ông sẽ nộp đơn xin tại ngoại cho thân chủ Assange vào ngày 6/1 tới trong thời gian chờ kháng cáo.

Trước đó cùng ngày, Thẩm phán Vanessa Baraitser đã bác yêu cầu dẫn độ ông Assange sang Mỹ để đối mặt với các cáo buộc vi phạm luật gián điệp và âm mưu xâm nhập hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ.

Trong phiên xét xử tại tòa án hình sự Old Bailey ở thủ đô London, Thẩm phán Baraitser đã bác bỏ gần như tất cả các lập luận của nhóm pháp lý của ông Assange, song nói rằng không thể dẫn độ nhà sáng lập WikiLeaks vì ông ta có nguy cơ tự sát. Do đó, thẩm phán Baraitser ra phán quyết ông Assange không phải bị dẫn độ sang Mỹ.

Phản ứng trước thông tin trên, cựu nhân viên tình báo Mỹ Edward Snowden bày tỏ hy vọng việc Anh từ chối dẫn độ ông Assange sang Mỹ sẽ đánh "dấu chấm hết" cho những nỗ lực buộc ông Assange phải đối mặt với cáo buộc gián điệp ở Mỹ.

Bản thân Snowden cũng bị truy nã ở Mỹ với các cáo buộc gián điệp sau khi ông làm rò rỉ thông tin cho thấy các đặc vụ từ Cơ quan An ninh Quốc gia đang thu thập hồ sơ điện thoại của hàng triệu công dân Mỹ.

Ông Snowden đang sống lưu vong ở Nga từ năm 2013 và năm ngoái công bố ý định trở thành công dân hai quốc tịch Mỹ-Nga.

Ông Assange, người Australia, 49 tuổi, đang bị giam giữ tại nhà tù Belmarsh ở London (Anh) trong khi chờ phán quyết về yêu cầu dẫn độ sang Mỹ. Tại Mỹ, ông Assange bị cáo buộc 18 tội danh hình sự liên quan đến vụ rò rỉ khoảng 500.000 tài liệu mật của Chính phủ Mỹ trên WikiLeaks. Các luật sư của ông Assange đã lập luận rằng việc truy tố ông Assange mang động cơ chính trị và việc dẫn độ ông Assange tới Mỹ gây ra mối đe dọa nghiêm trọng đối với công việc của các nhà báo.

Ông Assange bị bắt giữ lần đầu tiên tại Anh vào ngày 7/12/2010 và có thể phải nhận mức án tổng cộng lên tới 175 năm tù nếu bị kết tội. Năm 2012, khi đang được bảo lãnh tại ngoại, ông Assange đã xin tị nạn tại Đại sứ quán Ecuador ở London và lưu lại đại sứ quán này trong 7 năm.

Tuy nhiên, ông Assange bị cảnh sát Anh bắt giữ vào tháng 4/2019 với tội danh bỏ trốn trong thời gian tại ngoại sau khi Ecuador bãi bỏ quy chế tị nạn đối với ông này. Washington sau đó đã chính thức gửi yêu cầu tới London đề nghị dẫn độ ông Assange về Mỹ.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.