Theo báo cáo của Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội (ngày 27/3), số giáo viên, nhân viên nhóm trẻ không được hỗ trợ lương chiếm nhiều nhất - hơn 16.000; mầm non, THPT và tiểu học lần lượt là 490, 355 và 38. THCS là cấp duy nhất không có giáo viên nghỉ không lương.
Ngoài ra, khoảng 14.000 giáo viên, nhân viên trường ngoài công lập chỉ được hỗ trợ dưới 50% lương và 14.000 người được hưởng 50% lương.
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đề nghị UBND thành phố hỗ trợ tiền lương cơ bản hoặc trợ cấp cho giáo viên, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn, phải thuê nhà, có con nhỏ hoặc sức khỏe yếu. Mức hỗ trợ cụ thể chưa được đề cập.
Sở cũng đề nghị những giáo viên, nhân viên đang tham gia đóng bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp quý I và II năm 2020 được miễn đóng cả ba loại này.
Với các cơ sở giáo dục ngoài công lập, Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội kiến nghị cho phép họ vay với lãi suất 0% để duy trì hoạt động thường xuyên (trả lương, tiền thuê mặt bằng, điện, nước, chi phí vận hành khác).
Năm 2020, Hà Nội có 3.225 đơn vị giáo dục ngoài công lập với gần 46.000 giáo viên, nhân viên. Trong đó, giáo viên nhóm trẻ đông nhất khoảng 27.000, mầm non 10.000, tiểu học 2.700, THCS 1.200 và THPT 4.500. Nhiều giáo viên, nhân viên phải làm thêm nhiều nghề như bán hàng online, nhận thêm trẻ về nhà trông hoặc giúp việc theo giờ để xoay xở khi trường đóng cửa vì Covid-19.
Một số nơi, như TP HCM thông báo sẽ có chính sách hỗ trợ người lao động không có bảo hiểm bị mất việc vì Covid-19; giáo viên mầm non, tiểu học phải nghỉ không lương.
Năm học 2019-2020, cả nước có hơn 22 triệu học sinh các cấp. Đến 4/4, hơn 40 tỉnh thành cho học sinh nghỉ đến khi có thông báo mới, còn lại cho nghỉ đến giữa tháng 4 vì diễn biến phức tạp của Covid-19.