Cùng nhau “dậy sóng”
Thông tin từ một tờ báo của Nga cho biết, tập đoàn Rusal đã nhất trí với đối tác Việt Nam trong việc xây dựng tuyến đường sắt trị giá khoảng 1 tỷ USD, từ Bình Phước đến Bà Rịa - Vũng Tàu. Nguồn kinh phí từ Việt Nam do tập đoàn tư nhân An Viên (AVG) thực hiện.
Giới đầu tư ngay lập tức nghĩ tới em trai của tỷ phú đô-la duy nhất tại Việt Nam Phạm Nhật Vượng là Phạm Nhật Vũ bởi quy mô của dự án rất lớn, mà ở Việt Nam chỉ có một vài cá nhân có thể tham gia, trong đó có anh em nhà ông Vượng.
Tập đoàn An Viên chưa lên tiếng về dự án này, nhưng trước đó, giới đầu tư đã biết đến những đề xuất liên quan tới dự án nói trên. Bên cạnh đó, ông Phạm Nhật Vũ từng khuynh đảo giới kinh doanh trong nước với việc đầu tư hàng nghìn tỷ vào Truyền hình An Viên và mua bản quyền bóng đá Việt trong 20 năm.
Mỗi lần ông Vũ xuất hiện đều là một lần chấn động thị trường. Mặc dù vậy, ông Vũ vẫn còn xếp sau anh trai mình là Phạm Nhật Vượng về độ nổi tiếng, bởi lẽ rất đơn giản: đây là doanh nhân đầu tiên và duy nhất cho tới thời điểm này là tỷ phú đô la của Việt Nam, có tên trong danh sách của Forbes.
Sự nổi tiếng của ông Vượng là từ Ukraine, nơi mà doanh nhân sinh năm 1968 này khởi nghiệp và trở thành ông trùm thực phẩm tiêu dùng thiết yếu tại khu vực Đông Âu. Trở về Việt Nam, ông Vượng gây bão với hàng loạt các dự án đứng đầu cả nước và mang tầm khu vực như: Vinpearl Land, trung tâm thương mại lớn nhất khu vực, thủy cung lớn nhất Việt Nam, hàng loạt các tổ hợp nhà ở cao cấp rồi lấn sân sang y tế, bán lẻ, giáo dục và gần đây là thời trang.
Một cặp anh chị em doanh nhân nổi tiếng nữa là Đặng Thành Tâm, Đặng Thị Hoàng Yến và Đặng Thị Hoàng Phượng.
Giới đầu tư từng biết đến ông Tâm là một nhân vật kiệt xuất trong cộng đồng doanh nhân với tư cách là ông trùm bất động sản công nghiệp, ông trùm kêu gọi đầu tư nước ngoài vào Việt Nam, là doanh nhân giàu nhất trên TTCK năm 2007 và nằm trong tốp 5 nhiều năm sau đó. Ông còn được biết đến là đại biểu Quốc hội, ông chủ của nhiều DN lớn như Kinh Bắc, SaiGonTel, Tân Tạo...
Chị em gái của ông Tâm cũng rất nổi tiếng vài năm trước đây và là những phụ nữ giàu có nhất sàn chứng khoán, là chủ tịch và thành viên của các DN lớn như Khoáng sản Sài Gòn - Quy Nhơn...
Rất nhiều cặp anh chị em doanh nhân thành đạt khác được biết đến như anh em nhà ông Trần Kim Thành - Trần Lệ Nguyên với đế chế bánh kẹo Kinh Đô; anh em nhà ông Nguyễn Đức Thụy - Nguyễn Xuân Thủy với đế chế vật liệu xây dựng Xuân Thành và với một thời gắn kết với bóng đá; chị em ông Trương Gia Bình và Trương Thị Thanh Thanh với quyền lực nhất nhì tại tập đoàn công nghệ FPT; anh em Nguyễn Cảnh Sơn - Nguyễn Cảnh Hồng với đế chế Eurowindow, Mê Linh Plaza và Techcombank; anh em ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) với Hoàng Anh Gia Lai; những cặp anh em thế hệ thứ 2 như 3 người con nhà ông Trầm Bê (Trầm Trọng Ngân, Trầm Thuyết Kiều, Trầm Khải Hòa); 2 người con nhà ông Đặng Văn Thành (Đặng Hồng Anh, Đặng Huỳnh Ức My); con cháu nhà bà Tư Hường tại Hoàn Cầu và NamABank...
Hợp tác và hỗ trợ
Câu chuyện thành công của những cặp anh chị em trong giới kinh doanh có khá nhiều. Tuy nhiên, để có kết quả thành công vang dội như vậy thì chắc chắn, tài năng là yếu tố quan trọng nhất, thêm vào đó là sự hợp tác hỗ trợ lẫn nhau.
Trong trường hợp anh em nhà ông Vượng - Vũ, họ từng là những học sinh xuất sắc, khởi nghiệp kinh doanh tại Liên Xô cũ. Trải qua nhiều thăng trầm và thất bại - như cả hai người từng chia sẻ, thì ngày nay mới đến ngày “hái quả” của họ.
Trong đế chế Vingroup hiện tại, người ta cũng thấy bóng dáng nhiều người thân của ông Vượng như bà Phạm Thúy Hằng, Phạm Thu Hương. Hai chị em bà Hương - Hằng là phó chủ tịch bí ẩn của Vingroup và bà Hương là vợ của ông Phạm Nhật Vượng.
Sự nổi lên của anh chị em nhà ông Tâm cũng gắn liền với hoạt động của Tập đoàn đầu tư Saigon Invest Group (SGI) do ông Tâm làm chủ. SGI đã hỗ trợ rất nhiều cho các DN khác thuộc tập đoàn như KBC, SGT, ITA hay SQC, nơi mà các thành viên gia đình ông tham gia vào.
Trường hợp thành công của Eurowindow cũng là một sự nỗ lực và hợp tác ăn ý của 2 anh em ông Cảnh Sơn và Cảnh Hồng. Trong những năm 2003-2004, hai doanh nhân này đã chọn một hướng đi khá mới mẻ, sản phẩm cửa sổ nhựa châu Âu - một lĩnh vực chưa có thị trường. Đây là hướng đi khá mạo hiểm nhưng trên thực tế đã thành công rực rỡ, ghi danh tên tuổi 2 anh em doanh nhân này.
Sự thành công của Kinh Đô gắn liền với nỗ lực của anh em Kim Thành và Lệ Nguyên với tư cách là đồng sáng lập. Thành công của họ gắn liền với một quá trình phát triển lâu dài hơn 20 năm, từ một cơ sở sản xuất bim bim nhỏ.
Chị gái ông Trương Gia Bình là Trương Thị Thanh Thanh thua xa về độ nổi tiếng so với ông Bình nhưng ở FPT, bà cũng từng là phó chủ tịch HĐQT và là người đầu tiên bắt tay xây dựng chi FPT chi nhánh TP.HCM. Bà hiện nắm giữ gần 5,6 triệu cổ phiếu FPT (tương đương 1,62%).
Còn với bầu Thủy, sự nổi tiếng của doanh nhân này cũng gắn liền với người anh Nguyễn Đức Thụy (bầu Thụy). Giàu có nhờ kinh doanh vật liệu xây dựng, ông Nguyễn Đức Thụy đã nâng tầm thương hiệu Xuân Thành bằng bóng đá. Tuy nhiên, sau khi chán bóng đá đại gia này đã chuyển cho người em quản lý.
Gần đây, giới đầu tư cũng chứng kiến nhiều gương mặt doanh nhân mới nổi có gắn với những tên tuổi lừng danh như em trai chủ tịch Chứng khoán Sài Gòn SSI là Nguyễn Mạnh Hùng. Ông Hùng hiện là TGĐ CTCP Đầu tư Đường Mặt - một DN liên tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Bibica, liên quan tới thương vụ thâu tóm rùm beng gần đây.
Có thể thấy, sự nổi lên của hàng loạt các cặp anh chị em doanh nhân trong vài năm gần đây là một hiện tượng mới mẻ nhưng dễ hiểu. Nền kinh tế mở đã giúp các doanh nghiệp tư nhân phát triển mạnh. Nó giúp hình thành nên một lớp doanh nhân giàu có và những doanh nghiệp gia đình trị.