Nữ lãnh đạo này, vốn xuất thân là con của một mục sư và được nuôi dậy trong thời kỳ "Bức màn sắt" (The Iron Curtain, biên giới mang tính biểu tượng chia cắt châu Âu thành hai khu vực riêng rẽ từ cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2 đến cuối Chiến tranh lạnh) đang tiến đến khả năng tiếp tục nhiệm kỳ thứ 4 điều hành nền kinh tế lớn nhất châu Âu.
“Chỗ dựa” vững chắc
Bà Merkel, với phong cách thực chất, khiêm tốn, và ôn tồn, đã hoàn thiện nghệ thuật duy trì quyền lực ở một đất nước giàu có với dân số già, vốn có xu hướng luôn thích sự thay đổi. Trong thời kỳ thế giới trải qua nhiều bất ổn với việc nước Mỹ do ông Donald Trump lãnh đạo, vấn đề Brexit (Anh rời Liên minh châu Âu - EU), cùng với các cuộc khủng hoảng toàn cầu, nữ lãnh đạo 63 tuổi này đã trở thành chỗ dựa vững chắc cho một đất nước dành nhiều quan tâm về vấn đề duy trì tốc độ tăng trưởng và khả năng tạo công ăn việc làm mong muốn cho người dân. Người dân Đức thường gọi bà với cái tên thân mật “Mutti”, có nghĩa là Mẹ.
Người Đức đã cảm ơn bà bằng cách để bà tại nhiệm kể từ khi bà trở thành nữ thủ tướng đầu tiên và trẻ nhất nước Đức hồi năm 2005, một lãnh đạo từng cùng thời với những lãnh đạo đã mãn nhiệm từ lâu như George W. Bush (Mỹ), Tony Blair (Anh) và Jacques Chirac (Pháp).
Thế nhưng, hoàn toàn khác biệt với uy quyền và không hề có sự phù phiếm, bà Merkel sống trong một căn hộ ở Berlin với người chồng là nhà khoa học kín tiếng Joachim Sauer, thường mua sắm ở một siêu thị gần nhà và nghỉ dưỡng ở dãy núi Alps. Sau chiến thắng bất ngờ của ông Trump hồi năm ngoái, các trang báo quốc tế ca ngợi bà Merkel là nhà lãnh đạo mới của nền dân chủ tự do thì bà coi lời tán dương này là "lố bịch và ngớ ngẩn".
Mặc dù thường xuyên bị chỉ trích vì tự "chuốc vào thân" những thách thức khó khăn, nhưng bà Merkel đã khẳng định quyền lực của mình bằng những quyết định bất ngờ và táo bạo - từ việc hủy bỏ điện hạt nhân sau thảm họa Fukushima 2011 đến việc mở cửa biên giới Đức cho hơn 1 triệu người tị nạn từ năm 2015. Dòng người di cư đã khiến bà phải trả giá đắt, đối với cả cử tri Đức và các nước láng giềng EU, và khiến nhiều người đồn đoán về cái kết quyền lực của bà.
Tuy nhiên, khi số người tìm kiếm tị nạn được cắt giảm và chính phủ của bà thúc đẩy thực hiện các chính sách tị nạn cứng rắn hơn, tỷ lệ ủng hộ bà đã tăng trở lại mức trước khi xảy ra khủng hoảng. Sự ủng hộ của bà mạnh mẽ đến mức mà truyền thông Đức có xu hướng chế nhạo những thế lực thách thức bà theo đường lối trung tả là những nhà điều hành không may mắn sẽ chịu số phận thất bại trong khi sức mạnh của bà Merkel ngày càng được củng cố.
Người tị nạn Syria và Iraq selfies với Thủ tướng Đức Angela Merkel bên ngoài một Văn phòng Liên bang về di cư và người tị nạn ở Berlin |
"Hớp hồn" giới trẻ Đức
Sau 12 năm chèo lái “con thuyền chính trị” Đức, thay vì chứng kiến phản ứng dữ dội từ giới trẻ vốn hào hứng tìm kiếm sự thay đổi, bà Merkel đã trở thành một nhân vật được ưa chuộng và thậm chí là “tuyệt vời” trong mắt họ.
Mặc dù chính sách mở cửa đối với người tị nạn của bà hồi năm 2015, vốn chứng kiến sự tiếp nhận hơn 1 triệu người di cư vào Đức, đã thách thức đường lối chính trị truyền thống của liên minh đảng bảo thủ của bà, nhưng đã để lại ấn tượng tốt đẹp trong giới trẻ nước này. Một cuộc thăm dò dư luận do hãng Forsa công bố hồi tháng 6/2017 cho thấy 57% cử tri Đức, độ tuổi từ 18 đến 21 ủng hộ bà Merkel làm Thủ tướng Đức, trong khi tỷ lệ này ở toàn bộ cử tri Đức là 53%.
Nhận định trên tờ The Independent, ông Conrad Clemens, Bí thư đoàn thanh niên Junge Union của CDU chia sẻ rằng tỷ lệ ủng hộ tăng vọt trong giới trẻ là một bước phát triển mới mà ông miêu tả là “độc đáo và ngoạn mục”. Ông Clemens giải thích, trong nhiều năm qua, bà Merkel đã trở thành “một nhà lãnh đạo mang tầm quốc tế, để lại ấn tượng và đã góp phần đổi mới CDU” và đây cũng là điều mà giới trẻ ghi nhận ở bà. Ngoài ra, ảnh hưởng của bà Merkel cũng giúp Junge Union thu hút số lượng thành viên lên đến 110.000 người.
Khi hình ảnh của nữ Thủ tướng Merkel mang một diện mạo mới, thái độ của giới trẻ Đức cũng bắt đầu thay đổi với các nghiên cứu chỉ ra rằng giới trẻ Đức đã coi trọng những giá trị truyền thống về vấn đề gia đình và hôn nhân. Trong khi đó, tỷ lệ thất nghiệp trong giới trẻ gần như đã về con số 0.
Vị Bí thư đoàn thanh niên này nhấn mạnh: “Giới trẻ không theo đuổi những hệ tư tưởng cánh tả nhiều như trước nữa nhưng họ cũng kế tục những quan điểm bảo thủ nhiều hơn và những yếu tố này giải thích vì sao bà Angela Merkel giành được sự mến mộ trong lòng lớp trẻ”.
“Nữ hoàng khắc khổ”
Bản thân bà Merkel thường từ chối đề cập tên tuổi những đối thủ chính trị của mình hoặc từ chối tham gia các cuộc đối thoại chính trị kích động, giúp đem lại bầu không khí nhẹ nhàng cho các chiến dịch bầu cử gần đây nhưng cũng khiến các đối thủ của bà tức giận.
Hồi tháng 6, lãnh đạo đảng Dân chủ Xã hội Đức, ông Martin Schulz, đối thủ của bà Merkel, đã lên tiếng chỉ trích, gọi chiến thuật giữ cho chính trường không bị kích động của bà là "một sự tấn công vào nền dân chủ", một bình luận khiến ông vấp phải những lời khiển trách gay gắt từ những người ủng hộ bà Merkel.
Tuy nhiên, nhiều nhà bình luận chính trị cũng cáo buộc bà Merkel đã đẩy nước Đức vào tình trạng thờ ơ với các vấn đề chính trị và dường như phát triển theo đường lối ngày càng tách biệt hơn. Gần đây, nhà báo Đức Alexander Osang của tạp chí Der Spiegel đã gọi bà là "người phụ nữ hổ phách" không thể hiểu thấu được "như nhân sư, nữ danh ca hay nữ hoàng", với những bài phát biểu tựa như "phép thôi miên khổng lồ".
Sinh năm 1954 tại thành phố cảng Hamburg, bà Merkel tên thật là Angela Dorothea Kasner. Gia đình bà sau đó đã chuyển sang sinh sống tại một thị trấn nhỏ ở Đông Đức, không như nhiều gia đình khác muốn chuyển đến miền Tây.
Hình ảnh đoàn người cầm biển có chữ “Angie” và “Mutti” tại một cuộc vận động tranh cử của đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ở Magdeburg, Đức |
Giống như số đông sinh viên thời đó, bà tham gia phong trào đoàn thanh niên xã hội chủ nghĩa, nhưng từ chối lời đề nghị làm "tay trong" cho Bộ An ninh quốc gia (thường được biết đến là Stasi), cơ quan tình báo nội vụ và hải ngoại của Cộng hòa Dân chủ Đức (Đông Đức) lúc bấy giờ.
Bà cũng không tham gia các hoạt động tuyên truyền ủng hộ dân chủ. Là một sinh viên đứng đầu, bà thành thạo tiếng Nga, điều sau này giúp bà duy trì đối thoại với Tổng thống Vladimir Putin, người từng làm việc tại Ủy ban An ninh Quốc gia của Liên Xô (KGB) tại Dresden, thủ phủ bang Saxony thuộc Đông Đức, khi Bức tường Berlin sụp đổ năm 1989.
Trong thời gian biến đổi quan trọng này, bà Merkel đã tham gia đảng chính trị mới hình thành lúc ấy, mang tên Thức tỉnh Dân chủ. Đảng này sau đó đã hợp nhất với đảng Dân chủ Cơ đốc giáo do ông Helmut Kohl lãnh đạo và sau này trở thành Thủ tướng Đức. Khi Thủ tướng Kohl vướng mắc vào vụ bê bối tài chính năm 1999, bà Merkel đã công khai kêu gọi đảng của mình từ bỏ
"Con ngựa chiến già" - cách mà cựu Thủ tướng Kohl hay gọi bản thân. Động thái này, vốn được giới quan sát lúc ấy đánh giá là "Merkel mưu mô", đã đánh dấu sự "nổi danh" của bà. Là một thành viên "ngoại đạo", bà đã làm hồi sinh Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo, gắn đảng này với trọng tâm chính trị Đức bằng cách thúc đẩy các chính sách xã hội tiến bộ, hủy bỏ cơ chế quân ngũ bắt buộc, và hủy bỏ điện hạt nhân.
Bà nổi lên như một nhà lãnh đạo được kỳ vọng sẽ vực dậy châu Âu trong thời kỳ khủng hoảng nợ công, mặc dù bà được mệnh danh là "nữ hoàng khắc khổ" có thái độ khắt khe với các nước Nam Âu bị suy sụp bởi cuộc khủng hoảng này.
Một thập kỷ trôi qua, bà Merkel vẫn tại nhiệm và quyền lực của bà còn có thể vượt xa quyền lực của cựu Thủ tướng Kohl, người từng dìu dắt bà trên sự nghiệp chính trị. Điều đáng nói là trong suốt thời gian lãnh đạo đất nước, chưa từng có một đối thủ "đáng gờm" nào trong nội bộ đảng của bà muốn ganh đua vị trí này của nữ thủ tướng.../.