Thay vì giải quyết sự việc đúng thẩm quyền, đúng pháp luật, giúp gia đình chính sách hàn gắn mâu thuẫn thì UBND huyện Từ Sơn (nay là thị xã Từ Sơn, Bắc Ninh) đã ra quyết định sai thẩm quyền và tổ chức cưỡng chế trái pháp luật khiến đương sự vô cùng bức xúc. Hậu quả là hai anh em ruột Đinh Xuân Hảo (23 tuổi, kỹ sư) và Đinh Xuân Hải (20 tuổi, sinh viên ĐH Bách khoa Hà Nội) đã nông nổi chống đối lực lượng cưỡng chế và phải lĩnh án tù.
Quyết định sai thẩm quyền, vẫn tổ chức cưỡng chế
Vụ cưỡng chế liên quan đến việc tranh chấp tài sản giữa cụ Ngô Thị Mai (76 tuổi, vợ liệt sĩ Đinh Xuân Tám, mẹ liệt sĩ Đinh Xuân Cầu) với người con trai trưởng là ông Đinh Xuân Hoàn cùng ở xã Hương Mạc, Từ Sơn. Cụ Mai là bà nội của hai bị cáo Hào và Hải.
Hai anh em Hảo, Hải trước vành móng ngựa. |
Năm 1991, cụ Mai làm văn bản tặng cho nhà đất cho hai con trai là ông Đinh Xuân Hoàn và ông Đinh Văn Đồng với sự làm chứng của anh em họ tộc. Theo đó, ông Đồng ở cùng mẹ già nên được chia diện tích 237m2 ở vị trí hai mặt đường, bao gồm nhà đất, công trình phụ để sinh sống, bán hàng; ông Hoàn được chia 401m2 diện tích nhiều hơn nhưng là đất thùng vũng, vốn là chỗ trước đây hợp tác xã khoét đất làm lò gạch. Vợ chồng ông Hoàn đã bỏ công sức tôn tạo, xây dựng làm nhà, xưởng sản xuất. Đến năm 2002, cả ông Đồng và ông Hoàn đều được cấp sổ đỏ.
Tháng 7/2004, UBND huyện Từ Sơn có quyết định hủy bỏ giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho 98 hộ (trong đó có hộ gia đình ông Hoàn) do liên quan đến hành lang giao thông và chia tách hộ. Cũng thời gian này, cụ Mai đệ đơn xin đòi lại một phần đất trong thửa đất của ông Hoàn để bán lấy tiền dưỡng già.
Tháng 11/2004, UBND huyện Từ Sơn ra Quyết định 1139/QĐ-CT với nội dung: “Giao cho UBND xã Hương Mạc và phòng địa chính làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho hộ bà Mai và các con theo quy định của pháp luật”. Theo đó, tháng 2/2005, UBND huyện Từ Sơn cấp sổ đỏ cho cụ Mai với diện tích 200m2 từ chính thửa đất đã được cấp sổ đỏ cho ông Hoàn.
Ông Hoàn làm đơn khiếu nại việc cấp sổ đỏ, tháng 5/2006 UBND huyện Từ Sơn ra Quyết định số 352 thu hồi lại chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho cụ Mai nhưng vẫn khẳng định giữ nguyên nội dung Quyết định 1139. Trước tình thế này, ông Hoàn buộc phải khởi kiện quyết định trên ra tòa án hành chính.
Bản án số 01/2007/HC-ST ngày 28/6/2007 của TAND tỉnh Bắc Ninh nhận định: Việc tranh chấp giữa ông Hoàn và cụ Mai thuộc thẩm quyền của Tòa án dân sự chứ không phải UBND. Việc UBND huyện Từ Sơn ra Quyết định 1139 và Quyết định số 352 là không đúng thẩm quyền. Tại phiên tòa, đại diện VKS đề nghị Tòa hủy các quyết định sai phạm trên nhưng Tòa lại hướng dẫn đương sự khiếu nại cấp trên. Tòa án ra phán quyết trả lại đơn, đình chỉ vụ án hành chính.
Ông Hoàn khiếu nại lên UBND tỉnh Bắc Ninh yêu cầu hủy bỏ Quyết định 1139. Khi khiếu nại chưa được tỉnh giải quyết, ngày 10/8/2009 UBND thị xã Từ Sơn đã ký Quyết định số 398 về việc cưỡng chế thực hiện Quyết định 1139. Đến ngày 28/1/2010, UBND tỉnh Bắc Ninh ra Quyết định 168 với nội dung giữ nguyên Quyết định 1139. Ông Hoàn một lần nữa lại khởi kiện hành chính đối với hai Quyết định 1139 và 168 nhưng vẫn bị TAND tỉnh Bắc Ninh trả đơn, đình chỉ vụ án.
Ông Hoàn tiếp tục khiếu nại lên TAND TC. Trong thời gian ông Hoàn đang chờ TAND TC giải quyết thì ngày 31/12/2010, UBND xã Hương Mạc phối hợp với các cơ quan chức năng thị xã Từ Sơn tổ chức cưỡng chế tháo dỡ công trình nhà xưởng trên diện tích 200m2 đất của ông Hoàn để giao cho cụ Mai.
Uất ức cho rằng việc cưỡng chế của chính quyền là sai pháp luật vì Quyết định 1139 làm căn cứ thực hiện cưỡng chế đã được tòa án khẳng định không đúng thẩm quyền, trái pháp luật nên hai con trai ông Hoàn là Đinh Xuân Hảo, Đinh Xuân Hải đã nông nổi có hành vi chống đối, bị đưa ra xét xử về tội “Chống người thi hành công vụ”.
Nước mắt người trong cuộc...
Tại phiên tòa ngày 29/7/2011 của TAND thị xã Từ Sơn, hai anh em Hải, Hảo khẳng định sự vô tội của mình bằng cách cho rằng hành vi của họ là phòng vệ chính đáng đối với việc làm trái pháp luật của lực lượng cưỡng chế. Trước Tòa, các bị cáo còn tố cáo những người thi hành công vụ đã lợi dụng việc cưỡng chế để ném gạch đá, hủy hoại tài sản của gia đình họ ở tòa nhà bên cạnh thửa đất bị cưỡng chế. Các bị cáo và người nhà của họ xin giao nộp cho Tòa án cuốn băng video quay những hành vi sai phạm đó của những người thi hành công vụ.
Luật sư bảo vệ bị cáo cũng cho rằng Hải, Hảo vô tội và đề nghị HĐXX cho công bố đoạn băng trên để xác định các bị cáo hay lực lượng cưỡng chế mới là “thủ phạm” gây thương tích cho một người đi đường khiến bị hại yêu cầu bồi thường gần 23 triệu đồng. Tuy nhiên, HĐXX không chấp nhận.
TAND thị xã Từ Sơn tuyên phạt Đinh Xuân Hảo, Đinh Xuân Hải mỗi bị cáo 12 tháng tù giam về tội “Chống người thi hành công vụ” cộng mức bồi thường thiệt hại về dân sự.
Bà Lê Thị Nụ (mẹ hai bị cáo) bật khóc cay cực, ai oán trước nỗi oan nhãn tiền sẽ che lấp tương lai, tuổi trẻ của các con mình. Đinh Xuân Hảo đã tốt nghiệp Cao đẳng Bách khoa, mới đi làm kỹ sư ở nhà máy rượu; còn Hải đang là sinh viên năm thứ hai Đại học Bách khoa. Bà Nụ cho biết, cả hai anh em Hảo đều thông minh, chịu khó; chính vì thấm thía nỗi vất vả cực nhọc của cha mẹ nên Hảo - Hải mới không kiềm chế được hành động chống đối khi thấy người ta cố tình cưỡng chế trái pháp luật ngôi nhà mà cả gia đình mình đã tạo dựng bằng mồ hôi nước mắt.
Thấy các cháu nội của mình bị tuyên án tù, cụ Mai chỉ lặng lẽ khóc. Trước đó, cụ Mai đã có đơn yêu cầu chính quyền dừng việc cưỡng chế để tự hòa giải và tha thiết xin cơ quan pháp luật tha miễn cho Hảo và Hải. Bà cụ cũng mong muốn được trình bày lại nguyện vọng này trước Tòa nhưng không có cơ hội bày tỏ. Vả lại, nói ra điều đó bây giờ cũng đã quá muộn màng.
Các bị cáo cho biết sẽ kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm. Chính cách giải quyết sai thẩm quyền, trái pháp luật của chính quyền xã Hương Mạc và thị xã Từ Sơn là nguyên nhân gây nên nỗi bi kịch, oan trái cho một gia đình chính sách; chẳng biết bao giờ oan khiên “thấu trời xanh” nhưng hậu quả đau xót thì đương sự đã gánh trọn.
Nguyễn Lê