Bóng hình Bác nơi bốn bể
Chủ tịch Hồ Chí Minh - lãnh tụ thiên tài của Đảng và dân tộc, người thầy vĩ đại của cách mạng Việt Nam, sinh thời và cả khi đã đi xa, hình ảnh của Bác vẫn luôn sống mãi trong trái tim của Nhân dân Việt Nam cũng như bạn bè yêu chuộng hòa bình, chính nghĩa trên toàn thế giới. Ngưỡng mộ trước những cống hiến vĩ đại cho dân tộc, cho nhân loại và tấm gương đạo đức cao đẹp, nhân dân và bạn bè trên thế giới đã ca ngợi Bác với những lời tốt đẹp nhất.
Suốt hành trình thực hiện khát vọng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội của Chủ tịch Hồ Chí Minh, dù là những nơi Bác từng đi qua hay thậm chí những nơi chưa từng đặt chân đến nhưng tư tưởng, giá trị nhân văn, đạo đức và nhân cách của Bác vẫn để lại dấu ấn đặc biệt tại nhiều nơi. Chính vì lẽ đó, rất nhiều quốc gia đã lấy tên Bác đặt cho đường phố, trường học, công viên, quảng trường, khu tưởng niệm… Đặc biệt, dựng tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh để đời đời tưởng nhớ Bác, tưởng niệm thành tựu của chiến sỹ quốc tế kiên cường suốt đời hy sinh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Bức tượng mới nhất được khánh thành vào ngày 30/6/2023 tại chính thành phố cảng Petrograd, nay là Saint Petersburg, thủ đô phương Bắc của nước Nga. Hơn 100 năm trước, đây là nơi Bác đã đặt những bước chân đầu tiên trên hành trình đến với nước Nga Xô Viết, cái nôi của Cách mạng tháng Mười, để tìm con đường giải phóng dân tộc. Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh với hình ảnh Bác đang ngồi thư thái, tay cầm cuốn sách, chân đi đôi dép cao su, hướng nhìn về phương Đông được đúc từ 2 tấn đồng, có chiều cao 3m, đặt trên bệ cao 1,5m, nằm ở khuôn viên tại nơi giao nhau giữa con phố mang tên “Hồ Chí Minh” và đại lộ “Khai sáng” ở Saint Petersburg.
Ngoài ra, ở nước Nga còn bốn bức tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng Bác đầu tiên được dựng tại Thủ đô Moscow vào ngày 18/5/1990, nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Tượng đài khắc họa chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh đang mỉm cười, cùng hình tượng chàng trai Việt Nam ở tư thế chuẩn bị bật dậy. Phía dưới tượng đài có ghi dòng chữ “Không có gì quý hơn độc lập, tự do”. Sau đó, trong những năm 2000, các tượng đài khác được dựng lên ở Vladivostok và Ulyanovsk. Bức tượng Hồ Chí Minh thứ tư được đặt trong khuôn viên Viện Hồ Chí Minh ở Saint Petersburg.
Tại Cuba - đất nước có nhiều công trình mang tên các anh hùng hay địa danh lịch sử của Việt Nam, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tọa lạc ở trung tâm Công viên Hòa bình trên đại lộ 26, một trong những con đường lớn nhất tại Thủ đô La Habana và có một vị trí vô cùng đặc biệt trong trái tim người dân “đảo quốc tự do”. Bức tượng do kiến trúc sư Cuba Yoel Diaz Gutieres thiết kế và được hoàn thành vào dịp kỷ niệm 113 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh 19/5/2003.
Độc đáo nhất, có lẽ phải kể đến phiên bản tượng Bác Hồ của nhà điêu khắc Ponzanelli (người đã đúc 5 bức tượng Bác Hồ), đặt trang trọng tại công viên “Tự do cho các dân tộc”, ngay trong nội đô Thủ đô Mexico. Dựa trên bức ảnh của nghệ sỹ nhiếp ảnh Đinh Đăng Định (TTXVN), chụp Bác Hồ đang làm việc tại vườn Phủ Chủ tịch, Ponzanelli đã thể hiện hình tượng Bác thật sống động và gần gũi với bộ quần áo kaki, đôi dép lào quen thuộc cùng tư thế ngồi trên chiếc ghế mây tập trung làm việc nhưng không cứng nhắc. Ponzanelli đã đặt thêm một chiếc ghế nữa bên cạnh bàn của Bác, để thể hiện sự sẵn sàng đối thoại của Bác với xung quanh. Vào tháng 1/2009, bức tượng được khánh thành với sự ngưỡng mộ và yêu thích của cả người Việt Nam và Mexico. Được biết, còn có hai bức tượng Bác Hồ được đặt tại thành phố biển Acapulco và khuôn viên Đại sứ quán Việt Nam tại Mexico.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp được khánh thành vào năm 2005, nhân kỷ niệm 115 năm Ngày sinh của Bác. Bức tượng bán thân làm bằng đồng, nặng 45kg, cao 2m, có ghi dòng chữ "Vị anh hùng giải phóng dân tộc và Danh nhân văn hóa Việt Nam", được đặt ở công viên Montreau, thành phố Montreuil, ngoại ô Thủ đô Paris.
Là một phần văn hóa của thành phố Zalaegerszeg, Hungary, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh do nhà điêu khắc nổi tiếng Hungary Marton László thực hiện vào năm 1976. Hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh được ông László thể hiện một cách dung dị, gần gũi, cùng câu nói nổi tiếng "Không có gì quý hơn độc lập, tự do" được khắc phía sau. Được biết, bức tượng đã đoạt giải của Bộ Văn hóa Hungary vào năm 1977.
Còn tại “Đảo quốc sư tử”, vào tháng 5/2008, nhân dịp kỷ niệm 118 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh và 35 năm thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam, Chính phủ Singapore đã khánh thành bia tưởng niệm tại khuôn viên Bảo tàng Văn minh châu Á. Mặt trước văn bia là thông tin song ngữ Anh - Việt giới thiệu ngắn gọn về tiểu sử Chủ tịch Hồ Chí Minh, mặt sau tấm bia có khắc bài thơ "Nghe tiếng giã gạo" nằm trong tập thơ “Nhật ký trong tù” của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đến tháng 9/2011, Ủy ban Di sản Quốc gia Singapore, Đại sứ quán Việt Nam tại Singapore và Bảo tàng Hồ Chí Minh đã thống nhất đặt thêm bức tượng đồng của Chủ tịch Hồ Chí Minh bên cạnh bia tưởng niệm. Bức tượng bán thân được đúc bằng đồng, cao 0,55m, ngang 0,36m.
Ngoài những công trình kể trên, tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh còn có mặt tại Ấn Độ, Nhật Bản, Philippines, Sri Lanka, Thái Lan, Anh, Madagasca, Venezuela,… Tính đến hiện tại, có hơn 36 tượng, tượng đài tại 22 quốc gia ở khắp các châu lục từ từ châu Á, châu Âu đến châu Phi, châu Mỹ nhằm bày tỏ sự ngưỡng mộ và tôn kính dành cho người đã khai sinh ra nước Việt Nam, vị Danh nhân văn hóa của thế giới.
Niềm tự hào của những người con xa xứ
Qua rất nhiều năm kể từ ngày những công trình tưởng niệm, các bức tượng của Chủ tịch Hồ Chí Minh được xây dựng tại các quốc gia trên thế giới, có đến hàng triệu du khách Việt Nam và quốc tế đã đến tham quan, kính cẩn nghiêng mình trước hình ảnh có sức truyền cảm mãnh liệt của vị lãnh tụ cách mạng kiệt xuất của dân tộc Việt Nam. Những công trình về Chủ tịch Hồ Chí Minh không chỉ đơn thuần là một biểu tượng lịch sử mà còn chứa đựng niềm tự hào vô hạn của những người con xa xứ.
Tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh tại thành phố Saint Petersburg(Liên bang Nga). (Ảnh: quangtruonghochiminh.vn) |
Quần thể tượng đài Bác Hồ ở thủ đô nước Nga là địa điểm rất quen thuộc của những người Việt Nam ở Liên bang Nga vào những ngày lễ, Tết, ngày hội hay những ngày vui của gia đình. Bà con kiều bào người Việt Nam tại Liên bang Nga thường xuyên đến nơi đây để đặt hoa trước tượng đài Hồ Chí Minh. Cũng vì thế mà hình ảnh Bác, cái tên Hồ Chí Minh đã và đang hiện diện trong cuộc sống hàng ngày và trở nên quen thuộc với họ.
Chị Vũ Hải Anh, người sinh sống lâu năm tại Liên bang Nga chia sẻ: “Mỗi khi có dịp đi qua tượng đài Bác tại Moskva, tôi đều dành chút thời gian để ngắm nhìn và chụp ảnh lại cho bố mẹ ở nhà xem. Có lẽ đây là thói quen từ hồi nhỏ, tôi vẫn nhớ bố mẹ thường hay dẫn tôi đến đây để tham gia các sự kiện của cộng đồng người Việt Nam, đó luôn là một phần ký ức đáng nhớ của gia đình tôi”.
Còn với chị Triều Xuân, du học sinh tại Pháp, cho biết ngày mới đến Pháp du học, tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh là nơi đầu tiên chị muốn đến. “Lần đầu tiên đặt chân đến công viên Montreau, nhìn thấy tượng đài Bác tôi đã cảm nhận được tình yêu nước, cũng như niềm tự hào dân tộc. Tại đây tôi có duyên gặp được những người con xa quê cùng hàn huyên về những câu chuyện lịch sử và những nơi có tượng Bác từng đến tham quan tại Việt Nam. Đến giờ chúng tôi vẫn giữ mối quan hệ tốt, có lẽ những công trình như này là cầu nối liên kết người Việt ở khắp nơi trên thế giới lại gần nhau hơn”, chị Xuân kể lại.
Không chỉ vậy, nhiều kiều bào Việt Nam còn thể hiện lòng yêu nước qua những hành động như Anh Dương Văn Đoàn, một lao động Việt Nam tại Singapore. Mặc dù công việc bận rộn nhưng anh vẫn luôn dành ngày nghỉ duy nhất trong tuần để làm một việc rất có ý nghĩa, đó là quét và lau dọn xung quanh tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Singapore. Anh chia sẻ, tình cờ trong một lần chạy bộ, anh thấy tượng Bác đặt ở đây, xung quanh khá nhiều lá cây và bụi. Lòng yêu nước của một đảng viên thôi thúc anh dọn dẹp vệ sinh xung quanh tượng Bác. Anh còn đăng tải những video lên mạng xã hội và nhắn nhủ đến mọi người rằng: “Hãy thể hiện niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước từ những hành động nhỏ nhất”.