Đây là lần đầu tiên hoạt động ca Huế được đưa vào Festival Huế với tư cách là một chương trình độc lập để tôn vinh những nghệ nhân, nghệ sỹ đã cống hiến trọn đời cho bộ môn nghệ thuật này
Tại buổi lễ, lãnh đạo tỉnh Thừa Thiên-Huế đã tặng hoa và quà cho 37 nghệ nhân, nghệ sĩ tiêu biểu có quá trình cống hiến cho ca Huế, nhất là những người lớn tuổi đã nghỉ hưu, có uy tín, có khả năng biểu diễn, truyền dạy nghề cho các thế hệ diễn viên, nhạc công từ trước đến nay.
Tham gia biểu diễn chính tại chương trình Âm sắc Hương Bình, “Nữ hoàng ca Huế” Phan Thị Thanh Tâm, 69 tuổi đã đem đến cho công chúng những làn điệu mượt mà, sâu lắng của khúc Nam ai, Mái nhì...đã từng đi vào lòng bao thế hệ.
Hơn 500 năm phát triển, ca Huế đã trải qua biết bao thăng trầm mà nếu không có những thế hệ nghệ nhân, nghệ sĩ say mê và sống hết mình với nghề, giá trị văn hóa ấy khó gìn giữ. Bằng niềm đam mê, tâm huyết và tình yêu, những nghệ nhân, nghệ sĩ, nhạc công… đã âm thầm gìn giữ và lưu truyền cái hồn cốt của ca Huế, làm đẹp thêm cho ca Huế. Họ và ca Huế xứng đáng được tôn vinh. Lần đầu tiên, những giá trị của ca Huế được tôn vinh trang trọng trong một lễ hội lớn như Festival.
Từ sự ghi nhận của công chúng lần này, ca Huế đang hướng đến một khát vọng lớn khi tỉnh Thừa Thiên Huế đang từng bước hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận ca Huế là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia. Đó cũng chính là cơ hội để bảo tồn và phát huy hơn nữa vốn di sản âm nhạc truyền thống quý báu này.
Lễ tế tại đàn Nam Giao |
Cũng trong khuôn khổ festival Huế, vào lúc 03h30 rạng sáng ngày 17/4/2014, Trung tâm bảo tồn Di tích cố đô Huế đã tổ chức lễ tế tại đàn Nam Giao, TP. Huế. Đây là một trong những lễ hội chính của festival Huế 2014.
Lễ tế Giao năm nay đã diễn ra rất trang nghiêm và thành kính theo đúng các nghi thức truyền thống dưới thời triều Nguyễn, mang đậm tính chất tâm linh xứ Huế; những yếu tố mang tính sân khấu đã bị loại bỏ không như những lễ hội cung đình trước đây. Ông Nguyễn Ngọc Thiện, Bí thư Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế làm chủ tế Lễ tế Giao./.