“Cha đẻ” của mô hình “CLB Hòa giải ở cơ sở”
Chiều ngày 28/11, UBND tỉnh Đồng Tháp tổ chức Hội nghị tổng kết 10 năm thi hành Luật Hòa giải ở cơ sở. Tham dự Hội nghị có ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp); Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp; Bà Lê Thị Hồng Phượng – Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp; cùng lãnh đạo các Sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh Đồng Tháp.
Quang cảnh hội nghị |
Đồng Tháp luôn xác định, hòa giải ở cơ sở có vai trò quan trọng trong đời sống xã hội, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội. Theo đó, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn có sự quan tâm và chỉ đạo sát sao, góp phần đẩy mạnh hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương. Nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả đã được địa phương triển khai đồng bộ và nhân rộng trong cộng đồng.
Từ năm 2017, Sở Tư pháp tham mưu UBND tỉnh cho phép chủ trương thực hiện mô hình “CLB Hoà giải ở cơ sở”. Mô hình được triển khai 12/12 huyện, thành phố và mang lại hiệu quả thiết thực, được Bộ Tư pháp đánh giá cao. Đây cũng là mô hình được thực hiện đầu tiên trong cả nước và được UBND tỉnh Đồng Tháp công nhận tại Hội nghị điển hình tiên tiến giai đoạn 2015 – 2020. Đến nay toàn tỉnh có 106 CLB.
Các đồng chí chủ trì hội nghị |
Mô hình “Tổ Tư vấn chuyên môn và pháp luật hỗ trợ công tác hòa giải” của huyện Tam Nông, huyện Thanh Bình; “Tổ tư vấn cộng đồng” tại Lai Vung; Mô hình phối hợp giữa các Tổ hoà giải với Hội viên Hội Luật gia tại địa phương trong công tác hoà giải tại huyện Hồng Ngự… cũng tạo nên những kết quả ấn tượng. Đây đều là những cách làm mới, sáng tạo, đồng hành cùng Tổ hoà giải ở cơ sở nâng cao hiệu quả công tác hoà giải ở cơ sở, tạo được lòng tin của người dân đối với hoạt động hoà giải ở cơ sở.
Địa phương duy trì Hội thi Hoà giải viên giỏi cấp huyện, cấp tỉnh 02 năm/lần. Hội thi tạo sân chơi để hoà giải viên chia sẻ kinh nghiệm, trau dồi kỹ năng hoà giải, có thêm kiến thức pháp luật trong xử lý các tình huống khác nhau trong quá trình hoà giải. Mô hình này phát huy hiệu quả cao, góp phần nâng cao tỷ lệ hòa giải thành tại địa phương. Đội hòa giải viên của tỉnh Đồng Tháp tham gia và đạt giải Nhì tại Hội thi Hoà giải viên giỏi khu vực miền Nam. Đồng thời, đạt giải Khuyến khích và đạt giải đội thi có phần tự giới thiệu ấn tượng nhất tại Hội thi Hoà giải viên giỏi vòng toàn quốc năm 2023, tại Hà Nội.
Đại biểu trao đổi, thảo luận |
Chưa hết, Sở Tư pháp còn thực hiện tốt công tác phối hợp với các Sở, ban, ngành, tỉnh thực hiện nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở. Phối hợp UBMTTQ Việt Nam tỉnh lồng ghép, tuyên truyền về công tác hòa giải ở cơ sở thông qua các buổi sinh hoạt tại Hội quán, các điểm tư vấn pháp luật, quán cà phê pháp luật, CLB Nông dân với pháp luật, CLB đờn ca tài tử, các hoạt động văn hóa, văn nghệ tại địa phương. Đặc biệt, huy động lực lượng luật sư, luật gia đủ điều kiện tham gia làm hoà giải viên. Từ đó, từng bước nâng cao chất lượng, hiệu quả nguồn nhân lực làm công tác hoà giải.
Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp điều hành phần trao đổi, thảo luận |
Cống hiến thầm lặng của đội ngũ hòa giải viên
Tỉnh còn đẩy mạnh các phong trào thi đua trong công tác hoà giải ở cơ sở. Qua đó, nhằm tôn vinh những tập thể và các nhân tích cực, tiêu biểu trong công tác hoà giải ở cơ sở, khuyến khích sự tham gia của hoà giải viên. Đáng chú ý, có một hòa giải viên của tỉnh Đồng Tháp được bình chọn và tôn vinh “Gương sáng pháp luật” năm 2023. Chương trình do Báo Pháp luật Việt Nam (Bộ Tư pháp) tổ chức.
Các hòa giải viên tâm huyết chia sẻ kinh nghiệm trong công tác hòa giải ở cơ sở |
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá cao kết quả đạt được của công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong 10 năm qua. Đồng thời, ấn tượng với việc xây dựng các mô hình hòa giải cơ sở hiệu quả trên địa bàn tỉnh. “Qua ý kiến phát biểu hết sức trách nhiệm, nhiệt tình của các "cô chú hòa giải viên", thấy được kỹ năng, phương pháp hòa giải, chia sẻ kinh nghiệm hết sức thực tiễn để nâng cao hiệu quả công tác hòa giải ở cơ sở”. Theo ông Nguyên, việc Đồng Tháp đạt giải cao trong cuộc thi hòa giải viên giỏi vòng thi phía Nam và vòng thi toàn quốc không chỉ thể hiện ở các giải thưởng đạt được mà thể hiện hiệu quả thực chất của công tác hòa giải ở cơ sở tại địa phương.
Hòa giải viên Nguyễn Kim Huê (1 trong 50 Gương sáng pháp luật) chia sẻ kinh nghiệm công tác hòa giải |
Để công tác hòa giải ở cơ sở tiếp tục đạt kết quả cao, ông Nguyên đề nghị, Tỉnh cần tiếp tục xem hòa giải cơ sở là một trong những phương thức phổ biến, giáo dục pháp luật có hiệu quả gắn với công tác dân vận tại địa phương. Địa phương cần tiếp tục chú trọng công tác phối hợp với UBMTTQVN, Hội Luật gia, Đoàn luật sư, công an, người có uy tín trong cộng đồng để tham gia công tác hòa giải ở cơ sở.
Ông Phan Hồng Nguyên – Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đánh giá cao kết quả đạt được của công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp trong 10 năm qua |
“Tham gia có 2 góc độ, có thể làm báo cáo viên pháp luật, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao kỹ năng, nghiệp vụ cho hòa giải viên. Đồng thời, có thể được lựa chọn, giới thiệu làm hòa giải viên để tham gia giải quyết các vụ hòa giải của người dân”. Bên cạnh đó, ông Nguyên cũng yêu cầu Đồng Tháp chú trọng bồi dưỡng nâng cao kiến thức, kỹ năng của đội ngũ hòa giải viên. Đặc biệt, gắn hòa giải với việc xây dựng xã đạt chuẩn pháp luật, xây dựng nông thôn mới, nông thôn mới nâng cao.
Ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) đã trao bằng vinh danh “Gương sáng pháp luật” năm 2023 cho hòa giải viên U90 – Nguyễn Kim Huê |
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự trân quý và hoan nghênh những tấm lòng của các cô chú hòa giải viên những đã thầm lặng mang đến hạnh phúc cho biết bao gia đình trong thời gian qua.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp bày tỏ sự trân quý và hoan nghênh những tấm lòng của các cô chú hòa giải viên |
“Các cô chú có nhiều kỹ năng, kinh nghiệm và bằng cái tâm của mình để giúp người dân, lấy hạnh phúc của người dân, bà con làm hạnh phúc của mình thông qua các cuộc hòa giải thành. Tất cả người dân Đồng Tháp nghĩa tình, năng động, sáng tạo đều có những tư tưởng, suy nghĩ và thực tâm như vậy thì tôi nghĩ rằng Đồng Tháp rất tuyệt vời, rất đúng hướng theo sự phát triển của tỉnh”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh.
Ông Phạm Thiện Nghĩa – Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp trao bằng khen cho những tập thể có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở |
Theo ông Nghĩa, qua báo cáo 10 năm có thể thấy được kết quả làm được, cách làm hay và tấm lòng trân quý của các cô chú hòa giải viên. “Báo cáo không chứa hết cách làm, cái tâm của hòa giải viên trên địa bàn Đồng Tháp”, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp khẳng định.
Bà Lê Thị Hồng Phượng - Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp trao giấy khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở. |
Dịp này, nhiều tập thể và cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác hòa giải ở cơ sở vinh dự được tặng bằng khen của Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Tháp và Giấy khen của Giám đốc Sở Tư pháp tỉnh Đồng Tháp. Đặc biệt, tại Hội nghị, ông Phan Hồng Nguyên - Phó Cục trưởng Cục Phổ biến, Giáo dục pháp luật (Bộ Tư pháp) trao bằng vinh danh “Gương sáng pháp luật” năm 2023 cho hòa giải viên U90 – Nguyễn Kim Huê. Bà Huê là 1 trong 50 gương sáng được bình chọn để tôn vinh trong Chương trình “Bình chọn, tôn vinh Gương sáng pháp luật” do Báo Pháp luật Việt Nam tổ chức.