Sắp có quy trình vận hành 3 hồ thuỷ điện lớn
Theo quy hoạch, đến năm 2018 cả nước có 818 dự án thủy điện (DATĐ) với tổng công suất lắp đặt 23.182MW (đã đưa vào khai thác sử dụng 385 DATĐ; 143 dự án đang xây dựng) và đang nghiên cứu đầu tư 290 dự án với tổng công suất lắp đặt 2.770MW.
Trong hệ thống điện quốc gia năm 2017, các DATĐ đang vận hành chiếm tỷ trọng khoảng 40% về công suất lắp đặt và khoảng 42,87% về điện năng. Theo Quy hoạch điện VII điều chỉnh, phát triển nguồn thủy điện là mục tiêu được ưu tiên, với công suất lắp đặt đến năm 2030 đạt khoảng 25.400MW.
Tuy nhiên, theo báo cáo của Bộ Công Thương, để đạt được mục tiêu đã đề ra có không ít khó khăn, mà nguyên nhân chủ yếu đến từ các DATĐ nhỏ (có công suất dưới 30MW). Báo cáo của Bộ chủ quản cho thấy, chất lượng quy hoạch thủy điện nhỏ bộc lộ nhiều hạn chế, không ít dự án phải điều chỉnh sơ đồ khai thác, quy mô.
Tính đến nay đã có khoảng hơn 700 DATĐ quy mô nhỏ được phê duyệt với tổng công suất 7.238 MW nằm trong quy hoạch, tuy nhiên, do những tồn tại hạn chế trên, Bộ Công Thương đã tiến hành rà soát và đưa ra khỏi quy hoạch 463 dự án chưa có nhà đầu tư quan tâm, hoặc không đáp ứng được các tiêu chí về kinh tế, xã hội, môi trường.
Cũng theo báo cáo này, cả nước hiện có 385 công trình thủy điện đang vận hành, trong đó có 40 công trình không có hồ chứa hoặc sử dụng chung nước của hồ thủy lợi để phát điện. Đã có 338/345 hồ chứa đã có quy trình vận hành (QTVH) được thẩm định, phê duyệt.
Cụ thể, trong 5 hồ (Sơn La, Hòa Bình, Tuyên Quang, Srêpôk 4 và Sê San 4A) thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ thì Thủ tướng mới phê duyệt QTVH 1 hồ (Sê San 4A) và ủy quyền cho Bộ Công Thương phê duyệt QTVH 4 hồ còn lại. Hiện, Bộ này cũng mới chỉ phê duyệt được QTVH 1 hồ theo ủy quyền (Srêpôk 4). QTVH 3 hồ còn lại đang được Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hoàn thiện hồ sơ trình Bộ Công Thương thẩm định phê duyệt.
30 “túi” nước khổng lồ an toàn mức nào?
Có 221 hồ thuộc thẩm quyền phê duyệt của Bộ Công Thương. Đến nay, 100% số hồ này đã được phê duyệt QTVH (trong đó có 30 hồ đã được chủ đập rà soát, hiệu chỉnh và trình Bộ Công Thương thẩm định). 115/119 hồ thuộc thẩm quyền phê duyệt của UBND tỉnh đã được phê duyệt. Còn 4 hồ thủy điện nhỏ đang được chủ đập xây dựng QTVH trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Báo cáo của Bộ Công Thương cũng cho biết, đến nay, các chủ đập đã thực hiện việc rà soát, hiệu chỉnh, bổ sung QTVH và gửi cơ quan có thẩm quyền thẩm định, ban hành lại. Đặc biệt, để bảo đảm an toàn cho vùng hạ du, QTVH các hồ chứa thủy điện đã rà soát được bổ sung quy định về cảnh báo trước khi vận hành phát điện.
Tuy nhiên, năm 2018, mới chỉ có 315/345 đập được phê duyệt phương án xây dựng phương án phòng chống lụt bão bảo đảm an toàn đập, 30 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Tương tự, mới chỉ có 302/345 đập được phê duyệt phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du đập, 43 đập đang được chủ đập xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Về phương án bảo vệ đập, hiện có 307/345 đập có phương án được duyệt, 38 đập đang được được xây dựng trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Riêng đối với 5 hồ thủy điện lớn trên bậc thang sông Đà (Lai Châu, Sơn La, Hòa Bình, Huội Quảng, Bản Chát) hàng năm được Hội đồng an toàn hệ thống thủy điện trên bậc thang sông Đà đánh giá.
Bộ Công Thương lưu ý, để đảm bảo công tác vận hành an toàn các hồ thuỷ điện, công tác quan trắc khí tượng thuỷ văn (KTTV) đóng vai trò rất quan trọng. Do đó, Bộ đề xuất Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ giao Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng lộ trình nâng cao chất lượng, bảo đảm chất lượng các bản tin KTTV sát với thực tế.