Tính đến trung tuần tháng 5, tại 5 tỉnh, thành phố nước ta đã phát hiện có bệnh nhân tiêu chảy cấp và nhiễm liên cầu lợn. Nguy cơ các dịch bệnh này bùng phát trên diện rộng là rất lớn, thế nhưng ý thức người dân về vệ sinh ăn uống chưa cao.
Chưa thấy bệnh, cứ ăn!
Giữa mùa dịch bệnh tiêu chảy cấp, nhưng những hàng quán cháo lòng, tiết canh vẫn bán bình thường. |
Ăn tiết canh có nguy cơ mắc bệnh tả, liên cầu lợn... Tuy vậy, mặc cho những khuyến cáo liên tục của ngành chức năng về nguy cơ mắc bệnh từ thực phẩm không bảo đảm vệ sinh, người dân vẫn chủ quan, xem nhẹ.
Ở những điểm bán tiết canh, lòng lợn thuộc hàng có thương hiệu tại Đà Nẵng, mỗi buổi sáng vẫn luôn đông thực khách. Những chén tiết canh heo được các chủ quán chế biến sẵn để lạnh phục vụ người ăn. Anh Quang - công nhân Nhà máy Sản xuất lốp ô-tô cho biết, một tuần anh ăn tiết canh hai đến ba lần. Thi thoảng, ăn xong anh thấy bụng nặng và có biểu hiện đi phân lỏng nên phải mua thuốc uống mới cầm. “Tôi cũng đọc báo hằng ngày, nhưng bệnh nguy hiểm thì ở mô chứ Đà Nẵng đâu có thấy” - vừa thọc muỗng vào chén tiết, anh Quang vừa phân trần.
Tại quán bán cháo vịt, tiết canh khu vực giáp ranh giữa quận Sơn Trà và Ngũ Hành Sơn, đoạn đầu đường Ngũ Hành Sơn, thời gian qua vẫn tấp nập thực khách. Khi được hỏi về dịch tả, một chủ quán hồn nhiên trả lời: “Đã nghe báo đài nói nhiều, nhưng dịch tả ở tận Hà Nội kia mà, tôi chưa thấy ai nhắc nhở nên vẫn bán như thường”. Cứ ăn theo kiểu hợp khẩu vị là tâm lý chung của nhiều người, bởi với họ, chưa thấy bệnh là vẫn chưa cảnh giác dè chừng. Hơn nữa, sự hiểu biết của cả người bán lẫn người mua về dấu hiệu của bệnh tả và phương cách phòng, tránh còn quá kém. Khi được hỏi về vấn đề này, chị Thanh, chủ một quán “lòng lợn, tiết canh” trên đường 2 tháng 9 nói: “Tôi chẳng quan tâm tiêu chuẩn kinh doanh ăn uống làm gì. Tôi đã bán gần chục năm rồi, khách có than thở chi đâu”.
Tâm lý thờ ơ của người bán lẫn người ăn trong thời điểm này rất đáng lo ngại. Mặc dù bệnh liên cầu lợn chưa phát thành dịch và cũng chưa có bằng chứng bệnh lây từ người sang người nhưng người dân cần hết sức cảnh giác.
Lơ lửng... mầm bệnh
Mặc dù chưa xuất hiện bệnh nhân mắc bệnh tả tại Đà Nẵng, nhưng những ca bệnh tiêu chảy được tiếp nhận điều trị tại các bệnh viện lớn trên địa bàn thành phố trong thời gian qua phần lớn do nhiễm khuẩn từ nguồn thức ăn chính là cảnh báo trong thời điểm dịch tả, bệnh liên cầu khuẩn từ lợn vẫn lây lan nhanh tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước.
Người mắc bệnh liên cầu lợn xuất hiện nhiều trong thời điểm dịch lợn tai xanh bùng phát là do lợn mắc bệnh tai xanh bị suy giảm sức đề kháng, tạo cơ hội cho vi khuẩn liên cầu tấn công, gây bệnh cho lợn và truyền sang người. Thể nhiễm trùng huyết khá nặng và phát bệnh sau khoảng 2-3 ngày sau khi tiếp xúc, hoặc ăn phải thịt lợn sống hoặc chưa nấu chín kỹ như tiết canh, nem chua, nem chạo. Đối với người có cơ địa yếu, diễn biến của bệnh đến rất nhanh. Việc điều trị đối với bệnh nhân nhiễm liên cầu lợn không khó với những trường hợp phát hiện và nhập viện sớm, do đó khi có các triệu chứng như trên, bệnh nhân cần đến ngay cơ sở y tế để tránh nguy cơ biến chứng nặng, thậm chí là tử vong.
Từ lâu, người dân Việt Nam có thói quen ăn các loại tiết canh. Người ta cho rằng, ăn tiết canh ngon và mát, bổ; là một món ăn “dân tộc”. Nhưng thực chất, việc ăn tiết canh là một thói quen không tốt và phản khoa học, bởi máu các loại động vật luôn bị nhiễm khuẩn các mầm bệnh và lẫn tạp chất trong quá trình chế biến.
Theo báo cáo của Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), từ đầu năm 2007 đến nay, cả nước có 42 người mắc bệnh do liên cầu khuẩn lợn thuộc típ serotype 2, trong đó có 2 người tử vong ở 2 thể bệnh viêm màng não và nhiễm trùng huyết. Các trường hợp mắc bệnh ở người đều thuộc vùng có mật độ chăn nuôi lợn cao, hoặc đều do ăn tiết canh lợn, giết mổ, ăn thịt lợn ốm chết. Đây là những cảnh báo đối với những ai còn xem tiết canh như một món khoái khẩu! Nhất là trong thời điểm hiện nay.
Bài và ảnh: D.MINH