Tên tuổi của những người là nguyên đơn hay bị đơn, đều có tiếng cả. Còn kết quả của vụ kiện ra sao, ta hãy theo dõi xem. Vụ kiện này, diễn ra cách ngày nay gần 80 năm rồi vậy.
Về những người liên quan
Thơ Hàn Mặc Tử đã nổi tiếng từ khi thi sĩ còn sống. Thơ thi sĩ, nổi tiếng với những nội dung, cấu tứ đặc biệt, và lại thêm cuộc đời đầy đau khổ của chàng. Theo tâm sự của Nguyễn Bá Tín, em thi sĩ của “Thơ điên” qua hồi ký “Hàn Mặc Tử anh tôi”, thì tên tuổi của Hàn Mặc Tử còn được biết đến nhiều hơn nữa qua vụ kiện “đạo văn” mà Quách Tấn là nguyên đơn, còn bị đơn, là Trần Thanh Mại.
Sở dĩ ông Mại bị kiện bởi như lời Bá Tín, thì ông Mại đã “trích dẫn quá nhiều văn Hàn Mặc Tử mà không có sự đồng ý của ông Tấn là người được ủy quyền bảo thủ”. Và vụ án này, đã làm ồn ào làng văn một dạo. Trước hết, hãy xem nguyên đơn và bị đơn là ai? Kiện nhau liên quan đến nội dung gì vậy?
Mà Trần Thanh Mại là ai? Lúc ấy, Trần Thanh Mại đã là một người nổi tiếng trên văn đàn rồi vậy. Nào là tác giả của “Trông giòng sông Vị” viết về Trần Tế Xương, ký sự lịch sử “Tuy Lý Vương”... Còn Quách Tấn, thì nằm trong nhóm Bàn Thành Tứ Hữu, bạn tâm giao, bạn thơ với Hàn Mặc Tử, được thi sĩ bạc mệnh ủy thác gia sản thơ ca cho.
Cái việc ấy, được chính Quách Tấn tỏ bày qua “Đôi nét về Hàn Mặc Tử”, rằng: “Nhân lúc tôi ra thăm mộ Tử, gia đình Tử theo ý muốn của Tử lúc sinh thời, làm giấy giao bản quyền những văn thơ của Tử cho tôi giữ. Tôi thâu thập tất cả những bút tích của Tử và những thơ từ của Tử còn sót lại, đem hết về Nha Trang”.
Theo lời tâm sự của Quách Tấn, thì Quách Tấn và Chế Lan Viên cùng nhau sắp xếp lại những bản thảo của Hàn Mặc Tử, tự tay đánh máy, lưu trữ. Những bút tích của Hàn, được đem đến Viện Peateur Nha Trang để khử trùng. Tiếp đó, hai buổi nói chuyện về Hàn Mặc Tử và thơ Hàn được tổ chức tại Qui Nhơn, Nha Trang. Sau đó, Quách Tấn nhận được thư Trần Thanh Mại gửi từ Huế cho hay cũng đã tổ chức một buổi diễn thuyết về nhà thơ tại Huế, và viết một cuốn sách về cuộc đời, văn chương cố thi sĩ. Và rồi sao?
Nguồn cơn sự vụ
Cuối năm 1941, đầu năm 1942 sách Trần Thanh Mại viết về Hàn Mặc Tử được xuất bản. Quách Tấn cho hay, tác phẩm này ngoài việc ca tụng thi tài của Hàn Mặc Tử thì có nhiều điểm không đúng sự thật. Tỉ như việc “Có nhiều văn thơ chưa xuất bản của Tử bị trích dẫn toàn thiên mà không được sự ưng thuận của người giữ bản quyền hoặc gia đình Tử”; hay có đoạn viết về việc sinh Hàn không đúng với thực tế...
Bức xúc với những điều ấy, họ Quách viết thư trách họ Trần đã trích dẫn nhiều thơ của cố thi sĩ mà chưa xin phép, đồng thời yêu cầu họ Trần trả tiền nhuận bút các bài thơ trích cho gia đình cố thi sĩ. Nhưng những yêu cầu ấy, bị từ chối. Quách Tấn bèn bàn với Chế Lan Viên, quyết đem vụ việc ra pháp luật để đòi lẽ công bằng. Dù ủng hộ, nhưng Chế Lan Viên không tin vụ việc sẽ được tòa án Nam triều giải quyết thỏa đáng.
Quách Tấn |
Bởi, ở Trung Kỳ thuộc quyền Nam triều cai quản, ngày 24/3/1941, vua Bảo Đại có ban hành Dụ só 9 minh định quyền sở hữu các tác phẩm văn chương, mỹ thuật: “Mọi sự xuất bản hay sản xuất cho công chúng, một tác phẩm văn chương hay mỹ thuật, văn thi phẩm, họa phẩm, họa bản, họa đồ hay đồ bản, ảnh, phim ảnh, nhạc phẩm hay đĩa hát, thực hiện với gian ý, bất chấp quyền lợi của tác giả hoặc những người thừa kế hay thụ nhượng, là một sự giả mạo, và sự giả mạo là một tội về tiểu hình”.
Để cho chắc ăn xem trường hợp Trần Thanh Mại trích nhiều thơ của thi sĩ có thuộc dụ này chăng, Quách Tấn đem hỏi TS Luật khoa Agostini, đương là Phó sứ kiêm Thẩm phán Tòa án Pháp ở Nha Trang, thì được cho hay trường hợp này khó kết tội ông Mại được bởi “họ Trần không có gian ý, không làm thiệt hại chi đến Hàn Mặc Tử”. Còn ý kiến của Tuần vũ Khánh Hòa Hoàng Yến khi được hỏi, thì cho rằng nếu vụ ấy vào tay cụ, nhất định ông Mại phải trả nhuận bút về những bài thơ đã trích dẫn. Ấy, cái sự thành của ý định kiện, đương 50/50.
Dẫu không chắc thắng, nhưng Quách Tấn vẫn quyết kiện Trần Thanh Mại, ít ra thì cũng gây ra một án lệ, dù có không thành, cũng là một cách quảng cáo cho Hàn Mặc Tử. Thế nên, mới xảy ra cái sự vụ kiện cáo liên quan đến tác giả của “Đây thôn Vĩ Dạ”.
Kết quả của vụ kiện ấy ra sao?
Vẫn lời của Nguyễn Bá Tín, thì về vụ án này, dư luận dành nhiều thiện cảm cho phía bị đơn, là ông Mại, “và ông Mại bỗng trở thành người “hùng” của vụ kiện lịch sử văn học chưa từng có”. Bởi vụ ấy, thì ông Tấn bị xử thua, nên Trần Thanh Mại chẳng những không bị ảnh hưởng, mà tác phẩm “Hàn Mạc Tử” ông viết nhờ đó bán đắt như tôm tươi nữa.
Riêng cố thi sĩ, tên tuổi “lại càng mở rộng tươi thắm như hoa”. Nếu xét theo tâm sự của họ Quách trong “Di sản thơ văn của Hàn Mặc Tử và vụ án Trần Thanh Mại” nơi sách “Đôi nét về Hàn Mặc Tử” của ông, thì vụ kiện ấy họ Hàn làm vì cố thi sĩ. Nhưng nếu đọc hồi ký “Hàn Mặc Tử anh tôi” của Nguyễn Bá Tín, ta lại thấy cảm tình về vụ kiện, Tín dành nhiều cho bị đơn hơn. Và trong hồi ký của Quách Tấn, lại không thấy ông đả động chút gì tới vụ án thơ này. Thật là một sự khó nghĩ làm sao.
Còn vụ kiện thơ hi hữu, ta xem diễn biến ra sao? Nói là làm, Quách Tấn làm đơn gửi ra Huế. Biết tin bị kiện, Trần Thanh Mại viết bài đăng trên báo Tràng An ở Huế, công kích kịch liệt họ Quách. Vậy là suốt một thời gian trước khi tòa xử, một trận bút chiến xảy ra giữa họ Quách và họ Trần trên báo Tràng An, làm dư luận thêm chú ý nhiều hơn.
Mùa thu năm 1942, vụ kiện được đem ra xét xử. Tuy nhiên, nguyên đơn họ Quách lại không có mặt trong vụ xử. Bên nguyên chỉ có ông Nguyễn Bá Hiếu, đại diện gia đình thi sĩ Hàn Mặc Tử đến dự. Bên bị thì đủ cả. Vụ án thu hút đông đảo người đến dự khán. Chánh án phiên tòa là Phủ doãn Trương Xuân Mai, Phụ thẩm là Phủ thừa Nguyễn Tiến Lãng (nhà văn).
Mở đầu phiên xử, Nguyễn Tiến Lãng cầm cuốn “Hàn Mạc Tử” của Mại, cho mọi người hay số trang in văn thơ của Hàn bằng số trang in những lời trình bày của họ Trần. Rồi nhận xét: “Trích thơ văn của người nhiều như thế mà không xin phép là có tội. Nhưng ông lại nói rằng họ Trần đã giới thiệu Hàn Mặc Tử một cách nồng hậu, nhờ vậy mà được nhiều người biết đến tài nghệ của Tử. Như thế là họ Trần có công đối với người có văn thơ bị trích”. Đến phiên Chánh án là Trương Xuân Mai, ông chốt lại:
Đây là lần đầu tiên, Tòa án Nam triều thọ lý một vụ kiện về văn chương. Nhưng vụ nầy lại ở trong một trường hợp đặc biệt: Bị cáo có tội mà cũng có công, và công suy ra lại ngang với tội! Song đó là lấy ý riêng mà xét, chớ chưa có luật, cũng chưa có lệ minh định lẽ thiệt hơn. Vì vậy Tòa tuyên bố: Miễn Xử.
Những diễn tiến chúng tôi nói đến ở trên, đều theo lời của họ Quách thuật lại. Và dĩ nhiên thì họ Quách không có mặt ở tòa, mà cũng nghe người khác kể lại nên phần đầy đủ, khách quan, bạn đọc còn phải minh xét. Chỉ biết rằng, thế là vụ kiện thơ dừng lại ở đó...