Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới cho biết, ngày 24/4, đơn vị vừa cấp cứu 3 trường hợp người đồng bào Bru - Vân kiều, là người trong cùng 1 gia đình bị ngộ độc sau khi ăn thịt cóc, gồm người bố 40 tuổi, người mẹ 36 tuổi và con trai 20 tuổi (trú xã Ngân Thủy, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) nhập viện với hiện triệu chứng chóng mặt, nôn nhiều, đại tiện phân lỏng, kèm theo tức ngực, khó thở…
Theo lời kể của người nhà, thấy cóc trong vườn nhà nên người mẹ bắt, giết thịt để làm thức ăn buổi sáng. Sau khi ăn thịt cóc khoảng 30 phút, cả 3 người xuất hiện tình trạng nôn, đi ngoài phân lỏng, kèm theo tức ngực, khó thở… nên được người thân đưa đi cấp cứu.
Hiện cả 3 bệnh nhân đã qua tình trạng nguy kịch, tiếp tục được điều trị theo dõi. |
Sau khi tiếp nhận, các bác sĩ chẩn đoán bệnh nhân bị ngộ độc do ăn thịt cóc và được nhanh chóng xử trí cấp cứu kịp thời.
Sau 1 ngày điều trị tích cực với truyền dịch thải độc, chống loạn nhịp tim…, hiện cả 3 bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiếp tục được theo dõi để điều trị.
Theo bác sĩ Nguyễn Duy Thạch, Trưởng khoa Nội Tiêu hóa - Huyết học lâm sàng, Bệnh viện Hữu nghị Việt Nam - Cuba Đồng Hới, cóc là loại động vật có chứa độc tố (nhựa cóc) trong một số bộ phận cơ thể, thành phần độc tố thay đổi tùy theo loài cóc.
Độc tố của cóc là hợp chất bufotoxin có tác động đến tim mạch, gây ảo giác, gây hạ huyết áp... Khi xâm nhập vào cơ thể qua đường tiêu hóa, độc tố này gây ra ngộ độc cấp tính. Độc tố hấp thu qua da gây ra dị ứng, bỏng rát...
Các bác sĩ khuyến cáo: Người dân không nên ăn thịt cóc, nếu sử dụng thịt cóc làm thực phẩm phải đảm bảo chế biến loại bỏ những bộ phận chứa nọc độc trước khi sử dụng.