Oan sai, chỉ hai từ đó nhưng để phấn đấu giảm thiểu tiến tới không còn án oan, là một hành trình đầy khó khăn vất vả. Nhất là khi mỗi năm các ngành tố tụng phải giải quyết hàng chục ngàn vụ án hình sự, trong khi con người, cơ sở vật chất, trang thiết vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế...
Thực tế oan sai vẫn xảy ra, ở địa phương này hay địa phương khác, ở giai đoạn điều tra, truy tố hay xét xử. Không nói đến chuyện nếu cố tình làm oan, dù là tập thể hay cá nhân và là ai đi nữa cũng phải chịu trách nhiệm, bồi thường dân sự hay là trách nhiệm hình sự. Tuy nhiên, cũng có những vụ án mà rõ ràng cơ quan tố tụng đã rất cẩn trọng, đã làm đi làm lại nhiều lần, đã họp bàn lên xuống nhưng cuối cùng thì vẫn để xảy ra oan sai, mà mấu chốt của vấn đề ở cách đánh giá chứng cứ.
Ông Lương Ngọc Phi - nhân vật của một vụ án oan |
Một trong những vụ án gây chấn động dư luận đó là vụ án Lê Bá Mai, trú tại Thanh Hóa, vốn là một người làm thuê trong một trang trại ở Bình Phước. Cách đây 8 năm, giữa tháng 11/2004 tại trang trại của ông Dương Bá Tuân ở ấp 2, xã An Khương, huyện Bình Long, tỉnh Bình Phước đã phát hiện thi thể của bé gái Thị Út (SN 1993) bị sát hại dã man, cơ quan công an xác định Út bị hiếp và giết. Quá trình điều tra, Công an Bình Phước đã bắt giam Lê Bá Mai.
Trong 2 phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm sau đó của TAND tỉnh Bình Phước đều tuyên phạt Lê Bá Mai mức án tử hình về 2 tội danh “giết người và hiếp dâm trẻ em”. Vụ án này gây nhiều tranh cãi trong dư luận về vấn đề chứng cứ buộc tội. Một mặt chứng cứ yếu, một mặt cơ quan tố tụng cũng có nhiều sai sót trong vụ án.
Qua 4 phiên xử trong đó có 2 lần bị tuyên án tử hình và đến giữa tháng 5/2011 tại phiên xét xử sơ thẩm (lần 2) TAND tỉnh Bình Phước tuyên Lê Bá Mai không phạm tội hiếp dâm, giết người và được trả tự do ngay tại tòa. Tuy nhiên sau đó, bằng kháng nghị của VKS tỉnh, Lê Bá Mai bị tiếp tục bắt giam trở lại.
Mới đây, tháng 6/2012, vụ án này đã bị hủy để tiếp tục sơ thẩm lần ba. Đây là một trong những vụ án bị kéo dài trong lịch sử tố tụng với những vấn đề về chứng cứ và việc có oan sai hay không lại phải chờ vào… quá trình tố tụng không biết khi nào mới tới điểm dừng.
Hay một điển hình trong vụ oan sai của ông Lương Ngọc Phi ở Thái Bình cũng là một vụ có nhiều vấn đề trong đánh giá chứng cứ. Chỉ vì vay tiền chưa có trả phải khất nợ mà Công an tỉnh Thái Bình đã bắt giam ông Phi vì cho rằng đã có hành vi "lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN".
Năm 1999, Toà án tỉnh Thái Bình xét xử vụ án, tuyên phạt ông Phi 14 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN và 3 năm tù về tội trốn thuế.
Sau khi xem xét bản án, năm 2000 Toà án Nhân dân Tối cao đã xử phúc thẩm, tuyên ông Phi không phạm tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN, nhưng yêu cầu điều tra bổ sung về tội trốn thuế đối với ông Phi. Để biến ông Phi trở thành có tội, kiểm sát viên còn cố tình làm sai lệch hồ sơ vụ án, bằng cách rút khỏi hồ sơ tờ hoá đơn nộp thuế của ông Phi. Nhưng vụ việc đã được Tổng cục Thuế minh oan cho ông Phi. Kết cục, ông Phi đã được xin lỗi và bồi thường.
Chung quy trong các vụ án oan sai đều khởi nguồn từ những vấn đề về chứng cứ. Có rất nhiều nguyên nhân trong việc đánh giá chứng cứ một cách lệch lạc, trong đó có vấn đề về năng lực chuyên môn. Sự cẩu thả, tâm lý “đâm lao theo lao” vẫn còn nhiều trong chính các cơ quan tiến hành tố tụng khiến nhiều khi người ta không chịu dừng lại cho dù những dấu hiệu oan sai đã rõ ràng.
Nghị quyết 388 và Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được ban hành, tiến trình cải cách tư pháp với những mục tiêu rõ ràng giờ đây đã hạn chế rất nhiều những vụ án oan sai. Tuy nhiên, cùng với nâng cao trình độ chuyên môn cho người tiến hành tố tụng, một vấn đề không kém phần quan trọng là sửa đổi BLTTHS, trong đó có các vấn đề về chứng cứ nhằm bảo đảm cho hoạt động của cơ quan tố tụng kịp thời, chính xác, đúng pháp luật.
P.V.