Ngày nào cũng có bệnh nhân ngộ độc hóa chất diệt chuột nhập viện
Chia sẻ với PV Báo Pháp luật Việt Nam, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết: “Hầu như ngày nào Trung tâm Chống độc cũng tiếp nhận những bệnh nhân nhập viện điều trị vì ngộ độc thuốc diệt chuột. Điển hình là một trường hợp gần đây nhất mà Trung tâm đang tiếp nhận và điều trị là một bệnh nhân nam, 34 tuổi trú tại Ninh Bình. Bệnh nhân này bị ngộ độc hóa chất diệt chuột có tên Tetramin”.
Theo bác sĩ Nguyên, tình trạng chính của bệnh nhân khi vào viện là co giật rất nặng nề, hôn mê. Ngay khi tiếp nhận các bác sĩ đã tiến hành cấp cứu, đặt ống nội khí quản thở máy, phải dùng các thuốc chống co giật cho bệnh nhân.
Và dù đã được các bác sĩ cấp cứu kịp thời nhưng đến nay tiên lượng trước mắt của bệnh nhân, hy vọng bệnh nhân sẽ ổn, tuy nhiên các bác sĩ vẫn đang theo dõi kỹ về tình trạng nguy cơ co giật của bệnh nhân tiếp diễn như thế nào, kể cả khi ra viện cũng cần theo dõi sát theo phác đồ. Bởi không tránh được những trường hợp bệnh nhân đã ra viện về nhà nhưng vẫn xuất hiện co giật dẫn đến tử vong.
Tuy nhiên, điều đáng chú ý đó là hóa chất Tetramin là loại hóa chất diệt chuột Trung Quốc đã bị cấm từ rất lâu, nhập lậu về Việt Nam với độc tính rất cao, ảnh hưởng lên dây thần kinh. Gây co giật rất dữ dội nhiều ngày và rất nặng nề. Đặc biệt, nếu bệnh nhân được về nhà vẫn có thể bị co giật và dẫn đến tử vong, có thể là hàng tháng sau đó.
Trước đó, vào tháng 10/2020 Bệnh viện Bạch Mai đã phải phát đi "cảnh báo ngộ độc thuốc diệt chuột mới" thời điểm đó bệnh viện đang điều trị cho 2 bệnh nhân bị ngộ độc thuốc diệt chuột thế hệ mới với bệnh cảnh hoàn toàn khác so với ngộ độc thuốc diệt chuột trước đây. Hai bệnh nhân đều là người lớn, thế nhưng cũng không thể phân biện được thuốc chuột khi nó quá giống với các sản phẩm thực phẩm thường ngày.
Trường hợp thứ nhất là một bệnh nhân nam 59 tuổi, ở Hưng Yên. Người nhà bệnh nhân cho biết, bệnh nhân đã uống 6 gói thuốc diệt chuột dạng bột do nhầm tưởng những gói bột này là ngũ cốc. Bệnh nhân được chẩn đoán ngộ độc thuốc diệt chuột kháng vitamin K. Bệnh nhân được chuyển đến Trung tâm Chống độc ở ngày thứ 3 sau khi đã được điều trị ở tuyến dưới. Khi nhập viện, bệnh nhân đã trong tình trạng rất nặng, rối loạn đông máu và tiếp tục được sử dụng thuốc giải độc.
Trường hợp thứ hai cũng là một bệnh nhân nam, 39 tuổi, ở Hà Nội. Được biết, bệnh nhân này có tiền sử rối loạn tâm thần. Bệnh nhân được đưa vào viện trong tình trạng nôn khan, vẫn tỉnh táo, không co giật. Theo lời kể của người nhà, trước đó bệnh nhân đã uống 4 viên thuốc diệt chuột Storm (giống viên kẹo màu xanh nước biển). Hiện bệnh nhân đang được điều trị tích cực và sử dụng thuốc giải độc.
Bác sĩ Nguyên cũng cho biết, hóa chất diệt chuột có rất nhiều loại. Hiện nay trên thị trường có loại hóa diệt chuột thế hệ mới, gây chảy máu, kháng nguyên vitamin K, loại hóa chất diệt chuột đóng gói dưới dạng những ống nước màu hồng, những viên màu xanh rất giống kẹo, siro… điều này rất nguy hiểm, đặc biệt là với trẻ nhỏ bởi rất dễ nhầm lẫn là đồ ăn. Đồng thời, rất có thể các loại hóa chất diệt chuột nguy hiểm này được bày bán ở rất nhiều nơi và người dân có xu hướng mua những loại hóa chất này. Những loại hóa chất diệt chuột bị cấm khác cũng đang “quay trở lại” được rất nhiều gia đình mua về sử dụng.
Chính bởi sự xuất hiện của nhiều loại hóa chất diệt chuột với nhiều đặc tính gây ngộ độc khác nhau khiến các bác sĩ cũng gặp rất nhiều khó khăn trong việc chẩn đoán, điều trị.
“Ngay cả những loại hóa chất diệt chuột mới gây chảy máu hay nhóm kháng vitamin K thì đã có phác đồ điều trị nhưng cũng rất phức tạp bởi có quá nhiều chất. Đầu tiên là đa phần các loại hóa chất diệt chuột có tác dụng trong nhiều tuần, nhiều tháng ngộ độc rồi vẫn có thể có nguy cơ chảy máu tiếp những tháng sau hoặc hàng năm sau đó. Vì vậy, việc điều trị cũng kéo dài và phức tạp bởi nhiều người bỏ thuốc, thậm chí không biết vì sao bị chảy máu, có những trường hợp bị đông máu rối loạn kéo dài không biết mắc bệnh gì. Thứ hai là với những loại hóa chất diệt chuột cũ thì độc tính rất phức tạp, có loại gây co giật, có loại gây loạn nhịp tim. Do vậy, việc cấp cứu ban đầu rất quan trọng, kể cả nhiều khi làm tốt việc cấp cứu ban đầu nhưng bệnh nhân vẫn có thể có khả năng tử vong bởi việc kiểm soát nhịp tim không dễ dàng”, bác sĩ Nguyên chia sẻ.
Một bệnh nhân ngộ độc hóa chất diệt chuột đang được điều trị tại Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai. |
Mua hóa chất diệt chuột loại hàng cấm “dễ như mua kẹo”
Mặc dù khó khăn trong việc chẩn đoán và điều trị những trường hợp ngộ độc hóa chất diệt chuột nhưng không khó để PV tìm mua loại hóa chất diệt chuột từ loại hóa chất của Việt Nam được bày bán công khai cho tới các loại hóa chất diệt chuột của Trung Quốc đang bị cấm lưu hành ở Việt Nam. Chỉ cần người mua ngỏ ý muốn sử dụng loại hóa chất nào thì người bán sẵn sàng đáp ứng. Giá bán của những tuýp hóa chất diệt chuột này chỉ từ vài nghìn đồng đến vài chục nghìn đồng.
Theo lời giới thiệu của người bán hàng, loại hóa chất diệt chuột được đóng gói dưới dạng những tuýp siro màu trắng hoặc đỏ sẽ có độc tính mạnh hơn. “Nếu đánh chuột ở ngoài đồng, ngoài vườn không có gia súc, gia cầm thì được, còn đánh ở nhà thì gia súc, gia cầm dễ ăn nhầm phải”, một người bán hàng tư vấn.
Theo TS.BS Nguyễn Trung Nguyên, việc mua những loại hóa chất này dễ như vậy là một lời cảnh báo hóa chất độc hại này đã “quay trở lại” Việt Nam. “Trước đây, với một gói hóa chất diệt chuột khoảng 3-5cm chỉ cần dính phải một chút đã gây co giật, tử vong cho rất nhiều người. Đây là một lời cảnh báo đối với người dân, không nên mua hóa chất diệt chuột ở những cơ sở không đảm bảo. Và việc sử dụng ở gia đình phải hết sức cẩn thận, tránh cho trẻ em, người cao tuổi… ăn phải. Đồng thời, cơ quan quản lý cần phải thắt chặt kiểm soát việc bày bán các hóa chất này trên thị trường”, bác sĩ Nguyên nhấn mạnh.
Bộ Y tế: Cảnh báo - Trẻ tử vong vì uống nhầm thuốc diệt chuột
Trước tình trạng nhiều người nhập viện vì uống nhầm thuốc diệt chuột, nhất là trẻ em. Ngày 11/06/2020, Cổng thông tin điện tử Bộ Y tế đã có những cảnh báo và hướng dẫn phòng chống ngộ độc thuốc diệt chuột.
Theo đó, trẻ em có bản tính tò mò và muốn khám phá thế giới bằng tất cả các giác quan của chúng, kể cả vị giác. Kết quả là môi trường xung quanh cũng có thể trở thành nơi nguy hiểm khi các chất độc được trẻ nuốt vào bụng một cách tình cờ. Đặc biệt là các chất lỏng, vì chúng rất tò mò, chúng cho hầu hết mọi thứ vào mồm và không hề nhận thức được hậu quả. Phần lớn các chất phổ biến liên quan tới ngộ độc ở trẻ bao gồm: Thuốc chữa bệnh không cần kê đơn như paracetamol, thuốc chữa ho/cảm lạnh, các viên vitamin và sắt, các thuốc kháng viêm; thuốc kê đơn như thuốc chống suy nhược, thuốc ngủ, thuốc giảm đau; các sản phẩm dùng trong hộ gia đình như chất tẩy trằng, thuốc tẩy uế, chất tẩy rửa, bột giặt, mỹ phẩm, dấm; dầu hỏa/dầu lửa; thuốc sâu, bao gồm thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ và diệt loài gặm nhấm; các cây có chất độc; động vật hay côn trùng cắn.
Tất cả mọi chất đều là chất độc và không có chất gì là không có độc, chỉ có sử dụng đúng liều lượng cho phép thì một chất nào đó sẽ không có độc. Vì vậy, các gia đình hãy cất thuốc và các loại hóa chất cẩn thận, để cao khỏi tầm tay với tới của trẻ. Nếu phát hiện trẻ uống nhầm thuốc diệt chuột hoặc các hóa chất độc hại thì cần đưa trẻ tới ngay cơ sở y tế gần nhất càng sớm càng tốt để được các bác sỹ cấp cứu, giải độc. Khi đi nhớ mang theo vỏ thuốc hoặc chai hóa chất mà trẻ uống nhầm để các bác sỹ có hướng xử lý kịp thời và chính xác.