Tọa đàm có sự tham gia của lãnh đạo Sở Tư pháp, Công an tỉnh, TAND tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh, Trường Đại học An Giang cùng với hơn 140 đại biểu đại diện các sở, ban, ngành, đoàn thể tỉnh; UBND, Phòng Tư pháp các huyện, thị, thành phố…
Hoạt động “tín dụng đen” đang trở thành mối đe dọa đến trật tự, an toàn xã hội và đời sống người dân. Hoạt động này thường diễn ra âm thầm, không ồn ào, nhưng hệ lụy của nó lại rất nặng nề. Nhiều gia đình rơi vào hoàn cảnh khó khăn, tha phương cầu thực, gia đình ly tán… Trước thực trạng và diễn biến khôn lường của hoạt động “tín dụng đen” thì công tác ngăn chặn, phòng ngừa và đấu tranh với loại tội phạm này là nhu cầu cấp thiết. Để thực hiện hiệu quả công tác này cần có sự chung tay của các ngành, các cấp và sự ủng hộ của quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, cần nâng cao kiến thức, thông tin về tình hình tội phạm, hoạt động truy tố, xét xử và các quy định của pháp luật liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; giúp cán bộ, công chức, viên chức, Nhân dân trên địa bàn tỉnh nâng cao ý thức cảnh giác, chủ động phòng ngừa, đấu tranh với các loại tội phạm này.
Tại tọa đàm, các đại biểu đã tập trung trao đổi 7 chuyên đề về tình hình tội phạm, hoạt động truy tố, xét xử và các quy định của pháp luật về lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng cho vay: Thực trạng công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Quy định của pháp luật về lãi suất thỏa thuận trong hợp đồng cho vay và giải pháp hỗ trợ người dân tiếp cận nguồn vốn vay an toàn; Thực trạng và giải pháp bảo đảm thực hiện nhiệm vụ của Ngành kiểm sát An Giang trong công tác phòng, chống tội phạm liên quan đến hoạt động “tín dụng đen”; Thực tiễn công tác xét xử các vụ án liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh An Giang; Thực trạng công tác phòng ngừa, ngăn chặn các hoạt động cho vay lãi nặng, “tín dụng đen” và chính sách hỗ trợ công nhân lao động vay vốn trên địa bàn tỉnh An Giang; Giải pháp giúp sinh viên tránh khỏi bẫy Tín dụng đen” và Công tác tuyên truyền, PBGDPL về phòng, chống các loại tội phạm liên quan đến “tín dụng đen”.
Những nội dung trên phần nào đã giúp người dân nhận thức được sự nguy hiểm của “tín dụng đen” và những giải pháp, cách thức giải quyết khi vướng vào hoạt động tín dụng mờ ám này. Bên cạnh đó, trong quá trình trao đổi trực tiếp, các diễn giả thông tin thêm về các gói hỗ trợ người dân tiếp cận với các nguồn vốn vay an toàn; các tình huống có thể xảy ra và cách xử lý khi người dân rơi vào bẫy “tín dụng đen”.
Quang cảnh buổi tọa đàm |
Ông Cao Thanh Sơn, Giám đốc Sở Tư pháp An Giang cho biết, trong thời gian qua, Ngành Tư pháp tỉnh An Giang đã đẩy mạnh công tác PBGDPL về phòng chống hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh. Theo đó, đa dạng các hình thức tuyên truyền như: tuyên truyền miệng, tuyên truyền qua tài liệu in ấn; thông qua các cuộc thi tìm hiểu pháp luật. Đặc biệt, PBGDPL về phòng chống hoạt động “tín dụng đen” còn được thực hiện thông qua việc ghi hình, trả lời diễn giả và phát sóng các tình huống pháp luật liên quan qua chuyên mục “Pháp luật và chính sách” trên đài PT-TH An Giang, chuyên mục “Pháp luật và cuộc sống” trên Báo An Giang.
Theo ông Sơn, trong thời gian tới, ngành Tư pháp tỉnh sẽ tăng cường nhiều giải pháp đẩy mạnh tuyên truyền về phòng chống hoạt động “tín dụng đen” trên địa bàn tỉnh.