Du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh
Trong Hội nghị Xúc tiến đầu tư sắp tới, với chủ đề “An Giang – Kết nối cơ hội, hợp tác thành công”, tỉnh sẽ sẽ giới thiệu thành tựu kinh tế - xã hội, tiềm năng thế mạnh và các chính sách hỗ trợ đầu tư của An Giang đến với các tập đoàn, doanh nghiệp trong và ngoài nước có ý định tìm hiểu và đầu tư. Qua đó khai thác các thế mạnh của địa phương, đặc biệt là nông nghiệp và du lịch, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.
An Giang đã xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh. Theo định hướng trên, trong giai đoạn từ 2016-2020 tỉnh sẽ thực hiện mục tiêu “vừa thu hút, vừa giữ chân du khách”.Tốc độ tăng trưởng số lượt khách bình quân là 10%/năm. Đến năm 2020, ngành du lịch của tỉnh đón 10,1 triệu lượt khách, trong đó tỷ trọng khách lưu trú chiếm 20%, số ngày lưu trú bình quân là 2,5 ngày.
Giai đoạn 2021-2025, tỉnh thực hiện mục tiêu “giữ chân du khách” với các chỉ tiêu cụ thể sau, tăng tỷ trọng khách lưu trú lên 30%/tổng lượt khách vào năm 2025 với số ngày lưu trú bình quân là 3,0 ngày. Trong đó, tập trung vào các loại hình du lịch văn hóa, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng (du lịch trải nghiệm), du lịch đô thị.
Nói về tình hình phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh, ông Nguyễn Khánh Hiệp, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh An Giang đánh giá, trong thời gian qua, lượng khách đến với An Giang tương đối cao và tăng trưởng đều đặn.
Tuy nhiên, ông Hiệp nhấn mạnh, “lượt khách đến An Giang cao nhưng lưu trú chưa được nhiều. Chưa đáp ứng tiềm năng, lợi thế du lịch An Giang. Thông qua hội nghị xúc tiến, An Giang sẽ có giải pháp cụ thể, cố gắng tạo môi trường du lịch thân thiện từ tổ chức làm du lịch đến từng cá nhân để từng người dân An Giang đều làm du lịch”.
Đồng thời, ông cho biết thêm, “thời gian qua, chúng ta chỉ tập trung đến phát triển du lịch tâm linh, nhưng tâm linh thì nguồn thu không cao. Còn về loại hình nhà hàng, khách sạn chất lượng cao thì đến thời điểm này TP Long Xuyên chưa có một khách sạn 4 sao nào. Vì vậy, không đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ ngày càng cao của du lịch”.
Tăng cường các chính sách hỗ trợ nhà đầu tư
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch, tỉnh đã ban hành Chương trình hành động phát triển hạ tầng du lịch, trong đó tập trung đầu tư hạ tầng giao thông, hạ tầng viễn thông, đào tạo nguồn nhân lực, quảng bá, xúc tiến du lịch…
Theo đó, kêu gọi xây dựng 24 danh mục dự án trong ngành du lịch để phát triển loại hình dịch vụ, du lịch chất lượng cao. Theo ông Hiệp, để giữ chân du khách cần phát triển khu vui chơi giải trí chất lượng cao, đảm bảo an toàn và đáp ứng nhu cầu theo từng lứa tuổi để ngày càng hoàn thiện quần thể du lịch từ nghỉ dưỡng, sinh thái, dịch vụ và tâm linh. Đồng thời, cần khai thác du lịch mùa nước nổi, sông nước.
Với quyết tâm phát triển ngành du lịch địa phương, tỉnh sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi cho nhà đầu tư. Cụ thể sẽ hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp đầu tư mới cơ sở lưu trú hạng 3 sao, 4 sao và 5 sao và sửa chữa nâng cấp cơ sở lưu trú để đạt hạng tiêu chuẩn từ 4 sao đến 5 sao. Đồng thời, hỗ trợ 10 dự án đầu tư xây dựng mới nhà hàng kết hợp bán đặc sản An Giang đạt chuẩn phục vụ du lịch và 10 dự án đầu tư xây dựng khu mua sắm (quà tặng, quà lưu niệm, đặc sản địa phương) trong các khu, điểm du lịch trọng điểm.
Hỗ trợ các tập đoàn, doanh nghiệp trong các dự án đầu tư mới tàu, bến tàu, cầu tàu đón khách du lịch và các trang thiết bị bảo đảm an toàn cho du khách để khai thác tuyến du lịch đường sông. Đặc biệt, đối với loại hình phát triển du lịch cộng đồng, tỉnh sẽ hỗ trợ 50% lãi suất tiền vay trong hạn khi vay vốn ở các ngân hàng để đầu tư phát triển loại hình du lịch cộng đồng. Số nợ vay hỗ trợ tối đa không quá 02 tỷ đồng/01 tổ chức hoặc hộ gia đình. Mỗi tổ chức hoặc hộ gia đình được hỗ trợ một lần và theo thời gian vay vốn đã thỏa thuận tại hợp đồng tín dụng đã ký với ngân hàng nhưng không quá 05 năm.
Với những giải pháp và chính sách phát triển du lịch đúng đắn, phù hợp với tình hình thực tiễn, tin rằng sẽ thu hút nhà đầu tư quan tâm, góp phần khai thác tiềm năng, thế mạnh của tỉnh An Giang.