Ấn Độ là quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa
(PLO) - Ấn Độ đã bị xếp vào hạng quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ vì những vụ bạo lực tình dục liên tục gia tăng trong những năm gần đây và vấn nạn sử dụng nô lệ trong lao động. 

Nơi nguy hiểm nhất thế giới với phụ nữ

Theo CNN, Tổ chức Thomson Reuters Foudation đã công bố kết quả cuộc khảo sát 550 chuyên gia về vấn đề phụ nữ trên 193 quốc gia thành viên Liên Hợp Quốc (LHQ). Theo đó, Ấn Độ trở thành quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ do bạo lực tình dục, nô lệ tình dục, buôn bán người, lao động cưỡng bức, hôn nhân cưỡng bức và hàng loạt lý do khác. Đây cũng là quốc gia nguy hiểm nhất trên thế giới vì những truyền thống văn hóa trọng nam khinh nữ gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến phụ nữ như các vụ tấn công acid, cắt bỏ bộ phận sinh dục, ép trẻ em kết hôn sớm và lạm dụng thể chất…

Công bố trên được đưa ra trong bối cảnh người dân Ấn Độ liên tục biểu tình, phẫn nộ trước những sự vụ cưỡng hiếp trên cả nước, như vụ việc một bé gái 8 tuổi bị hiếp dâm tập thể và bị sát hại tại bang Kashmir được tiết lộ vào tháng 4. Vụ việc một thiếu nữ 16 tuổi bị hai người đàn ông bắt cóc, hiếp dâm và thiêu sống khi bị tố cáo tại bang Jharkhand cũng đã làm dư luận Ấn Độ dậy sóng.

Hồi tháng 4 vừa qua, hàng ngàn người đã đổ xuống đường biểu tình yêu cầu chính phủ phải bảo vệ nghiêm ngặt hơn cho phụ nữ. Đây được xem là vụ biểu tình lớn nhất ở quốc gia này kể từ khi xảy ra vụ hãm hiếp, đánh đập và giết hại một nữ sinh trên một chiếc xe bus ở New Delhi năm 2012. Vụ án này từng gây chấn động thế giới, các nhà điều tra phải mất 3 năm thu thập chứng cứ, truy tìm hung thủ. Các phiên tòa diễn ra liên tục kéo dài bảy tháng, khép tổng cộng 13 tội danh trong đó có tội giết người, hiếp dâm tập thể, trộm cắp... đối với 4 kẻ thủ ác. Và cuối cùng 4 kẻ này phải chịu án tử hình. 

Ấn Độ từ lâu đã phải vật lộn với vấn đề bạo lực tình dục. Sau vụ việc năm 2012, Chính phủ Ấn Độ đã thông qua pháp lệnh quy định tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 16 tuổi phải lãnh tối thiểu 20 năm tù so với trước là 10 năm, tội phạm hiếp dâm phụ nữ trưởng thành phải lãnh tối thiểu 10 năm tù so với trước là 7 năm, áp dụng án tử hình đối với những tội phạm hiếp dâm trẻ em dưới 12 tuổi. 

Tuy nhiên, bất chấp việc luật pháp ngày càng nghiêm ngặt, khoảng 100 vụ tấn công tình dục vẫn được cảnh sát ghi nhận mỗi ngày. Theo đó, các trường hợp tội phạm chống lại phụ nữ đã tăng 83% từ năm 2007 đến năm 2016 với 39.000 vụ. Chỉ tính riêng bang Madhya Pradesh đã có đến 4.882 vụ, chiếm 12,5% và nhiều nhất cả nước. Riêng tháng 3 năm ngoái, số liệu cho thấy có khoảng 4.300 trường hợp bị cưỡng bức ở Madhya Pradesh.

Ông Shivraj Singh Chouhan - Thủ hiến bang Madhya Pradesh - năm ngoái tức giận nói rằng: “những kẻ hiếp dâm các bé gái 12 tuổi không phải con người, chúng là quỷ dữ và không có quyền được sống”. Trong năm này, Madhya Pradesh trở thành bang đầu tiên của Ấn Độ thông qua dự luật cho phép tử hình với những tội phạm hiếp dâm và hiếp dâm tập thể trẻ em từ 12 tuổi trở xuống.

Vấn đề nan giải

Việc Ấn Độ xếp hạng đầu các quốc gia nguy hiểm nhất thế giới đối với phụ nữ cho thấy Chính phủ nước này càng ngày càng tụt lùi trong vấn đề bảo vệ các quyền của nữ giới. Ông Manjunath Gangadhara, một viên chức tại chính quyền bang Karnataka ở miền Tây Nam Ấn Độ, thẳng thắn chia sẻ với tổ chức Thomson Reuters rằng nhiều người Ấn Độ vẫn thể hiện sự thiếu tôn trọng đối với phụ nữ, tư tưởng trọng nam khinh nữ khiến các vụ quấy rối, hãm hiếp trẻ em, cưỡng bức hôn nhân… không có dấu hiệu giảm đi. “Dù là nước có nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới, dẫn đầu về ngành công nghệ nhưng Ấn Độ thật sự xấu xí trước thế giới với hình ảnh bạo lực phụ nữ diễn ra tràn lan”, ông nói.

Vấn nạn này trở thành chủ đề nóng, gây áp lực đối với đảng cầm quyền Bharatiya Janata của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi. Các đảng đối lập hiện đang chỉ trích mạnh mẽ chính quyền của ông Modi vì đã thất bại trong việc giải quyết vấn đề này. Trong một bài phát biểu hồi tháng 4 vừa qua, Thủ tướng Modi - người sẽ tiếp tục ứng cử trong kỳ bầu cử năm tới - từng tuyên bố bạo lực tình dục sẽ là vấn đề quan tâm lớn nhất đối với đất nước và kêu gọi bảo vệ phụ nữ. 

Những nước thuộc top 10 

Được biết, 9/10 quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ thuộc khu vực châu Á, Trung Đông và châu Phi. Xếp sau Ấn Độ là Afghanistan - nơi tình trạng bạo lực phi tình dục đối với phụ nữ được cho là tồi tệ nhất. Syria đang phải trải qua cuộc xung đột đã kéo dài 7 năm, đứng ở vị trí thứ 3 trong danh sách các nước nguy hiểm nhất với phụ nữ về bạo lực tình dục và tiếp cận chăm sóc y tế. Đặc biệt nhất là vị trí thứ 10 của Mỹ, nước phương Tây duy nhất xuất hiện trong danh sách. Nguyên nhân là do hiệu ứng từ phong trào chống quấy rối tình dục #Metoo bùng nổ kể từ tháng 10/2017. 

Cách đây 7 năm, Tổ chức Thomson Reuters Foudation cũng đã tiến hành một cuộc khảo sát tương tự. Kết quả cho thấy Afghanistan, Cộng hòa Dân chủ Congo, Pakistan, Ấn Độ và Somalia là 5 quốc gia nguy hiểm nhất đối với phụ nữ. “Các nhà lãnh đạo thế giới cách đây 3 năm từng tuyên bố sẽ xóa bỏ mọi hình thức bạo lực và phân biệt đối với phụ nữ vào năm 2030, cho phép họ sống tự do và tiếp cận công bằng với đời sống chính trị, kinh tế. Nhưng bất chấp lời cam kết đó, chúng tôi vẫn ước tính rằng 1/3 phụ nữ trên thế giới vẫn hứng chịu tình trạng bạo lực về thể chất hoặc bị tấn công tình dục”, tổ chức trên cho hay.

Báo cáo về cuộc khảo sát lần này cho thấy tình trạng tảo hôn vẫn diễn ra đầy rẫy, gần 750 triệu phụ nữ và trẻ em gái kết hôn trước 18 tuổi, dẫn đến mang thai ở tuổi vị thành niên, ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe, hạn chế tiếp cận giáo dục và nhiều cơ hội khác trong cuộc sống. 

Đọc thêm

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?

Những từ tiếng Anh nào có ảnh hưởng nhất trong 9 thập kỷ qua?
(PLVN) - Karaoke, virus, AI, deepfake… là một phần trong tập hợp 90 từ tiếng Anh nổi bật có ảnh hưởng định hình chín thập kỷ qua, phần nào phản ánh những phát triển xã hội, văn hóa, công nghệ, chính trị và môi trường đã định hình ngôn ngữ tiếng Anh từ năm 1934 đến năm 2024.

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'

'Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững'
(PLVN) - Trường Đại học Thể dục thể thao Bắc Ninh vừa phối hợp với Trường Đại học TDTT Thượng Hải, Trung Quốc và Trường Đại học Sư phạm - Đại học Quốc gia Seoul, Hàn Quốc đồng tổ chức thành công Hội nghị Khoa học quốc tế với chủ đề “Phát triển kinh tế thể thao: Đổi mới sáng tạo đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững”.