Hàng loạt các hãng hàng không trên thế giới đã và đang phải đối mặt với cuộc chiến pháp lý với các công ty, tổ chức cho thuê tàu bay, trong đó bao gồm cả các ‘quỹ kền kền’ (vulture fund), để bảo vệ quyền khai thác đôị tàu bay sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch. Yêu cầu của các bên cho thuê mua tàu hiện vấp phải sự phản đối gay gắt của chính phủ các nước, đặc biệt là trong bối cảnh các hãng hàng không thể hiện thiện chí và mong muốn được tiếp tục khai thác các tàu bay này để phục vụ nhu cầu hồi phục giao thông và hoàn thành các nghĩa vụ tài chính sau đại dịch.
Chính phủ Ấn Độ, thị trường hàng không lớn thứ 3 thế giới, gần đây cho biết họ sẽ không cho phép bên cho thuê lấy máy bay của hãng hàng không Go First ra khỏi Ấn Độ sau khi hãng nộp đơn xin bảo hộ phá sản, như tình huống của Japan Airlines.
Quyết định của chính phủ Ấn Độ cho thấy quyết tâm của các cường quốc hàng không trên thế giới trước thực trạng các công ty và định chế tài chính cho thuê mua tàu bay bắt ép các hãng hàng không địa phương, thu hồi tàu bay sau những ảnh hưởng nặng nề của đại dịch toàn cầu.
Thủ tướng Ấn Độ, ông Narendra Modi, gần đây ca ngợi sự nổi lên của Ấn Độ như một cường quốc hàng không khi các sân bay mới đang mọc lên nhanh chóng trên toàn quốc và các hãng hàng không như IndiGo và Air India mở rộng mạnh mẽ với các đơn đặt hàng máy bay kỷ lục. Dữ liệu của Cirium cũng cho thấy Ấn Độ là một thị trường quan trọng đối với các bên cho thuê mua, trong đó các giao dịch bán và cho thuê lại chiếm 75% số lượng máy bay được giao từ năm 2018 đến năm 2022, so với mức trung bình toàn cầu là 35%.
Trước đó, các công ty cho thuê tàu bay cũng đã gửi đơn yêu cầu huỷ đăng ký tàu bay của Go First lên Cục hàng không Ấn Độ theo Công ước Cape Town (trong đó cho phép bên cho thuê có thể xóa đăng ký tàu bay). Tuy nhiên, Toà án luật công ty quốc gia Ấn Độ (NCLT) đã huỷ yêu cầu này, bảo hộ hãng bay và cho phép Go First phục hồi hoạt động.
Ấn Độ đã tham gia Công uớc Cape Town vào năm 2018. Tuy nhiên, luật hiện hành bao gồm luật phá sản của quốc gia này đang được ưu tiên xem xét trên công ước Cape Town.
Quyết định của chính phủ Ấn Độ và nhiều quốc gia trên thế giới gần đây đặt ra một thực tế rằng liệu các công ty thuê mua tàu bay nên có cách tiếp cận cân bằng hơn, thay vì chỉ áp dụng Công ước Cape Town một cách cứng nhắc, về quyền của họ trong việc thu hồi máy bay từ các hãng hàng không, đặc biệt là khi các hãng này bị ảnh hưởng do các yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát như đại dịch COVID-19. Hiện chính phủ Ấn độ không cho phép các doanh nghiệp thuê mua tàu bay, các tài phiệt ngân hàng, quỹ đầu tư..có thể thu hồi tàu bay đang khai thác của các hãng hàng không Ấn độ một cách dễ dãi và cứng nhắc.