Bí đỏ còn được gọi là bí ngô, bí rợ một món ăn yêu thích của nhiều người. Bí đỏ không chỉ tốt cho mắt, não, hệ tiêu hóa mà bí đỏ còn có tác dụng bổ trung ích khí, kiện tỳ vị, tiêu đàm, chỉ thống (giảm đau), giải độc, sát trùng…
Tuy nhiên, do có nhiều thông tin chia sẻ trên các mạng xã hội về những sai lầm nguy hiểm khi sử dụng bí đỏ nên có không ít người hoang mang. Cụ thể, nhiều nguồn tin cho hay không nên ăn bí đỏ liên tục quá 2 bữa/tuần.
Họ cho rằng trong bí đỏ có chứa nhiều tiền chất của vitamin A, nếu ăn nhiều chất này không kịp tiêu hóa, sẽ dự trữ ở gan và dưới da. Do đó, sẽ khiến cho chóp mũi lòng bàn tay có màu vàng.
Trước thông tin trên, PGS.TS. Nguyễn Duy Thịnh – Viện Công nghệ Sinh học và Thực phẩm, Đại học Bách Khoa chia sẻ bí đỏ là thực phẩm vẫn có thể ăn được thường xuyên. Bạn chỉ không nên ăn hạt bí đỏ nhiều bởi hạt bí đỏ có khả năng tẩy giun.
Ông Thịnh cho rằng, bí đỏ là thực phẩm được sử dụng để ăn điểm xuyết, không phải là quá ngon để bữa nào người ta cũng sử dụng trong bữa ăn gia đình. Người ta sử dụng bí đỏ để xào, nấu chè, ăn canh mà thôi. Nói bí đỏ nhiều Vitamin A cũng chưa đúng. Bí đỏ, cà rốt là thực phẩm có tiền vitamin A.
Ông Thịnh chia sẻ thêm: "Nếu Vitamin A trong bí đỏ nhiều thế thì đã được sử dụng để sản xuất vitamin A".
Trao đổi thêm về thông tin cho rằng không nên ăn bí đỏ để lâu. Bởi, bí đỏ chứa hàm lượng đường cao, hơn nữa, nếu lưu trữ trong thời gian dài dễ khiến bên trong bí đỏ xảy ra quá trình hô hấp kỵ khí – lên men, và biến chất, vì vậy khi ăn sẽ gây nguy hiểm tới sức khỏe.
Bàn về vấn đề này, ông Thịnh chia sẻ, việc ăn bí đỏ khác thực phẩm khác là có thể để được lâu, khó bị hỏng. Bí đỏ già và non đều có vị ngon riêng.
Ông Thịnh chỉ lưu ý, bí đỏ là thực phẩm không chứa chất độc hại gì. Chỉ có hạt bí đỏ là không nên ăn nhiều. Hạt bí đỏ có khả năng tẩy giun ăn nhiều không tốt cho sức khỏe./.
Ông khẳng định, tất cả những thông tin nói về tác hại của bí đỏ chỉ mang tính chất suy luận chứ chưa được kiểm chứng./.