Dịch bệnh, giãn cách, giới trẻ và cả những người trung tuổi dành nhiều thời gian hơn cho máy tính và thiết bị di động.
Trên thế giới, trong lúc bấp bênh giữa đại dịch, nhiều sản phẩm âm nhạc được mang tới công chúng với nhiều thông điệp. Trong khi phần lớn các lĩnh vực văn hóa đã bị ảnh hưởng bởi đại dịch thì K-pop, một dòng nhạc có nguồn gốc từ Hàn Quốc, được cho là "sức mạnh mềm" của xứ sở kim chi, sản phẩm xuất khẩu thành công nhất của Hàn Quốc vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ và trở thành hiện tượng toàn cầu.
Nó tác động có lợi đến trạng thái tâm lý của giới trẻ Hàn Quốc và những người trẻ yêu thích Kpop trên toàn thế giới. Điều đó có thể đo lường bằng độ phổ biến của những buổi hoà nhạc trực tuyến đã tăng đều đặn trong thời gian qua. Buổi hòa nhạc 2 ngày 13 và 14/6 "BTS 2021 Muster SoWooZoo" ước tính đã thu về 1,33 triệu người xem trả phí và 1.600 tỷ đồng.
Mới đây, viện nghiên cứu Thẩm mĩ thực nghiệm Max Planck (Đức) đã xuất bản một nghiên cứu mang tên Viral Tunes, vốn để kiểm tra hành vi nghe nhạc trong suốt thời kỳ diễn ra đại dịch COVID. Theo đó, những người từ Đức, Pháp, Anh, Italy, Ấn Độ và Mỹ khi trả lời trực tuyến các câu hỏi về việc nghe nhạc trong thời kỳ khủng hoảng đã chia sẻ rằng họ nghe nhạc để vượt qua sự căng thẳng về cảm xúc và xã hội. Người ta đã chứng minh việc nghe nhạc giải phóng endorphin và có thể có những tác động với sức khỏe của chúng ta giống như thức ăn, thể thao... Nó thậm chí đã được chứng minh là giúp hình thành các kháng thể, tăng cường hệ thống miễn dịch của chúng ta.
Tại Việt Nam, hơn một năm qua, đã có hàng trăm tác phẩm âm nhạc tuyên truyền, cổ vũ công tác phòng, chống dịch COVID-19 do các nhạc sĩ chuyên và không chuyên sáng tác tiếp cận với công chúng. Dòng cảm hứng sáng tạo ấy của những người nghệ sĩ xuất phát từ “hiện thực xã hội” và những rung cảm trước cuộc đời, không chỉ mang thông điệp ý nghĩa về sức mạnh, sự đoàn kết của con người nhằm mục đích tuyên truyền. Nó còn trở thành món ăn tinh thần ý nghĩa trong lúc dịch bệnh nguy hiểm.
Năm 2020, ca khúc “Ghen Cô Vy” - ca khúc cổ động phòng chống COVID-19 của Bộ Y tế Việt Nam gây sốt trong cộng đồng, được nhắc đến trong chương trình "Last Week Tonight with John Oliver" (HBO). Thậm chí ca khúc được dân mạng quốc tế liên tục tìm nghe bản gốc trên kênh Youtube, xuất hiện trên nhiều trang báo nước ngoài và nhận nhiều lời khen “có cánh”. Năm nay, “Vũ điệu 5K” do nhạc sĩ Bùi Công Nam sáng tác cũng tạo sức hút không kém khi tiếp cận được hơn 60 triệu người thông qua các kênh truyền hình, mạng xã hội, hơn 1 triệu người thực hiện lại ca khúc và vũ điệu của tác phẩm này; gần 3 triệu lượt xem, chia sẻ video.
Bên cạnh đó, một số ca khúc đang được giới trẻ yêu thích, như: “Mong sao hết dịch” (Nguyễn Văn Chung), “Cố lên, cố lên” (Dương Khắc Linh), “Toàn dân đoàn kết chống dịch”, “Việt Nam rạng rỡ hoan ca”, “Tự hào Việt Nam” (Xuân Trí)…
Không chỉ trong âm nhạc đương đại, các nghệ sĩ của âm nhạc truyền thống cũng liên tục có những tác phẩm soạn lời hiệu quả, góp thêm thanh âm đa sắc về chủ đề này: từ bài cải lương “Thành phố nghĩa tình căng mình chặn dịch”, hát chèo “COVID sẽ tan, bình an Hà Nội” (soạn lời Lê Thế Song) đến hát xẩm “Tiêu diệt corona” (soạn lời Nguyễn Quang Long)...
Chứng kiến các lực lượng căng mình nơi tuyến đầu - chất liệu sống động của cuộc chiến chống COVID-19 đã thôi thúc nhạc sĩ chắp bút. Khi các ca sỹ thể hiện, bằng trách nhiệm, và niềm tự hào đã "truyền lửa" phòng chống dịch đến người dân.
Mới đây, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng đã triển khai chuỗi chương trình nghệ thuật trực tuyến với chủ đề “ San sẻ yêu thương, vượt qua đại dịch”. Theo Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Tạ Quang Đông, chương trình dành một phần giới thiệu, quảng bá các sáng tác mới thấm đẫm nhân văn về đề tài phòng, chống dịch ở nhiều chất liệu, thể loại, nhằm tạo nên cảm xúc đẹp, truyền tải những thông điệp sâu sắc đến cộng đồng.
Không chỉ sáng tác và lan tỏa các tác phẩm âm nhạc về đề tài phòng, chống dịch, các nghệ sỹ còn mang âm nhạc đến khu cách ly, phục vụ bệnh nhân, các y bác sỹ và những người ở tuyến đầu chống dịch. Có lẽ chưa khi nào “sân khấu” của các ca sỹ lại đặc biệt đến thế và trang phục biểu diễn nằm “gọn” trong những bộ đồ phòng hộ kín mít, “đồ nghề” là những chiếc loa kẹo kéo cùng một trái tim không lúc nào thôi sục sôi, quyết tâm chiến thắng dịch bệnh. Khán giả nhiệt tình chẳng “kém” nghệ sỹ, cũng khẩu trang kín mít, đứng xa xa trên các tầng lầu hay nhìn từ chiếc ban công, cửa sổ nhỏ vẫy tay để cổ vũ cho nghệ sỹ.
Ca sỹ Phương Thanh, người trực tiếp cùng nhóm nghệ sỹ tham gia tình nguyện chia sẻ, có lẽ trải nghiệm đến hát tặng các y bác sỹ và bệnh nhân tại khu điều trị là ký ức cô không thể nào quên. "Các nghệ sỹ vẫn hát hoành tráng, đầy năng lượng, chỉ có điều “chiếc khẩu trang làm em hơi khó thở”, chị Chanh hài hước nói.
Đoàn kết, có lẽ là điều tiên quyết tạo nên sức mạnh và làm nên chiến thắng của quân và dân ta trong bao cuộc chiến. Và âm nhạc, không chỉ mang tính giải trí mà theo một cách nào đó khiến con người gắn kết với nhau hơn trong những lúc nguy khó, ngặt nghèo. Dịch bệnh rồi sẽ qua đi, nhưng những thông điệp, ca từ trong những ca khúc gắn liền với một giai đoạn “lịch sử” hẳn sẽ còn đọng lại ở tâm khảm mỗi người và hiện tại tạo nên sức mạnh chung, góp phần không nhỏ trong cuộc chiến đẩy lùi dịch bệnh.