Ấm lòng chuyện cô giáo 23 năm 'bám' đảo Bạch Long Vỹ

Ấm lòng chuyện cô giáo 23 năm 'bám' đảo Bạch Long Vỹ
(PLVN) - Khi biết cô chuyển công tác, hầu hết người quen đều ngăn cản, ngoại trừ 1 người. Người ấy rồi cũng cùng cô xung phong ra Bạch Long Vỹ. Sự cống hiến của cô Vũ Thị Hà cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo tiền tiêu này không gì đo đếm được...

Bạch Long Vỹ, hòn đảo xa bờ nhất trong vịnh Bắc Bộ, đời sống giáo viên còn gặp nhiều khó khăn, vất vả. Ở cái xứ hầu như chỉ có gió biển, đường mòn và xương rồng như thế này, tình yêu biển đảo, tình yêu trẻ, lòng người ấm áp trở thành động lực để cô Vũ Thị Hà (SN 1969, giáo viên trường Mầm non - Tiểu học Bạch Long Vỹ) cũng như các thầy cô khác yên tâm gắn bó hàng chục năm để vun đắp cho sự nghiệp trồng người...

Trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 26 học sinh
Trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 26 học sinh 

Cô giáo “5 trong 1”

Năm học 2019-2020, cả trường mầm non và trường tiểu học Bạch Long Vỹ có 46 học sinh, hoạt động dưới sự quản lý, giảng dạy của 8 cán bộ, giáo viên, người lao động. Trong đó, có 26 trẻ mầm non và 20 trẻ tiểu học.

Học sinh ít, thầy cô phải ghép lớp, chia học sinh thành từng nhóm. Có lớp học chỉ có 5 cháu, điều không thấy ở trường học nào trong đất liền tại Hải Phòng. 

Gặp cô Vũ Thị Hà, người “nổi tiếng” vì có tới 23 năm “gieo” con chữ trên đảo Bạch Long Vỹ, chúng tôi mới thấu hiểu, giáo dục nơi đảo tiền tiêu có phát triển được hay không là nhờ vào những giáo viên tận tâm như cô. 

Cô Hà chia sẻ về việc dạy học tại đảo
 Cô Hà chia sẻ về việc dạy học tại đảo

Màn chào hỏi của các cô trò trường Mầm non - Tiểu học Bạch Long Vỹ thật ấn tượng.

Cô Vũ Thị Hà bắt nhịp cho học sinh hát vang bài hát “Ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu”: Bạch Long Vỹ  nơi đảo xa. Trường của em là tiền tiêu tổ quốc. Tuy xa đất liền…tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường. Sống bên chúng em là các chú bộ đội. Hình ảnh các chú in đậm trong tim em. Luôn chắp tay súng giữ lấy đảo thân yêu. Bảo vệ tổ quốc cho đất nước tươi đẹp hơn. Bạch Long Vỹ, nơi đảo xa. Trường của em là tình yêu tổ quốc. Tuy xa đất liền- tuy nơi đảo nhỏ. Em nguyện học hành để đẹp mãi ngôi trường Bạch Long Vỹ thân yêu.”

Một giờ học Chính tả tại trường tiểu học Bạch Long Vỹ
 Một giờ học Chính tả tại trường tiểu học Bạch Long Vỹ

Đó là bài thơ do cô Hà sáng tác và phổ nhạc. Dần dà, bài hát trở nên quen thuộc với mỗi thế hệ học sinh nơi đây. 

Những năm đầu tiên bám đảo, cô Hà vẫn nhớ như in về 1 lớp học “đặc biệt”, thiếu thốn mọi thứ. Trường lớp chưa được xây dựng khang trang, cô Hà cùng các đồng nghiệp phải mượn địa điểm dạy học ở khắp nơi, từ nhà dân cho tới trụ sở UBND huyện.

Lớp học có 5 học sinh, ở nhiều độ tuổi khác nhau
 Lớp học có 5 học sinh, ở nhiều độ tuổi khác nhau

Học sinh lớp học “đặc biệt” ấy ghép nhiều lứa tuổi. Chương trình giảng dạy đối với mỗi học sinh được chuẩn bị khác nhau. Đồ dùng học tập, sách giáo khoa thì vô cùng hiếm hoi. 

Cha mẹ học sinh chủ yếu làm nghề đi biển, quanh năm lênh đênh với sóng gió nên việc chăm chút cho các con học hành gần như giao trọn trách nhiệm cho các thầy cô.

Nụ hôn tạm biệt của học sinh dành cho cô Hà
 Nụ hôn tạm biệt của học sinh dành cho cô Hà

Biết học sinh thiệt thòi nên cô Hà càng yêu thương, tận tâm dạy dỗ các em. Chúng tôi gọi cô Hà là cô giáo “5 trong 1”. Bởi ở trường, không chỉ dạy văn hóa mà cô Hà còn kiêm dạy học sinh cả các môn phụ như Mỹ thuật, hát nhạc, kỹ năng sống. Ngoài trách nhiệm của một giáo viên thông thường, cô Hà thực sự trở thành người mẹ thứ hai của những đứa trẻ tại đảo. 

Tình yêu khiến đất lạ hóa quê hương

Năm 1989, sau khi tốt nghiệp trường Cao đẳng Sư phạm Hải Phòng (nay là trường ĐH Hải Phòng), cô Hà được phân công dạy học ở trường Tiểu học Lê Thiện (huyện An Dương, TP Hải Phòng). 

Cô Hà là con gái của nguyên chủ tịch UBND huyện Cát Hải, sinh ra và lớn lên ở huyện đảo Cát Bà. Hè năm 1996, trong một dịp được trò chuyện với bạn của bố là nguyên Chủ tịch huyện đảo Bạch Long Vỹ, cô được mời ra đảo công tác.

Tuổi trẻ cộng với đam mê đã khiến cô Hà “gật đầu” nhanh chóng để thay đổi đơn vị công tác của mình. Điều này khiến ai nấy đều bất ngờ. Hầu hết những ai quen cô Hà đều ngăn cản, ngoại trừ 1 người. “Đó chính là người yêu của chị và bây giờ là chồng chị. Bởi vì hơn ai hết, anh ấy là người thấu hiểu chị đã thực hiện được ước mơ ấp ủ bao lâu nay. Chị và anh ấy có điểm chung là thích xông pha, khám phá và cũng nên duyên bởi điều đó. Sau khi chị ra đảo dạy học, anh ấy cũng xin vào thanh niên xung phong tại đảo”, cô Hà xúc động chia sẻ. 

Trường tiểu học Bạch Long Vỹ nay đã được xây dựng khang trang
Trường tiểu học Bạch Long Vỹ nay đã được xây dựng khang trang 

Trường lớp ít học sinh nhưng không vì thế mà kém vui. Ngày nào các con cũng líu lo kể chuyện gia đình, chuyện đảo. Nhiều trường hợp, cả bố cả con đều là học sinh của cô Hà. Nhiều học sinh khi đã phương trưởng thì quay lại làm việc và xây dựng tại huyện đảo như: anh Hoàng Việt Hà, chị Đinh Thị Hương, anh Đinh Văn Thanh, chị Vũ Thị Nga… 

Với học sinh tại đảo, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui
 Với học sinh tại đảo, mỗi ngày đến lớp là một ngày vui

Cô Hà khoe: “Ai ra đảo cũng nghĩ nơi này vắng lắm, buồn lắm. Nhưng với chị, chị thấy ở đảo rất vui. Mỗi dịp 20/11, học sinh tự tay vẽ tranh rồi ngắt hoa ven đường đến tặng thầy cô. Ngày nào kết thúc buổi học, các con cũng ra thơm vào má mình một cái để tạm biệt. Dần dà, tình cảm của những người dân nơi đảo xa đã ăn sâu vào máu thịt mình lúc nào không hay”.

Trong cuộc đời làm giáo viên, điều cô Hà trăn trở nhất là làm thế nào để dạy dỗ cho những trẻ tự kỷ thành người. Tại đảo Bạch Long Vỹ, cũng có khá nhiều trường hợp trẻ mắc chứng tự kỷ được cô Hà tận tình dìu dắt và đa số đều có thể hòa nhập được cuộc sống hàng ngày.

Cô Hà kể lại chuyện của Nguyễn Nhân Quyết, cậu bé mồ côi bố từ nhỏ, mẹ ra đảo bán hàng. Quyết 7 tuổi nhưng không biết nói, không có cảm xúc và không kiểm soát được hành vi của mình. Thương Quyết thiệt thòi từ nhỏ, cô Hà tìm mọi cách tác động tâm lý đưa em trở lại một cậu bé phát triển bình thường có thể nói, chơi cùng các bạn. Chính gia đình Quyết cũng ngỡ ngàng trước sự thay đổi “ngoạn mục” đó. 

Suốt 23 năm bám đảo, điều khiến cô Hà buồn nhất là không có mặt giờ bố mẹ lâm chung. Năm 2002, cô nhận được tin bố ốm nặng. Từ lãnh đạo huyện tới các tàu thuyền trên đảo đã hết lòng giúp đỡ để cô kịp nhìn thấy ông lần cuối. Sau 7 tiếng đồng hồ vượt biển tới nhà thì tang lễ đã được tiến hành, mong ước đó đã không thành hiện thực.

Mười năm sau, khi nhận tin mẹ mất, trời đổ bão nên không có cách nào để cô về đất liền sớm hơn. Trong tiếng mưa rơi, gió rít ngoài đảo xa, cô Hà chỉ biết nuốt nước mắt vào lòng. 

Cô Hà luôn trăn trở về giáo dục trẻ tự kỷ trên đảo
 Cô Hà luôn trăn trở về giáo dục trẻ tự kỷ trên đảo

Tất cả các học sinh tại đảo, sau khi hoàn thành bậc học tiểu học sẽ được chuyển vào đất liền để theo học nội trú. Hai con trai của cô Hà cũng vậy. Dù biết các con vất vả khi thiếu vắng bàn tay chăm sóc của mẹ nhưng cô Hà không nỡ rời đảo bởi còn các học sinh đang chờ cô giảng dạy hằng ngày. Sự cống hiến của cô giành cho sự nghiệp giáo dục nơi đảo tiền tiêu này không gì đo đếm được. 

Đảo Bạch Long Vỹ, cách đất liền 130km
 Đảo Bạch Long Vỹ, cách đất liền 130km

Ngày mai, tại đảo Bạch Long Vỹ, lễ kỷ niệm Nhà giáo Việt Nam 20/11 sẽ diễn ra một cách trang trọng. Khác với đất liền, lễ kỷ niệm tại trường Tiểu học – Mầm non Bạch Long Vỹ sẽ được tất cả lãnh đạo huyện, các phòng ban tới dự và chúc mừng.

Cuộc điện thoại hỏi thăm cô Hà của tôi bị ngắt quãng bởi cô còn tất bật tập dượt văn nghệ cho các con. Trước khi tắt máy, cô Hà nói trong tiếng cười: “Chị không hối hận vì con đường mình đã chọn. Còn ở đảo ngày nào, chị còn đến trường dạy chữ ngày đó”.

Trường mầm non Bạch Long Vỹ có 20 cháu theo học
 Trường mầm non Bạch Long Vỹ có 20 cháu theo học

Đọc thêm

Điều chỉnh “xét tuyển đại học sớm” để bảo đảm công bằng cho tất cả các thí sinh

Việc quy định chỉ tiêu xét tuyển sớm và quy định điểm chuẩn trúng tuyển cần bảo đảm được sự công bằng giữa các thí sinh trong các đợt xét tuyển. (Ảnh minh họa: Ngọc Hương)

(PLVN) - Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) Hoàng Minh Sơn cho biết, việc có quy định chặt chẽ hơn nếu sử dụng học bạ để xét tuyển thì cần có kết quả học tập của cả năm lớp 12 cũng là hướng tới bảo đảm công bằng cho các thí sinh (TS) ứng tuyển. Nếu chỉ xét đến 5 học kỳ ở cấp THPT mà bỏ qua học kỳ II của lớp 12 sẽ khiến cho nhiều em chủ quan và không tập trung học tốt đều các môn.

Góp ý cho Kỳ tuyển sinh Đại học, cao đẳng năm 2025: Nên loại bỏ các phương thức tuyển sinh không bảo đảm chất lượng đầu vào

Tuyển sinh năm 2025 có nhiều thay đổi theo CTGDPT 2018. (Ảnh minh họa: PV)
(PLVN) - Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng (ĐH, CĐ) Việt Nam vừa có kiến nghị gửi Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) về giải pháp bảo đảm tính đồng bộ giữa nội dung Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (CTGDPT 2018), việc triển khai thực hiện chương trình, tổ chức thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH từ năm 2025.

Nâng cao hiểu biết pháp luật trong học sinh, sinh viên

Việc một bộ phận học sinh, sinh viên thiếu hiểu biết về pháp luật là một thực trạng đáng báo động. (Ảnh: BD)
(PLVN) - Thời đại công nghệ phát triển, giới trẻ có cơ hội tiếp cận nhiều thông tin nhưng cũng đối mặt với những hệ lụy, nhất là khi không được trang bị nền tảng kiến thức pháp luật. Một số bạn trẻ hiện nay “vô tư” thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật gây ra hậu quả nghiêm trọng chỉ vì thiếu hiểu biết pháp luật.

Ngăn ngừa thuốc lá mới xâm nhập học đường

Ảnh minh họa: Sở GD&ĐT Hà Nội
(PLVN) - Trước tình trạng thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng diễn biến phức tạp, gia tăng nhanh ở giới trẻ, nhiều trường học tại các tỉnh/thành đã tổ chức các hoạt động nhằm nâng cao ý thức cho học sinh về tác hại của thuốc lá mới, góp phần đẩy lùi mối lo này ra khỏi trường học.

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô

20 năm kiến tạo tri thức của Trường Đại học Thành Đô
(PLVN) -  Ngày 30/11/2024 đánh dấu cột mốc vàng son trong lịch sử của Trường Đại học Thành Đô – hai thập kỷ nỗ lực không ngừng để kiến tạo một môi trường giáo dục chuẩn mực, kiên định với sứ mệnh kiến tạo không gian tích hợp WILL, gắn kết hài hòa giữa học tập, nghiên cứu, giảng dạy, thực hành, hướng nghiệp và trải nghiệm cuộc sống. Lễ kỷ niệm có sự tham dự của đại diện Bộ Giáo dục và Đào tạo, các trung tâm và cơ sở giáo dục, các doanh nghiệp đối tác, bệnh viện, nhà trường, báo chí…

Thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam

PGS.TS. Trần Việt Dũng – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM phát biểu tại Hội thảo.
(PLVN) - Sáng ngày 30/11/2024, tại Trường Đại học Luật TP.HCM đã diễn ra hội thảo khoa học với chủ đề “Chính sách pháp luật thúc đẩy thực hành kinh doanh có trách nhiệm tại Việt Nam – Kinh nghiệm và thực tiễn”. Đây là sự kiện do Nhóm đề tài cấp Bộ tổ chức, thu hút sự tham gia của đông đảo chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý và đại diện doanh nghiệp trong lĩnh vực pháp luật, lao động và môi trường.

Dự thảo Quy chế tuyển sinh đại học 2025: Tăng trách nhiệm của các cơ sở đào tạo trong công tác tuyển sinh

Thay đổi dự thảo quy chế tuyển sinh đại học 2025, bảo đảm công bằng cho thí sinh. (Ảnh minh họa: ĐHQGHN)
(PLVN) - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) vừa công bố dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế tuyển sinh đại học 2025. Theo đó, Bộ GD&ĐT đề xuất, các điểm xét, điểm trúng tuyển của các phương thức, tổ hợp môn sử dụng để xét tuyển phải được quy đổi tương đương về một thang điểm chung, thống nhất.

Bộ Công an thông tin về đề thi đánh giá năm 2025

Ảnh minh họa
(PLVN) - Bộ Công an cho biết, trong năm 2025, đơn vị sẽ hướng dẫn các cơ sở đào tạo trong ngành bám sát chương trình giáo dục phổ thông và thực hiện theo đúng các quy định trong tuyển sinh đại học của Bộ Giáo dục và Đào tạo.