Thách thức
Xã Sông Trầu nằm ở phía Đông Bắc huyện Trảng Bom, với diện tích rộng đến 4.314 ha. Tổng dân số có trên 21.000 nhân khẩu với 11 dân tộc sinh sống đan xen. Người dân sống rải rác và giao thông đi lại còn khó khăn.
Đó là đặc điểm chung của nhiều xã vùng trung du nào. Tuy nhiên, Sông Trầu có một phần địa bàn giáp với Khu công nghiệp Bàu Xéo nên có khá nhiều công nhân lao động từ nhiều tỉnh thành trong cả nước đến thuê nhà trọ tại địa phương để thuận lợi trong việc làm ăn và sinh sống. Riêng nhân khẩu tạm trú này đã chiếm số lượng gần ½ dân số của xã.
Với một địa phương có đến hơn 30 ngàn nhân khẩu có cơ cấu dân số khá phức tạp, ông Lâm Quang Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sông Trầu đánh giá “đây là địa bàn rộng phức tạp, trọng điểm về quốc phòng – an ninh.”.
Bà Đỗ Thị Hồng Châu, chủ tịch UBND xã Sông Trầu cũng khẳng định “Với đặc điểm như trên nên, việc đảm bảo an ninh chính trị - trật tự an toàn xã hội tốt sẽ góp phần thúc đẩy nền kinh tế xã hội của địa phương phát triển và đảm bảo về AN – QP.”.
Trước năm 2104, việc tập hợp và duy trì đủ quân số cho lực lượng Ban CHQS xã không phải dễ. Trong nhiều điều kiện khó khăn thì ngay cả việc tự tổ chức bữa ăn cho đơn vị đối với Ban cũng là điều khó. Và đây cũng là khó khăn chung của bất kỳ đơn vị nào có địa bàn rộng, dân cư phân tán.
Rất may, tại địa phương có một tập thể hội Phụ nữ hoạt động hết sức nhiệt tình. Và vấn đề đã được giải quyết.
Ấm tình quân dân
Chị Nguyễn Thị Trang, chủ tịch hội Phụ nữ xã Sông Trầu cho tâm sự, khu vực nhà chị có nhiều bộ đội là học viên của các trường quân sự đến thực tập và ở trong dân. Sau mỗi chuyến như thế, gia đình chị có thêm những người con, người cháu kết nghĩa. Từ đó cảm tình của chị đối với bộ đội trở nên hết sức tự nhiên.
Một bữa ăn của LLVT địa phương trong một đợt làm đường giúp dân |
Trước khó khăn của Ban CHQS xã về việc chuẩn bị bữa ăn cho lực lượng, chị trăn trở mãi. Một lần được gợi ý của một lãnh đạo cấp huyện về việc tổ chức nấu ăn cho lực lượng dân quân địa phương. Mối trăn trở như được tháo gỡ, chị hào hứng xúc tiến thành lập “Tổ phụ nữ nuôi quân” ở xã nhà. Giữa năm 2014 chị chính thức triển khai mô hình.
Việc đầu tiên là gây quỹ. Chị tự bỏ tiền gây quỹ trước 20 triệu. Tiếp tục vận động trong hội của mình, chị quyên thêm được 30 triệu nữa. Hằng tuần, các chị cử 1 – 2 chị cùng LLTT xã đi chợ mua và nấu ăn tại bếp ăn của Ban CHQS xã. Các dịp lực lượng dân quân trong xã tham gia huấn luyện, các dịp giao quân, tuần tra canh gác, tổng kết, lễ tết… các chị đều đảm nhận nhiệm vụ bếp núc cho đơn vị.
Khi mô hình đi vào hoạt động ổn định, yêu cầu duy trì và phát triển quỹ được đặt ra. Ban đầu mỗi chị trong Ban chấp hành Hội và một số chị hội viên có điều kiện kinh tế khá giả hỗ trợ một phần kinh phí (450.000 – 500.000 đồng/tháng) cộng với trồng rau xanh, tăng gia của đơn vị đưa vào bếp ăn thêm 7.000 – 10.000đ/ngày/suất ăn.
Tiếp theo, các chị tập hợp vốn nhàn rỗi của cá nhân và của Hội mình được hơn 100 triệu đồng, cho chị em khác vay làm kinh tế, lấy tiền lãi thấp để bổ sung vào quỹ. Đến nay, nguồn quỹ nuôi quân khá ổn định, đủ đáp ứng được nhu cầu về khẩu phần ăn của đơn vị.
“Hoạt động của Tổ phụ nữ nuôi quân đã khích lệ tinh thần, kịp thời động viên LLDQTT và lực lượng vũ trang xã khắc phục khó khăn trong công tác, trong huấn luyện, tuyển quân và các nhiệm vụ QS – QP địa phương. Các chị đã góp phần giúp cán bộ chiến sĩ LLVT xã nỗ lực vươn lên, hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao. Chính vì vậy liên tục trong nhiều năm liền Ban CHQS xã Sông Trầu là điển hình của LLVT huyện Trảng Bom, được cấp ủy, chính quyền các cấp và UBND tỉnh Đồng Nai tặng nhiều Bằng khen trên các lĩnh vực: tuyển quân, xây dựng đơn vị VMTD, nhiệm vụ QS-QPĐP hằng năm…”, ông Lâm Quang Dũng, Chỉ huy trưởng Ban CHQS xã Sông Trầu cho biết.
Còn theo Bà Đỗ Thị Hồng Châu, chủ tịch UBND xã Sông Trầu, “Hoạt động của Tổ phụ nữ nuôi quân không chỉ động viên tinh thần rất tốt tinh thần chiến sĩ mà còn giúp gắn chặt hơn được quan hệ giữa các ban ngành tại địa phương, đặc biệt là tình quân ngày càng thắm thiết hơn.”.