Ám ảnh xe công nông, xe tự chế ở Hà Nội

Xe công nông ngang nhiên lưu hành trên tỉnh lộ 422.
Xe công nông ngang nhiên lưu hành trên tỉnh lộ 422.
(PLVN) - Xe công nông, xe ba bánh… được coi là “cần câu cơm” của hàng trăm hộ dân tại xã Dương Liễu (Hoài Đức, Hà Nội) và vùng phụ cận. Thế nhưng, sự hoạt động mạnh mẽ của loại xe “nhiều không” này đang là mối hiểm họa cho giao thông trên địa bàn.

Rùng mình, bất an

Đứng trên đoạn đường đê khu vực chợ Sấu (xã Dương Liễu, Hoài Đức, Hà Nội) chẳng khó để bắt gặp những chiếc xe tự chế phi ầm ầm trên đường. Xe công nông, xe ba bánh ngược xuôi, nối đuôi nhau, giành hết đường của các phương tiện khác. Những chiếc xe này nổ máy inh ỏi, nhả khói đen kịt len lỏi qua hàng chục phương tiện khác khiến người đi đường phải bất giác rùng mình.

Theo thống kê của UBND xã Dương Liễu năm 2018, trên địa bàn xã có khoảng 127 chiếc xe công nông, xe tự chế, chưa kể các xe ở khu vực lân cận hoạt động ngày đêm. Điều đáng nói, những phương tiện này hoàn toàn được độ chế, chắp vá từ những bộ phận cũ của ô tô, xe máy, lại do các cơ sở cơ khí tự phát thiết kế, không đảm bảo các chỉ số an toàn để được phép lưu hành.

Bà Nguyễn Thị Mến, bán hoa quả ở cổng chợ Sấu (Dương Liễu, Hoài Đức) cho biết: “Tôi ngồi bán hàng ở đây luôn luôn phải bịt khẩu trang kín mít, nhiều công nông đi qua làm khói bụi đen kịt, rất khó chịu.

Còn tắc đường ở đây hầu như sáng nào cũng diễn ra, phần nhiều là do xe ba bánh, công nông chở củ sắn, củ đót (dong riềng), bánh kẹo, vật liệu xây dựng gây nên. Có khi hai chiếc công nông tránh nhau làm dòng xe ùn ứ cả hàng dài.”

Xe công nông chở hàng quá tải, cồng kềnh vẫn là nỗi bất an với những người tham gia giao thông ở đây nhiều năm nay. Với lí do “chở cho đủ chuyến” nên nhiều lái xe cố gắng chất hàng hóa cao nhất có thể. Cũng vì thế, thùng xe được cơi nới thô sơ bằng những tấm ván gỗ ghép thô sơ dựng nối vào thùng xe.

Khi được hỏi về vấn đề an toàn giao thông, anh P.V. L, một lái xe phân trần: “Vì củ dong khá cồng kềnh nên chúng tôi thường chất thùng cao, chứ thực ra nó không nặng như mọi người tưởng. Nhìn xe đồ sộ là thế nhưng hàng hóa được chằng chống cẩn thận lắm, lại thêm tôi lái chậm nên chạy lâu nay có xảy ra tai nạn gì đâu.”

Những ngày trong mùa vụ của làng nghề (từ tháng 9 âm lịch đến tháng giêng) lưu lượng xe công nông đổ về đây lại càng đông đúc. Những chiếc xe cõng trên mình cả “núi” sắn, “núi” dong riềng cứ thế chạy phăng phăng trên đường, gây nên nỗi khiếp đảm cho bất cứ ai đi gần đó.

Em Nguyễn Tiến Minh, học sinh trường THCS Dương Liễu luôn mang cảm giác sợ sệt mỗi ngày đi học: “Nhà em cách trường hơn 2 km nên phải đi xe đạp đến trường. Nhưng đường đông, nhiều xe công nông to quá nên em cũng khá lo lắng”.

Còn các bậc phụ huynh cũng không yên tâm về chuyện con tự tới trường, chị Hải - một phụ huynh cho biết: “Con gái tôi nằng nặc đòi tự đạp xe đi học cùng các bạn nhưng đường xá lắm xe cộ, lại có cả những xe chở hàng hóa cao vút nên tôi không đồng ý chuyện đó. Ngày nào tôi cũng lái xe chở con đến trường mới yên tâm được”.

Bên cạnh chở hàng cồng kềnh, quá tải, cá biệt còn có những chiếc công nông cũ nát, lại không được trang bị đèn chiếu sáng khiến người đi đường khiếp đảm hơn bao giờ hết. Chiếc xe dò dẫm chạy trong bóng tối, không khác gì những “sát thủ thầm lặng”.

Không những vậy, những chiếc xe tự chế còn ám ảnh người dân xóm Chàng Chợ (xã Dương Liễu) bởi tiếng ồn mà nó gây nên. Đặc trưng của loại phương tiện này là không có bộ phận giảm thanh, cộng thêm việc vận chuyển quá tải khiến chiếc xe gào rú ầm ầm.

Chị Phí Thị Phương Anh, người dân xóm Chàng Chợ chia sẻ: “Vào mùa vụ, người ta cứ chạy ngày chạy đêm, 2, 3 giờ sáng đã có tiếng công nông chạy ngoài đường, ban đêm, tiếng xe càng trở nên inh tai nhức óc, ảnh hưởng nghiêm trọng đến sự nghỉ ngơi của mọi người.”

“Cần câu cơm” khó thay thế

Xã Dương Liễu là một trong những làng nghề lớn của huyện Hoài Đức. Đặc biệt nơi đây có nghề làm miến, chế biến tinh bột dong riềng, sắn nên nhu cầu về xe vận chuyển khá lớn.  Ông Nguyễn Bá Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu cho biết, vì đặc trưng làng nghề chế biến nông sản nên các hộ làm nghề sử dụng xe công nông để chở nguyên liệu từ bãi trung chuyển về gia đình.

Hầu hết mỗi nhà làm nghề ở đây đều trang bị một chiếc xe công nông hoặc xe ba gác độ chế thô sơ. Anh Minh, một chủ cơ sở làm tinh bột sắn cho biết: “Nhà tôi mua nguyên liệu từ bãi chợ về nhà chế biến, nếu chở xe cải tiến thì khá mất sức mà không được bao nhiêu, mà đầu tư mua xe tải nhỏ chở thì quá tốn kém. Vì vậy, tôi đã đặt làm chiếc xe này với giá 20 triệu đồng về làm phương tiện vận chuyển, khá là tiện lợi mà gia đình đỡ vất vả”.

Nhìn ở góc độ kinh tế, xe công nông, xe tự chế cũng có nhiều tiện lợi: Với mức đầu tư thấp, lại vận chuyển được nhiều hàng hóa, do đó nghiễm nhiên trở thành phương tiện vận chuyển tiện lợi cho các hộ làm nghề. Nhiều lái xe dù đã biết có lệnh cấm xe công nông, xe độ, chế từ lâu nhưng họ vẫn bất chấp dùng các phương tiện thô sơ này trong công việc hàng ngày.

Với địa phương, việc quản lý xe này vẫn gặp khó vì cả nể cũng như thiếu chế tài để xử lý quyết liệt. Phó Chủ tịch xã Dương Liễu chia sẻ: “Hàng năm, xã vẫn tuyên truyền các hộ bỏ xe công nông, xe tự chế, yêu cầu các hộ vận chuyển phải đảm bảo an toàn giao thông và vệ sinh môi trường nhưng rất ít hộ chấp hành. Xã cũng mong muốn xóa bỏ việc làm nghề chế biến nông sản, chỉ sản xuất miến bằng nguồn nguyên liệu nhập từ bên ngoài về để giảm gánh nặng môi trường, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn”.

Có thể nói, sự hoạt động thiếu kiểm soát của xe công nông, xe tự chế tại các vùng ngoại thành đã đặt ra cho các nhà quản lí một bài toán khó cần lời giải. Mặc dù những chiếc xe công nông đóng vai trò quan trọng trong cuộc sống của người dân nơi đây, tuy nhiên việc xóa sổ các phương tiện không đảm bảo an toàn khi tham gia giao thông là cần thiết. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng cần mạnh mẽ hơn trong việc giám sát, quản lý các phương tiện này để người dân an tâm hơn khi tham gia giao thông.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.

Cầu Yên Bái lưu thông trở lại

Cầu Yên Bái lưu thông trở lại
(PLVN) - Sau gần 3 tháng kiểm tra, sửa chữa, khắc phục sự cố, cầu Yên Bái đã chính thức lưu thông trở lại từ 18h00 ngày 31/12 đối với xe đạp, xe máy, ô tô 7 chỗ trở xuống.