Ám ảnh “ổ voi, ổ gà”

Nhiều tuyến đường mấp mô “ổ voi, ổ gà” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
Nhiều tuyến đường mấp mô “ổ voi, ổ gà” gây nguy hiểm cho người tham gia giao thông. (Ảnh minh họa - Nguồn: Internet)
(PLVN) - Dù ở Thủ đô hay ngoại thành, việc bắt gặp “ổ voi, ổ gà” trên đường dường như đã quá quen thuộc với người tham gia giao thông. Nỗi ám ảnh đã tồn tại bao năm đến nay vẫn chưa có giải pháp khắc phục triệt để.

“Bẫy” giao thông

Cứ mỗi khi trời mưa to, chị T.Hà (34 tuổi, Nam Định) lại nhờ chồng chở hoặc gọi xe ôm đi làm vì không dám tự lái xe trên con đường đến cơ quan đầy “ổ voi, ổ gà”. “Tôi vẫn nhớ như in cái ngày 2 năm trước, trời mưa tầm tã, tôi dắt xe ra đi làm như mọi ngày trên con đường quen thuộc. Bình thường tôi cũng thấy đường này nhiều “ổ gà” rồi nhưng đi tập trung vẫn tránh được. Hôm ấy trời mưa, nước tù đọng vào “ổ gà” làm tôi không thấy, kết quả đâm vào rồi ngã ra đường”, chị T.Hà kể.

Trường hợp người đi xe máy bị té ngã, xe ba gác hay xe tải bị sụt “ổ voi, ổ gà” ngày càng phổ biến. Dù ở Thủ đô hay ngoại thành, những con đường mấp mô vẫn tồn tại, ảnh hưởng việc đi lại. Đặc biệt những hôm mưa lớn, đường ngập nước, hậu quả càng dễ xảy ra.

Tại nhiều nơi, thấy cảnh đường sá đi lại khó khăn, vừa lo cho mình, vừa lo cho người, một số người dân đã bỏ cành cây hay cục gạch vào cảnh báo, số khác thì đổ đất hay xà bần lấp tạm lên. Lâu ngày, giữa đường nổi lên các “tiểu lô cốt” được dựng lên từ đủ thứ vật liệu: đất, đá, gạch, cành cây, thùng xốp... dù có ích trong việc cảnh báo nhưng lại gây mất mỹ quan đô thị.

“Không khác gì những cái bẫy giao thông” là nhận định của anh T.Hòa (30 tuổi, Hà Nội). Anh nói: “Mỗi lần tham gia giao thông, tôi sợ nhất là đi những con đường đầy “ổ voi”, “ổ gà”. Mưa thì bẩn, nắng thì bụi, lại còn dễ ngã, vô cùng nguy hiểm. Tôi từng chứng kiến trường hợp một phụ nữ đi trúng vào “ổ gà” bị loạng choạng tay lái ngã lăn ra đường ngay trước mũi xe tải. May xe tải phanh kịp lại, không đúng là “họa vô đơn chí”. Nếu không khắc phục tình trạng này thì vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro khi tham gia giao thông”.

Vì sao chậm khắc phục?

Những tuyến đường xuống cấp nghiêm trọng nhiều năm không được sửa chữa, trên đường rất dễ xuất hiện nhiều “ổ voi, ổ gà”. Hơn nữa, với mật độ lưu thông cao, tình trạng xuống cấp sẽ ngày càng rõ rệt theo thời gian.

Năm 2022, Tổng cục Đường bộ Việt Nam được giao trên 2.000 tỷ đồng vốn xây dựng cơ bản và gần 10.500 tỷ đồng vốn bảo trì đường bộ. Trong đó, với các tuyến đường có tên trên bản đồ, trách nhiệm duy tu thuộc về Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh. Việc duy tu, sửa chữa, nâng cấp các ngõ, ngách được giao cho UBND cấp huyện thực hiện hàng năm.

Nhưng tình trạng “ổ voi, ổ gà” vẫn tồn tại, thậm chí có nơi xuất hiện nhiều hơn, cho thấy thực trạng cân đối vốn tại một số cơ quan được cấp vốn bảo trì đường bộ chưa thực sự hiệu quả. Nguyên nhân có thể bắt nguồn từ việc giao dự toán chậm hoặc không sát thực tế, dẫn đến phải điều chỉnh nhiều lần. Vì vậy có khi đến cuối năm vẫn dư ngân sách nhưng không thể chuyển sang nhiệm vụ chi cho năm sau.

Bên cạnh đó, nhiều đoạn đường dù năm nào cũng có đơn vị duy tu đến sửa chữa, nâng cấp liên tục nhưng chỉ một thời gian sau lại xuống cấp. Thông thường trách nhiệm chính thuộc về Ban Duy tu các công trình hạ tầng giao thông trực thuộc Sở Giao thông Vận tải cấp tỉnh và đơn vị giám sát thi công. Tuy nhiên, việc “vá víu” nhiều lần vẫn xuống cấp thường do áp lực giao thông quá tải, hoặc do vừa sửa đoạn này thì đoạn khác lại xuống cấp mỗi khi thời tiết xấu.

Để bảo đảm an toàn giao thông trên các tuyến đường chưa được sửa chữa kịp thời, nhiều nơi phải thực hiện các biện pháp cảnh báo cho người và xe tham gia giao thông như hàng rào, biển báo, đèn cảnh báo... Tuy nhiên, nguy hiểm từ những con đường đầy “ổ voi, ổ gà” vẫn rình rập người tham gia giao thông.

Đọc thêm

Đề xuất cần sát với thực tế

Ảnh minh họa
(PLVN) - Tại Hội thảo “Quản lý tốc độ giao thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP HCM” do một đơn vị thuộc UBND TP HCM tổ chức mới đây, đề xuất giới hạn tốc độ 30 - 50km/h tại một số khu vực nội đô TP đã nhận được nhiều ý kiến phản ứng từ dư luận.

Ý kiến giới hạn tốc độ 30 - 50 km/h tại nội đô TP HCM: Sở Giao thông vận tải nêu quan điểm

Ảnh minh họa: Internet
(PLVN) - Nếu giới hạn tốc độ 30 - 50km/h khu nội đô sẽ góp phần giảm tai nạn giao thông (TNGT), tăng sự an toàn cho người đi bộ, xe đạp. Ý kiến được đại diện Ban An toàn giao thông (ATGT) TP HCM đưa ra tại Hội thảo “Quản lý tốc độ giao thông - Kinh nghiệm quốc tế và vận dụng tại TP HCM”, ngày 28/11.

5 sân bay sắp thu phí không dừng với ô tô ra vào

Taxi, xe công nghệ vào đón trả khách ở sân bay Tân Sơn Nhất, tháng 1/2023. Ảnh: VNE
(PLVN) - Ngày 27/11, đại diện TCty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) cho biết doanh nghiệp đã phê duyệt báo cáo đầu tư và kế hoạch chọn nhà thầu thu phí tự động áp dụng tại 5 cảng hàng không Nội Bài, Cát Bi, Đà Nẵng, Phú Bài và Tân Sơn Nhất. Sau khi hoàn thành đấu thầu, nhà thầu sẽ lắp đặt thiết bị, dự kiến hoàn thành hệ thống ETC vào giữa năm 2024.

Có nên sửa quy định về nồng độ cồn?

Ảnh minh họa (Ảnh Vnexpress)
(PLVN) - Ngày 24/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, thảo luận tại hội trường về dự án Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ, nhiều ý kiến tranh luận sôi nổi về vấn đề nồng độ cồn khi lái xe.

Nhanh một giây, mất một đời

Các đại biểu dành một phút tưởng niệm các nạn nhân bị tử vong do tai nạn giao thông.
(PLVN) - Dù trong thời gian gần đây, số lượng các vụ tai nạn giao thông (TNGT) đã giảm đáng kể, công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm giao thông ngày càng được đẩy mạnh và duy trì, nhưng chúng ta vẫn không lơ là với “tử thần” rình rập trên đường.