Thị trường âm nhạc Việt Nam nhiều năm nay đã “du nhập” nhiều xu hướng, phong cách mới. Do vậy, việc phát hành một sản phẩm âm nhạc đơn lẻ như đĩa đơn hay MV giờ đây chưa đủ để làm nên chân dung âm nhạc của một nghệ sĩ. Điều này phần nào giải thích nhiều ca sĩ trẻ mặc dù đã hoạt động lâu trong nghề, có lượng người hâm mộ hùng hậu nhưng vẫn bị đánh giá là chưa có bản sắc âm nhạc.
Không chỉ là “cuộc chơi” của ca sĩ kì cựu
Suốt một thời gian dài, chỉ có một số ca sĩ hạng A của thị trường nhạc Việt duy trì loại hình album. Mặc dù loại hình album trong những nền âm nhạc lớn trên thế giới đóng vai trò xác định dấu ấn âm nhạc của một ca sĩ chuyên nghiệp, nhiều ca sĩ trẻ trong showbiz Việt lại không mấy “mặn mà” với loại hình này. Tuy nhiên, suy nghĩ này đang dần thay đổi.
Sau thành công của album “Hoàng” của Hoàng Thuỳ Linh năm 2019, từ đầu năm nay, thị trường nhạc Việt trở nên sôi động hơn khi các ca sĩ trẻ bắt tay vào làm các album hay EP (đĩa mở rộng), gây được tiếng vang trong cộng đồng yêu nhạc.
Diva Thanh Lam “tái xuất” với album âm nhạc. |
Đáng chú ý, album “DreaAMEE” của cô ca sĩ 10X AMEE đã được giới chuyên môn và dư luận đánh giá cao cả về chất lượng âm nhạc lẫn hiệu ứng hình ảnh. Dù vậy, trong lớp nghệ sĩ mới ra mắt, AMEE là gương mặt duy nhất dám “dấn thân” vào loại hình album, cả phát hành online và đĩa vật lý.
Những album khác ra mắt trong năm nay thuộc về những nghệ sĩ đã có tên tuổi lâu năm trong nghề. Ví dụ, album “Ở trọ” của Hà Lê đã thành công đưa vào chất liệu jazz, R&B, chill-out, EDM để làm mới nhạc Trịnh, thành phẩm này mới chỉ được phát hành online. Một album khác là “Trọn một kiếp yêu” của Đức Tuấn hợp tác cùng ca sĩ Hồng Nhung, Ngọc Khuê, nhạc sĩ Đức Trí. Diva Thanh Lam cũng “tái xuất” với album “Nơi gặp gỡ tình yêu” thuộc thể loại trữ tình – cách mạng pha trộn phong cách pop, jazz, rock.
Còn về loại hình EP, tức đĩa mở rộng, có thể kể đến EP “Tâm trạng tan chậm một chút” của Bích Phương hay “Colours” của nhạc sĩ Hứa Kim Tuyền. Về cuối năm nay, khán giả đang mong đợi nhiều dự án album khác từ các ca sĩ Việt.
Đáng lưu tâm là album “Chúng ta” của Sơn Tùng M-TP và album “TT1” có sự hợp tác của Tóc Tiên – Tùng Dương. Album cũng là lựa chọn hàng đầu của một số giọng ca indie nổi bật, đó là Ngọt với “3 (Tuyển tập nhạc Ngọt mới trẻ sôi động 2019)” và Cá hồi hoang với “Hiệu ứng trốn chạy” (2019).
Album “Trọn một kiếp yêu” của Đức Tuấn. |
Khách quan mà nói, số lượng album ra mắt vẫn chưa thấm vào đâu với số lượng MV. Trong một bài phỏng vấn, ca sĩ Hà Lê đã từng chia sẻ chi phí anh làm một album rẻ hơn nhiều so với chi phí đầu tư của các MV âm nhạc đình đám hiện giờ. Tuy nhiên, thể loại album không hề “dễ xơi” đối với lớp nghệ sĩ trẻ.
Ví dụ, album “Inner Me” của Vũ Cát Tường năm 2019 dù được sản xuất theo công nghệ phòng thu của Mỹ, phát hành song ngữ, ghi nhận dấu ấn trong sự nghiệp của giọng ca sinh năm 1992, nhưng album này lại không đạt được hiệu ứng rầm rộ như xu hướng MV. Dù vậy, nữ ca sĩ vẫn được giới chuyên môn đánh giá cao và sự hưởng ứng nhiệt tình từ cộng đồng người hâm mộ trung thành.
Có thể thấy, điểm chung của những nghệ sĩ theo đuổi loại hình MV là sự tập trung nhiều hơn vào chất lượng âm nhạc thay vì “tranh tài” trên “đấu trường” MV, giành giật lượt view, lượt like. Điểm khó của loại hình album là phải có một ý tưởng (concept) xuyên suốt toàn album nhưng vẫn phải đảm bảo nội dung mỗi bài hát là cá biệt, hiệu ứng âm thanh và hình ảnh chỉn chu, gây ấn tượng, nhằm thể hiện rõ ràng nhất phong cách và màu sắc âm nhạc của người ca sĩ.
Thiếu vắng sáng tác đi vào lòng người
Không chỉ dừng ở tư duy thể hiện bản sắc âm nhạc, để có một album chất lượng, mấu chốt là phải có những bài hát hay cả về ca từ và âm điệu.
Không thể phủ nhận, nền âm nhạc Việt Nam đã và đang có lực lượng sáng tác hùng hậu. Thế hệ “cây đa cây đề” nhắc tới Nguyễn Văn Thương, Nguyễn Đình Tấn, Trần Tiến, Nguyễn Cường, Phó Đức Phương, Dương Thụ… Sau này là những tác giả trẻ hơn như Đỗ Bảo, Giáng Son, Lưu Thiên Hương, Hồ Hoài Anh, Sa Huỳnh… mang đến nhiều tác phẩm cảm xúc cho khán giả.
Còn nói đến thế hệ trẻ nhất, có thể kể ra những tên tuổi đình đám như Khắc Hưng, Phan Mạnh Quỳnh, Kai Đinh, Tiên Tiên, Nguyễn Đình Vũ, Sơn Tùng MTP, Tiên Cookie, Rhymastic… Chưa kể, càng nhiều người trẻ mong muốn “bước chân” vào lĩnh vực sáng tác âm nhạc.
Hà Lê “mạnh dạn” ra hẳn album nhạc Trịnh đương đại. |
Trả lời báo chí, PGS.TS Đỗ Hồng Quân – Chủ tịch Hội Nhạc sĩ Việt Nam đưa ra đánh giá: “Có một thực tế, hiện nay nhiều người viết nhạc nhưng... không biết nhạc. Đây là hiện tượng có thật, bởi các tác giả trẻ đa phần chạy theo xu hướng. Sáng tác của họ căn cứ vào lượng yêu thích, lượt view, lượng người hâm mộ và rộng hơn là theo thị trường”.
Quả thực, đề tài của nhạc trẻ bao nhiêu năm vẫn chỉ xoay quanh các mô-típ tình yêu, tình bạn, học đường. Trong hoạt động âm nhạc hiện nay thiếu vắng những tác phẩm khai phá chiều sâu nhân văn của con người, xã hội, đất nước Việt Nam; tính chuyên nghiệp trong sáng tác chưa cao; chưa định hình rõ nét được xu hướng, dòng nhạc.
Nhiều nhạc sĩ trẻ chỉ viết các ca khúc thị trường nhằm đáp ứng thị hiếu người nghe, thậm chí không hề biết đến những dòng nhạc khác như nhạc kinh điển, nhạc truyền thống, nhạc dân gian… hoặc nếu có chỉ biết qua loa, không có sự nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng.
Do vậy, trong hàng nghìn ca khúc mới được ra mắt nhiều năm nay, giới chuyên môn về nhạc vẫn chưa nhìn nhận được một tác phẩm đỉnh cao nào, như những tác phẩm thời kỳ trước của âm nhạc Việt. Sáng tác nhạc trẻ hiện tại đang quá đề cao tính giải trí đơn thuần, buông lỏng chất lượng, coi nhẹ tính giáo dục và tính thẩm mỹ. Chưa kể, còn có một bộ phận nhạc trẻ “sính ngoại”, đạo nhái các tác phẩm, phong cách nhạc nước ngoài. Nhưng so với nền âm nhạc trẻ của thế giới, sáng tác nhạc trẻ Việt vẫn còn bị bỏ xa.
Thiết nghĩ, nền nhạc trẻ hiện nay vẫn còn quá ít các sản phẩm âm nhạc đình đám, có sức lan toả, vang vọng lâu dài, để làm nên chân dung âm nhạc của một nghệ sĩ. Đây là một “nút thắt” trong thị trường âm nhạc Việt Nam hiện nay.