Biết rõ dự án chưa hoàn tất thủ tục đầu tư và hơn 17 ha đất có nguồn gốc là đất an ninh quốc phòng chưa tiến hành chuyển đổi, nhưng Trại giam số 5 (Bộ Công an) vẫn “lặng thinh” để đối tác khởi công dự án.
Quy trình ngược
Trong số báo ra ngày 1/3/2012, chúng tôi đã phản ánh tình trạng “đốt cháy” giai đoạn đầu tư trong quá trình triển khai Dự án Nhà máy gạch T5 của Công ty Cổ phần Đầu tư phát triển công nghệ Xây dựng A-D (Cty A-D) liên kết với Trại giam số 5 thuộc Tổng cục VIII (Bộ Công an) tại Thanh Hóa.
Cụ thể, ngày 16/9/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa có Văn bản số 6184 đồng ý về mặt chủ trương, địa điểm triển khai dự án; ngày 21/12/2011, UBND tỉnh Thanh Hóa cấp Chứng nhận đầu tư cho dự án; ngày 29/12/2011, Trại giam số 5 có văn bản gửi Tổng cục VIII xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng đất phục vụ dự án Nhà máy gạch T5. Đáng nói là, trước khi ba văn bản trên được ban hành, tháng 8/2011, Cty A-D đã phát lệnh khởi công dự án. Thậm chí, việc xây dựng nhà máy còn hoàn thành trước cả thời điểm Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Lê Định Thọ ký, cấp phép đầu tư.
Về việc này, ông Phạm Ngọc Dân - đại diện Cty A-D - thừa nhận với PLVN: “Tại thời điểm san lấp mặt bằng dự án, Cty mới gửi một số văn bản lên tỉnh và lúc đó, tỉnh mới giao các ban, ngành chức năng tiến hành xem xét, thẩm tra chứ chưa quyết ngay”.
Tuy nhiên, ông Dân cũng nói rằng “với tư cách là một nhà đầu tư, chúng tôi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết như lập dự án, báo cáo đánh gia tác động môi trường được Sở Tài nguyên và Môi trường Thanh Hóa duyệt.”. Trả lời câu hỏi vì sao chưa hoàn tất các thủ tục pháp lý về đất đai, chưa được cấp thẩm quyền cấp Chứng nhận đầu tư, Cty vẫn động thổ dự án, ông Dân nói: “Cái đấy là chủ trương của Bộ Công an”(?).
Hợp thức hóa thủ tục
Trao đổi với PLVN về dự án này, Đại tá Nguyễn Xuân Phòng - Phó Cục trưởng Cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục VIII, Bộ Công an) từng cho biết, Tổng cục Cảnh sát Thi hành án hình sự và Hỗ trợ Tư pháp được Bộ Công an giao quản lý, sử dụng một số lượng lớn về nguồn nhân lực lao động và đất đai chủ yếu nằm ở vùng rừng núi và vùng sâu, xa…
Với đặc thù này, Bộ có chủ trương cho Tổng cục được liên kết với các doanh nghiệp để đầu tư xây dựng cơ sở sản xuất cho phạm nhân lao động, học nghề và cải tạo phục vụ tái hòa nhập cộng đồng. Nhà máy gạch T5 triển khai là để cụ thể hóa chủ trương đó.
Vì vậy, tại thời điểm tháng 2/2012, ông Phòng đã xác nhận với PLVN: “Trại 5 đang tiến hành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng đất”. Điều này càng khẳng định, quá trình triển khai dự án, Cty A-D đã thực hiện theo quy trình ngược - tức triển khai dự án trên thực địa trước, hoàn thiện hồ sơ, thủ tục pháp lý sau. “Thú thực, là nhà đầu tư, chúng tôi chỉ lo vốn, thiết bị. Các thủ tục còn lại về đất đai, Trại 5 và Tổng cục VIII tiến hành” - ông Dân cho hay.
Được biết, trong Hợp đồng Hợp tác liên kết đầu tư ký giữa hai bên, Trại Giam số 5 bố trí 17,2ha đất tại trại này để Cty A-D xây dựng nhà máy và làm vùng nguyên liệu. Hơn hai tháng sau khi hợp đồng được ký, doanh nghiệp đã đưa đất vào sử dụng. Nhưng khi đó, các thủ tục về chuyển đổi mục đích sử dụng đất vẫn chưa được tiến hành xong. Thực tế, ngày 29/12/2011, Thượng tá Lường Văn Tuyến - Giám thị Trại giam số 5 - mới có Công văn số 38T5 gửi Cục Hậu cần - Kỹ thuật (Tổng cục VIII) báo cáo để xin chủ trương chuyển đổi mục đích sử dụng diện tích đất này.
Nếu căn cứ về mặt thời điểm, việc ban hành văn bản nói trên của Trại giam số 5 thực ra là để hợp thức hóa cho hành vi “đốt cháy” giai đoạn trong quá trình thực hiện dự án Nhà máy gạch T5 của Cty A-D mà Trại này là một bên đối tác?.
“Trường hợp chuyển mục đích sử dụng đất trong nội bộ đất quốc phòng, an ninh theo quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất vào mục đích quốc phòng, an ninh đã được xét duyệt thì đơn vị sử dụng đất phải xin chuyển mục đích sử dụng đất tại Sở Tài nguyên & Môi trường kèm theo ý kiến bằng văn bản của Bộ Quốc phòng, Bộ Công an” - trích Nghị định 181/2004/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Luật Đất đai. |
Tuấn Anh