[links()]Kỳ 3: Ai gánh chịu thiệt hại?
Hành vi lật lọng của bà Phan Hòa Băng Tuyền không những xâm phạm đến quyền lợi của nhóm ông Thái Vũ Hòe mà còn gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho Cty NIVL và Cty Hưng Thịnh. Những “nạn nhân” này đã gửi đơn đến các cơ quan chức năng của tỉnh Tây Ninh đề nghị xử lý theo pháp luật những sai phạm của DNTN Vạn Thông và bà Tuyền. Hiện Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh đã vào cuộc điều tra.
Ông Nguyễn Quang Hợp- đại diện công ty Hưng Thịnh đang kể lại câu chuyện với phóng viên báo Pháp Luật Việt Nam. |
Quá trình điều tra vụ việc này, chúng tôi được biết Cty NIVL (một doanh nghiệp Ấn Độ) đã đầu tư dự án trồng mía 1529,9 ha tại xã Ninh Điền, huyện Châu Thành, tỉnh Tây Ninh từ năm 1998 và đã đầu tư hàng triệu USD để cải tạo đất, xây dựng đê bao, cơ sở hạ tầng, hệ thống tưới tiêu và nhà máy để biến vùng đất hoang hóa, sình lầy thành một nông trường hiện đại như ngày hôm nay. Tiếp phóng viên báo PLVN, ông Nandaa Kumar, Chủ tịch HĐQT Cty NIVL cho biết quan điểm của NIVL là nhanh chóng chuyển nhượng dự án để lấy tiền đầu tư dự án khác, thế nhưng hiện nay do việc làm của DNTN Vạn Thông khiến NIVL chưa nhận được số tiền còn lại gần 70 tỷ đồng, còn Hưng Thịnh đã chính thức đưa người vào tiếp quản toàn bộ nông trường từ ngày 6/10/2011.
“DNTN Vạn Thông đã làm ảnh hưởng và thiệt hại rất lớn đến kế hoạch đầu tư kinh doanh của chúng tôi. Chúng tôi đề nghị các cơ quan chức năng tỉnh Tây Ninh làm rõ những sai phạm của DNTN Vạn Thông đồng thời có biện pháp xử lý những sai phạm đó, nghiêm trị những doanh nghiệp làm ăn gian dối, tạo thuận lợi cho những doanh nghiệp làm ăn chân chính, giúp cho chúng tôi, những nhà đầu tư nước ngoài, yên tâm đầu tư lâu dài tại Việt Nam”, ông Nandaa Kumar nói.
Còn ông Nguyễn Quang Hợp, đại diện Cty Hưng Thịnh cho biết khi bà Phan Hòa Băng Tuyền, chủ DNTN Vạn Thông gửi văn bản yêu cầu Cty Hưng Thịnh chuyển khoản 1 triệu USD vào tài khoản của DNTN Vạn Thông thì ông biết rõ dã tâm và ý đồ chiếm đoạt tài sản của bà Tuyền.
“Tôi biết rõ nội tình sự việc, nên tôi không đồng ý việc làm đó, vì nếu tôi làm theo văn bản đó là tiếp tay cho ý đồ chiếm đoạt tài sản của bà Tuyền. Tôi làm việc với cái tâm nên không thể đồng lõa cùng cái bậy bạ của bà Tuyền được. Khi tôi làm việc với Vạn Thông lúc nào cũng có nhóm anh Thái Vũ Hòe, nên tôi nói với bà Tuyền là tôi chỉ đồng ý giao tiền nếu có ý kiến của 3 anh kia. Nhiều lần tôi và nhóm anh Hòe mời bà Tuyền đến công ty tôi nhận tiền mặt thì bà Tuyền đều không đến, rồi gây khó khăn cho việc làm thủ tục của công ty chúng tôi”, ông Hợp bức xúc nói.
Mặc dù đã thanh toán cho phía Cty NIVL và Vạn Thông hơn một nửa số tiền phải thanh toán theo hợp đồng nhưng vì DNTN Vạn Thông gây khó khăn nên cho đến nay Hưng Thịnh vẫn chưa đứng tên chủ đầu tư dự án như Hợp đồng và Phụ lục đã ký kết. Ông Hợp cho biết công ty của ông sẽ thanh toán ngay số tiền còn lại nếu Vạn Thông làm thủ tục để chúng tôi được cấp giấy tờ làm chủ dự án theo quy định của pháp luật.
Được biết sau khi có đơn khiếu nại của Hưng Thịnh, theo chỉ đạo của UBND tỉnh Tây Ninh, Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh đã tổ chức cuộc họp liên ngành gồm Công an, Sở Tư pháp, Thanh tra, Sở TN&MT cùng nhóm đầu tư, Cty NIVL và Cty Hưng Thịnh để tìm hướng tháo gỡ vụ việc. Phòng cảnh sát điều tra tội phạm kinh tế Công an tỉnh Tây Ninh cũng đã triệu tập các bên liên quan để lấy lời khai.
Về việc làm thủ tục cho HƯng Thịnh thì ngày 16/1/2012 Sở KH&ĐT tỉnh Tây Ninh có văn bản gửi Cty Hưng Thịnh nêu rõ “Sở KH&ĐT chưa xem xét, tham mưu UBND tỉnh chủ trương chuyển nhượng dự án theo đề nghị của Cty NIVL cho Cty Hưng Thịnh. Khi nào các bên giải quyết xong tranh chấp, sở KH&ĐT sẽ tham mưu UBND tỉnh theo quy định”.
Như vậy thì đã rõ, chỉ vì bội tín, lật lọng, bà Phan Hòa Băng Tuyền đã gây ra thiệt hại cho nhóm đầu tư của ông Thái Vũ Hòe, Cty NIVL và cả Cty Hưng Thịnh. Hiện nay cơ quan công an đang điều tra vụ việc, báo PLVN sẽ tiếp tục theo dõi để thông tin đến bạn đọc.
Tiến sĩ - Luật sư Phan Trung Hoài: “Lợi nhuận được hưởng theo tỷ lệ góp vốn” Theo điều 13 Luật Đầu tư, đây thực chất là một trong những hình thức đầu tư trong nước. Đó là việc nhà đầu tư trong nước bỏ vốn bằng tiền và các tài sản hợp pháp khác để tiến hành hoạt động đầu tư tại Việt Nam. Theo điều 9 Nghị định số 108 ngày 22/9/2006, hợp đồng hợp tác kinh doanh được ký giữa các nhà đầu tư trong nước để tiến hành đầu tư, kinh doanh thực hiện theo quy định của pháp luật về hợp đồng kinh tế và pháp luật có liên quan. Các thỏa thuận do các bên thiết lập nói trên cũng được coi là được giao kết một cách tự nguyện, bình đẳng, phù hợp với các nguyên tắc giao kết dân sự được quy định tại điều 389 Bộ luật Dân sự năm 2005. |
Nhóm phóng viên