Câu thơ dung dị như lời tâm tình hàng ngày của người lính với "bạn đặc biệt" cùng sống và tham gia bảo vệ quần đảo thiêng liêng của Tổ quốc. Nói như một số anh lính, những chú chó ấy vừa như là đồng chí, lại vừa như là "người yêu" trong thời gian họ ở đảo...
Thi phẩm tự nhiên từ tiêu đề trở đi, mà vào thẳng lòng người:
BƠI VÀO ĐI
Bơi vào đi, Vàng ơi, tao về đây
Đừng ra xa, thân thể mày bé lắm
Sóng thì to, nước biển kia rất mặn
Mày cứ bơi ra, sao tao thể cầm lòng...
Bơi vào đi, Vàng ơi, có nghe không
Mày quyến luyến làm lòng tao chợn sóng
Đại dương mênh mông, thân thể mày bé bỏng
Cứ ngước về tàu, sao tao thể cách xa...
Bơi vào đi, Vàng ơi, quay lại nhà
Tao phải về thôi bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết đêm qua mày mất ngủ
Cứ liếm tay tao, sợ tao trốn mày về
Đừng vậy nữa mà, Vàng ơi, tao thương ghê
Thương những đêm tao và mày đứng gác
Gió bão từng cơn mày vẫn không sai khác
Phủ phục canh me bọn cướp biển chực chờ
Về đi mày, đừng bơi nữa, tao nhờ
Tao xin lỗi, bởi đã xong nghĩa vụ
Và tao biết chừng ấy vẫn chưa đủ
Nhưng phải vào bờ, anh em khác ra thay
Về đi mày,
đừng bơi nữa,
mắt cay...
Bài thơ làm rung lên biết bao cảm xúc, gợi biết bao hồi ức, liên tưởng về cuộc sống ở Trường Sa, nhất là với những "cư dân mạng" từng có thời gian cống hiến, từng may mắn tới đây...
Không ít người "thốt" lên: "Cảm động quá..."; "Thương quá! Đến Trường Sa rồi mới biết họ quyến luyến nhau thế nào", "Thơ hay và 2 con vàng thật là cảm động quá"; "Cảm động qua vàng ơi"; "Rất hay và ý nghĩa!"; Xúc động quá! Mình ra Trường Sa nhiều lần nên rất hiểu!"; "Yêu 2 chú chó quá"...
Lời thơ và hình ảnh rất thực, giản dị mà giúp người mới được nghe, được thấy Trường Sa qua sách vở, báo chí cảm nhận rõ hơn về Trường Sa, dường như cảnh và vật Trường Sa gần gũi họ hơn rất nhiều.
Chú chó đảo bỗng được nhân cách hóa trong lòng họ: "Đọc mà cảm động quá thương quá hai cậu vàng ơi"; "Yêu hai chú vàng quá đi"...