Sau 3 tháng thực hiện thí điểm, TP HCM vừa tổ chức hội nghị sơ kết hoạt động của các Trung tâm Hòa giải các vụ kiện dân sự, hành chính đặt bên cạnh Tòa án.
Tín hiệu khả quan là gần 5.000 vụ việc chuyển từ Tòa án qua đã được tiến hành giải quyết, nổi bật là có đến 83% các vụ ly hôn đã hòa giải thành. Bên cạnh đó, chỉ có 27% các vụ kiện hành chính được hòa giải, lý do là người bị kiện (chính quyền) không chấp nhận đến Trung tâm hòa giải hoặc vắng mặt.
Không có gì là mới trong chuyện này, các vụ án hành chính do người dân khởi kiện đều có tình trạng người bị kiện (đứng đầu UBND) ít khi có mặt tại phiên tòa khi bị triệu tập, tìm đủ lý do để trì hoãn, cử cấp dưới đi thay. Cán bộ lãnh đạo xem thường pháp luật, thiếu tôn trọng quyền công dân như vậy thì làm sao khuyên bảo dân tuân thủ pháp luật được?.
Tình trạng này khá phổ biến và mới đây, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân cảnh báo: "Cán bộ lãnh đạo phải biết sợ dân khi họ không hài lòng" (phát biểu tại buổi gặp mặt báo chí chiều tối ngày 2/4/2019).
Không sợ dân nên ngay cả các bản án có hiệu lực pháp luật bên chính quyền thua kiện cũng không chịu tự nguyện thi hành. Một lão nông ở huyện Núi Thành (Quảng Nam) có 6,7 ha rừng được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất mà bất ngờ bị UBND huyện lấy mà không thông báo gì cho ông, cấp cho doanh nghiệp sử dụng khai thác vào năm 1998.
Sau mấy chục năm trời khiếu nại và kiện ra tòa, ông lão "thắng kiện" nhưng cho đến hôm nay huyện vẫn không chịu thi hành bản án phúc thẩm đã có hiệu lực đó. Ai cho các cán bộ lãnh đạo ấy cái "đặc quyền" được phớt lờ pháp luật, không thực thi nghĩa vụ và trách nhiệm của mình?.
Tương tự, Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức (Hà Nội) khi đương chức đã ký cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho "đất ma", đối tượng trục lợi ở hành vi vi phạm pháp luật này hàng trăm cây vàng, người dân thì bị lừa khốn khổ mà người gây ra hậu quả này về hưu an toàn, “lọt lưới” pháp luật. Không để cho việc cán bộ lãnh đạo được hưởng "đặc quyền" vi phạm pháp luật mà không bị xử lý, vừa qua, Văn phòng Chính phủ đã có công văn đề nghị Thành ủy Hà Nội và các cơ quan chức năng xem xét và xử lý những người vi phạm, kể cả sự chậm trễ của Công an sở tại trong việc thụ lý vụ án này, không để "lọt người, lọt tội".
Bên cạnh những "đặc quyền" xem nhẹ pháp luật này, các biểu hiện khác như sử dụng xe công, nhà cửa, đất đai,... không đúng quy định cũng khá phổ biến. Mới đây, báo chí phát hiện ông Phó Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình sử dụng xe công biển số 80 (ông không được tiêu chuẩn đó), đồng thời, xe đó có 2 biển số khác nhau. Sao ông ta lại có "đặc quyền" này mà những người chung quanh làm ngơ hoặc đồng lõa?.
Những "đặc quyền" vừa dẫn trên đây là do lộng quyền mà ra. Không pháp luật nào cho phép cả!