Theo số liệu Hiệp hội Bất động sản TP HCM (HoREA) vừa công bố, chỉ tính riêng 60 dự án thuộc 16 tập đoàn và DN đầu tư trên địa bàn đã có hơn 30 ngàn căn nhà và căn hộ officetel bị chậm cấp “sổ hồng”.
“Lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ”
Trước tiên, có một “mẫu số” chung ở tất cả các dự án bị chậm cấp sổ, người thiệt thòi đầu tiên vẫn là khách hàng, dân cư.
Tại chung cư Lexington (đường Mai Chí Thọ, phường An Phú, Quận 2, do Novaland làm chủ đầu tư), bà Hồ Thị Vinh (58 tuổi, căn hộ LP08.04) cho biết đã nhận căn hộ từ năm 2016, nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ hồng. “Vợ chồng tôi đều đã nghỉ hưu, bỏ ra hơn 2 tỷ đồng đặt mua căn hộ từ nhiều năm trước nhưng giờ đây vẫn bất an dù sống trong căn hộ của mình”, bà Vinh nói.
Bà Vinh cho rằng “cuộc sống khốn khổ” khi không có “sổ hồng”: “Việc chậm trễ cấp sổ hồng ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng cuộc sống người dân, đặc biệt những người cao tuổi như chúng tôi. Thứ nhất, dành dụm cả cuộc đời mới có khoản tiền mua căn hộ, vậy mà sống trong căn nhà của mình vẫn nơm nớp lo lắng. Hôm nay nghe tin đồn này, mai nghe tin đồn kia, lúc nào cũng thấp thỏm lo sợ cuối đời lại phải ra đường.
Thứ hai, không có sổ hồng ảnh hưởng đến quyền định đoạt tài sản, muốn thế chấp không được, chuyển nhượng thì khó khăn...
Thứ ba, một số người không chịu đựng được việc chậm trễ nên căng băng rôn phản đối, làm hình ảnh đô thị nhếch nhác, an ninh không đảm bảo, gây tâm lý căng thẳng. Rồi có người đưa kiến nghị, có người lại tìm luật sư nhờ khiếu kiện, có người tổ chức “biểu tình”... Đây là lỗi của các cơ quan chức năng, nhưng hậu quả lại do người dân và chủ đầu tư gánh chịu”.
Cùng cảnh ngộ, anh Trần Kim Phú (SN 1990, căn hộ A16-17, Chung cư Lavita Garden, phường Trường Thọ, quận Thủ Đức, do Hưng Thịnh làm chủ đầu tư) lo lắng: “Gia đình tôi nhận nhà từ năm 2018 nhưng đến nay vẫn chưa được cấp sổ. Ở đây nhiều gia đình đều mua trả góp, dành dụm mãi mới được cái nhà nên đều mong ngóng có sổ cho yên tâm. Như vợ chồng tôi phải vay mượn đủ kiểu được gần 2 tỷ dốc vào mua nhà, giờ vừa ráng làm trả nợ, vừa lo lắng nhà nhận lâu rồi mà không có sổ, lỡ có chuyện gì thì chúng tôi không biết làm sao?”.
Tại chung cư Rivergate (đường Bến Vân Đồn, phường 6, Quận 4, do Novaland làm chủ đầu tư), sau khi nhận nhà từ năm 2018 nhưng chưa có sổ, bản thân các cư dân tại đây cũng đã “tự cứu mình”, nhưng làm hết cách mà vẫn chưa thấy tia hi vọng.
Một thành viên Ban quản trị khu nhà cho hay Ban đã nhiều lần họp và thống nhất gửi công văn đến các đơn vị liên quan đề nghị giải quyết sớm như Sở TN&MT, Cục Thuế, UBND TP, Thành ủy. Nhưng chỉ có chủ đầu tư Novaland và Cục Thuế trả lời, cho hay thủ tục đang “kẹt” bên Sở TN&MT. Còn lại các cơ quan khác chưa thấy một lần phản hồi, dù với riêng Sở TN&MT, cư dân tại đây đã nhiều lần gửi văn bản.
Chủ đầu tư: “Chúng tôi cũng là nạn nhân”
Vì sao lại có tình trạng chậm cấp sổ nêu trên? Hệ thống pháp luật về đất đai được đánh giá có cả một “rừng” văn bản, vậy phải chăng lỗi đến từ chủ đầu tư?
PLVN đã liên hệ với một đơn vị được HoREA nêu ra có hàng chục dự án với hàng ngàn căn hộ bị chậm cấp “sổ hồng”. Câu trả lời được đưa ra khá bất ngờ.
Đại diện doanh nghiệp cho hay: “Nhiều năm nay chúng tôi đã đề nghị TP HCM xin được nộp tiền, xin được gỡ vướng, xin được giải quyết cấp sổ cho cư dân và chúng tôi làm văn bản cam kết chịu mọi trách nhiệm nghĩa vụ phát sinh sau này nhưng vẫn không được chấp nhận".
Theo đại diện doanh nghiệp: “Bản thân chúng tôi nhiều năm qua cũng bị mang tiếng oan bội tín. Cùng tình cảnh các cư dân, chúng tôi cũng chỉ là nạn nhân.
Trở lại với sự kiện HoREA công bố số liệu sổ hồng chậm cấp, chỉ vài ngày sau, Sở TN&MT TP HCM đột nhiên tổ chức “lễ trao 1.000 sổ hồng cho các dự án nhà ở trên địa bàn TP cho 16 đơn vị”. Tại buổi lễ, ông Nguyễn Toàn Thắng, Giám đốc Sở TN&MT cho rằng “rất thấu hiểu trước những bức xúc của DN, người dân khi bị chậm trễ cấp sổ hồng”.
“Lễ trao sổ hồng” đặc biệt và phát biểu như trên mang đến kỳ vọng đây là chuyển động tích cực bước đầu của cơ quan chức năng để giải quyết vướng mắc cho DN và người dân.
Thế nhưng một lần nữa dư luận “ngã ngửa”, khi chỉ một ngày sau HoREA đã ra văn bản “phản pháo”: Nhiều chủ đầu tư được nhận “sổ hồng” lần này cho biết là dự án đầy đủ thủ tục pháp lý, lẽ ra phải được cấp “sổ hồng” sớm hơn, nhưng đến nay mới được cấp.
“HoREA cho rằng việc tổ chức “Lễ trao 1.000 sổ hồng” cho chủ đầu tư không thực sự cần thiết và tốn kém thêm ngân sách nhà nước. Vẫn chưa có căn nhà nào thuộc 60 dự án mà HoREA đã báo cáo được cấp “sổ hồng” trong “buổi lễ”, văn bản nêu rõ.
Nhiều ý kiến cho rằng Sở TN&MT TP HCM tổ chức “buổi lễ trao 1.000 sổ hồng” hôm 15/9 là không cần thiết và tốn kém. |
Vì sao có ý kiến cho rằng Sở TN&MT TP HCM tổ chức buổi lễ trên hòng “giảm tải” áp lực của dư luận về vấn đề “sổ hồng”? Vì sao “sổ hồng” lại trở thành “ác mộng” với hàng vạn hộ dân và DN tại TP HCM? Nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính “tắc” từ khâu xác định giá đất.
Thế nhưng theo tìm hiểu của PLVN, “tắc” từ khâu xác định giá đất” chỉ là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân. Có vô vàn lý do chậm cấp “sổ hồng”, từ những dự án bị nhà đầu tư mang thế chấp ngân hàng, đến dính dáng đất công, dính dáng quá trình cổ phần hóa của các DNNN…
Còn có một nguyên nhân khác là sau hàng loạt vụ án sai phạm đất đai tại TP HCM bị phát giác, truy tố, xét xử, đã có dấu hiệu một số cán bộ tại địa phương này cứ làm là sợ sai nên nảy sinh tâm lý chây ì đùn đẩy công việc, dẫn đến việc các dự án bất động sản dù đúng hay sai cũng “đứng hình”, không được cấp sổ.
PLVN sẽ tiếp tục phản ánh trong các số báo sau.
Trong văn bản mới đây gửi UBND TP HCM, đánh giá về hệ lụy của tình trạng chậm cấp “sổ hồng”, HoREA cho hay hệ lụy thứ nhất là không đảm bảo được quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng, đồng thời gây tâm lý hoang mang, bất an cho khách hàng mua nhà.
Thứ hai, sự tắc nghẽn này làm giảm nguồn thu ngân sách nhà nước tại TP. Số thu tiền sử dụng đất bị giảm liên tục từ năm 2018 đến nay. Năm 2018, chỉ thu 16.493 tỷ đồng, giảm 21,2%. Năm 2019, thu 14.650 tỷ đồng, giảm 11,2% so với năm trước.
Trong 8 tháng đầu năm 2020, TP chỉ thu 4.453 tỷ đồng, giảm đến 52% so với 8 tháng đầu năm 2019. Điều đáng quan tâm là tỷ trọng tiền sử dụng đất trong tổng thu ngân sách của TP trong 5 năm qua chỉ chiếm 3-5%, thấp hơn rất nhiều so với các năm trước đây (thường chiếm tỷ trọng 9-10% số thu ngân sách). Nếu tháo gỡ được ách tắc tiền sử dụng đất sẽ tăng nguồn thu cho ngân sách nhà nước.
Việc chậm cấp “sổ hồng” cũng làm thiệt hại cho chủ đầu tư dự án, vì chẳng những không thu được 5% giá trị hợp đồng (còn lại), còn bị mang tiếng bội tín với khách hàng. Trong 5 năm qua, nhiều chủ đầu tư đã rất trách nhiệm và nỗ lực xin nộp tiền sử dụng đất nhưng vẫn không nộp được, nên bị tắc “sổ hồng” và bị tổn hại về uy tín thương hiệu.
Điều đáng lo ngại nhất hiện nay, việc chậm bàn giao “sổ hồng” làm phát sinh tranh chấp, khiếu kiện. Đã có nhiều trường hợp người mua nhà khiếu kiện gay gắt, phát sinh tụ tập đông người, căng băng rôn, biểu ngữ, ảnh hưởng đến an ninh trật tự. Theo HoREA, “người mua nhà là bên ngay tình, vô can, nếu đã thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo hợp đồng mua nhà thì phải được “ưu tiên” giải quyết cấp sổ hồng trước”.
Hiệp hội cũng cho rằng, cùng một mặt bằng pháp luật như nhau, nhưng các tỉnh và TP trực thuộc Trung ương vẫn giải quyết thông suốt việc cấp “sổ hồng” các dự án nhà ở thương mại, chỉ “vướng” tại TP HCM, thể hiện “bất cập” trong công tác “thực thi pháp luật”, cần được UBND TP ban hành “quy trình chuẩn” về xác định giá đất, thẩm định giá đất, ban hành quyết định tiền sử dụng đất, để các Sở, ngành phối hợp thực hiện công tác tính tiền sử dụng đất dự án nhà ở thương mại.