Anh Ngô Quỳnh Long (22 tuổi) từng là nhân viên tại cây xăng Thanh Hương tái mặt kể lại: “Tôi mới xin vào làm nhân viên bán xăng được 3 tháng thì ông chủ điều tôi lên bán hàng ở cây xăng Thanh Hương. Đêm đầu ngủ ngon nhưng mấy đêm sau đó tôi liên tiếp nằm mộng thấy một đứa trẻ là con trai chừng 3 tuổi, đầu không tóc, không mặc áo quần đến gõ cửa xin vào ngủ chung.
Đứa trẻ chui lọt qua cửa kính vào phòng khóc lóc nức nở tiếp tục van xin rằng ngoài trời lạnh quá, nó còn kêu đói nữa. Giật mình tỉnh dậy, tôi mới biết mình đang mơ, mồ hôi vã ra ướt đẫm”.
Cũng theo lời anh Long, nhiều đêm sau đó anh thắp hương cầu nguyện nhưng cứ ngả lưng nhắm mắt lại bắt gặp giấc mơ giống hệt đêm trước. Thậm chí có đêm vì quá sợ hãi, anh Long bỏ chạy sang nhà dân cạnh cây xăng kêu cứu và kể câu chuyện cho chủ nhà nghe.
Lúc này, anh nhân viên mới hay trước đó tại cây xăng này có thi thể đứa trẻ sơ sinh bị bỏ rơi. Đặc biệt đứa trẻ bị bỏ rơi là nam càng trùng khớp với chi tiết đứa trẻ là con trai mà anh Long bắt gặp trong giấc mộng. Sợ hãi, anh Long báo với chủ cây xăng về sự việc. Thanh niên này nằng nặc xin chuyển sang bán xăng ở nơi khác, nếu ông chủ không đồng ý sẽ nghỉ việc.
Chủ cửa hàng xăng dầu không tin, cho là Long nói nhảm liền cử hai nhân viên khác về đảm nhận việc bán xăng tại cây xăng Thanh Hương. Lạ rằng hai nhân viên sau anh Long cũng thường xuyên mất ngủ do bắt gặp giấc mộng tương tự. Hai người này sợ quá cũng xin chuyển cơ sở làm việc.
Những cơn ác mộng này được cho là liên quan đến câu chuyện xảy ra vào một ngày cuối năm 2009, ông chủ và nhân viên cây xăng Thanh Hương phát hiện một hài nhi được đựng trong vali.
Qua công tác khám nghiệm tử thi, xác định thi thể là bé trai đã chết trước ngày được phát hiện hơn tuần lễ. Bên trong chiếc va li còn đựng nhiều tã lót, áo quần trẻ con và một băng đĩa siêu âm màu 20 tuần tuổi được thực hiện tại một bệnh viện ở tận tỉnh Bình Dương.
Đặc biệt, cạnh thi thể đứa bé là giấy CMND mang tên Hồ Sỹ Nam (giới tính nam, SN 1989, quê xã Điền Trung, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An). Ông Trần Văn Phú, lúc đó là trưởng Công an xã Phong Thu cho biết, sau khi được người dân trình báo sự việc đã nhanh chóng có mặt tại hiên trường, phối hợp với công an huyện Phong Điền giải quyết vụ việc. Chính quyền địa phương đã tự bỏ chi phí tổ chức lễ mai táng thi thể đứa trẻ xấu số tại khu nghĩa địa cạnh cây xăng.
Những ngày đầu sau khi phát hiện chuyện đau lòng, người dân còn bàn tán xôn xao, nhưng rồi sự việc dần trôi vào quên lãng. Bẵng đi thời gian dài, đến đầu năm 2012, ông chủ cây xăng Thanh Hương đột ngột bán lại toàn bộ cây xăng mà không ai rõ lí do vì sao.
Sau khi nhiều người liên tiếp gặp cùng một giấc mơ kỳ lạ, ông Nguyễn Văn Hòa (60 tuồi) và bà Lê Thị Thu Vân là chủ cây xăng bèn đích thân tới ngôi mộ chôn cất đứa trẻ mấy năm trước cầu nguyện, đồng thời bỏ tiền túi lập ngôi miếu thờ ngay trước cây xăng.
Vợ chồng ông bà Đặng Ngọc Tông và bà Phan Thị Quyên (đều 73 tuổi, sống cạnh cây xăng) cũng ra nấm mộ thắp nhang khấn nguyện, xin lỗi đã bỏ quên cháu bé mấy năm nay.
Mấy ngày sau, vợ chồng ông Tông đã mời nhà sư cùng đạo hữu trong vùng đến làm lễ cầu siêu, đồng thời đốt áo giấy cúng dường cho vong hồn đứa trẻ xấu số. Người ta quan niệm trẻ em thác oan khó bề siêu thoát, ai nấy nhất trí làm lễ cầu hồn, đưa vong linh cháu bé về thờ tự trong chùa sẽ giúp đứa trẻ bớt đói khổ ở thế giới bên kia.
Dân làng góp công sức, tiền bạc cử hành nghi lễ cầu siêu, rước vong đứa trẻ vào thờ phụng tại chùa Phương Phú (thuộc xã Phong Thu, huyện Phong Điền). Sư cô Thích Nữ Thanh Liên đêm trước khi vào chùa Phương Phú cử hành nghi lễ cũng cho rằng nằm mộng thấy đứa trẻ.
Sau sự kiện này, cho rằng vị sư cô có duyên với đứa trẻ thác oan, địa phương đã mời sư cô Thanh Liên về làm trụ trì chùa. Sự việc được phát hiện vào ngày 14/10 âm lịch nên người dân lấy ngày này làm ngày giỗ cháu bé bị bỏ rơi.
Người ta cho rằng kể từ khi lập miếu thờ cũng như thỉnh vong hồn đứa trẻ vào chùa, không ai nằm mơ thấy cảnh tượng đứa trẻ khóc than xin vào ngủ chung với người sống nữa. Có hay không khả năng người ta “nhìn gà hóa cuốc”, người mê tín dị đoan bịa chuyện, hay vì ám ảnh thương đứa trẻ trong sự việc đau lòng nên mới nằm mộng như vậy? “Nhiều người cùng nằm mộng y hệt nhau thì lý giải sao? Bịa chuyện nhằm mục đích gì”.
Mời bạn đọc tìm câu lý giải trong Xa lộ Pháp luật số 87, hiện phát hành rộng rãi trên phạm vi cả nước!