Trong tâm thư của mình, Hồ Ái Linh cũng phân tích rõ nhược điểm của kỳ thi cũng những dẫn chứng kèm theo để nhấn mạnh việc bỏ kỳ thi tốt nghiệp là đúng. Bên cạnh đó, Ái Linh cũng phân tích thêm những điểm chưa hợp lý trong các phương án mà Bộ đã đề xuất cho năm sau vì thiếu công bằng.
Trong tâm thư, Ái Linh nói rõ lý do viết tâm thư vì là người trực tiếp trải qua 12 năm học và là người kèm cặp các em học sinh nên Linh hiểu về giáo dục Việt Nam. Vì thế, Linh cảm thấy những phương án Bộ Giáo dục và Đào tạo đề ra thiếu hợp lý và công bằng.
Linh phân tích: "Đầu tiên, cháu xin đề cập về vấn đề tổ chức kì thi quốc gia theo kiểu ba chung của bộ. Cháu nghĩ rằng những phương án mà Bộ đưa ra còn thiếu hợp lí rất nhiều chỗ. Nếu như sử dụng phương án 1, với cách tổ chức thi 3 môn bắt buộc Văn, Toán, tiếng Anh và một môn tự chọn, nó sẽ thiếu công bằng ở chỗ, những em học sinh từ lớp 10 đã định hướng theo khối D sẽ rất có lợi so với các em chọn khối ngành khác.
Hay trong môn tiếng Anh, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nói rằng: “Ngoại ngữ đúng là một công cụ, là năng lực cần phải có trong thời kỳ hội nhập”, bác nói rất đúng. Tuy nhiên, một công cụ muốn phát huy đúng hiệu quả thì phải tùy thuộc vào người dùng nó và đặc biệt là môi trường nào phù hợp nhất để dùng nó và công cụ đó có hiệu quả khi sử dụng vào công việc gì".
Ngoài ra, Linh cũng dẫn chứng thêm việc trình độ dạy tiếng Anh giữa các giáo viên nông thôn và thành phố cũng khác nhau. Do đó mà chính bản thân Linh xuất phát từ một nữ sinh ở quê lên thành phố học tập cũng bị phát âm sai tiếng Anh do được đào tạo lệch chuẩn.
Còn xét về phương thức thi môn tự chọn thì sẽ không có nhiều thí sinh chọn môn Lịch sử, trong khi đó môn Lịch sử được coi là một bộ môn đáng phải học của tất cả mỗi người dân Việt Nam. Linh viết: "Bác Hồ đã từng nói: “Dân ta phải biết sử ta /Cho tường gốc tích nước nhà Việt Nam” có lẽ nào chúng ta lại quay lưng với lịch sử bằng cách thi môn tự chọn?".
Còn những phương án khác, Linh cho rằng việc bắt đầu lên lớp 10 học sinh đã học theo cách phân ban, chia khối A, B, C,D, A1, liệu các em có thể học đều hơn 10 môn?.
Sau những lý lẽ, dẫn chứng phân tích của mình, Linh đặt câu hỏi cho Bộ trưởng: "Vậy bác cho thi tốt nghiệp 8 hay 11 môn hay chia theo tự nhiên, xã hội để làm gì? Cháu nghĩ, quan điểm của bác là không muốn học sinh học tủ, học lệch, nhưng chương trình học đã phân khối, chia ban thì việc đó là một chuyện đương nhiên, chưa kể các em không chú trọng học tất cả các môn bởi vì nhiều kiến thức dài, xa rời thực tế, nên chúng chỉ chú trọng môn mình sẽ thi đại học".
Nói về việc tổ chức kỳ thi tốt nghiệp, Linh khẳng định việc tiêu cực vẫn xảy ra trong các kỳ thi tốt nghiệp vừa qua. Do đó, để tránh áp lực và các tiêu cực xảy ra thì nên bỏ kỳ thi tốt nghiệp PTTH.
Linh đã thẳng thắn xin được đề xuất phương án cho Bộ Giáo dục và Đào tạo là: "Xét tốt nghiệp và siết chặt kì thi đại học, cao đẳng để đảm bảo tính công bằng cho các em. Để phương án này có hiệu quả, trước hết ta phải khắc phục khuyết điểm của xét tốt nghiệp đó là nạn chạy học bạ bằng cách mở lớp huấn luyện và đào tạo tư tưởng cho cán bộ giáo viên về việc đánh giá kết quả, đề ra phương pháp không trách phạt khi trường có học sinh ở lại lớp, cử thanh tra kiểm tra chất lượng môn học một cách bất thình lình thông qua bài kiểm tra, phỏng vấn học sinh rồi sau đó đối chiếu với điểm quá trình học, và có biện pháp xử lí đối với giáo viên và nhà trường khi có sự chênh lệch lớn, và khiển trách trong trường hợp nhẹ.
Thắt chặt kì thi đại học đối với các trường, ra đề thi có tính phân loại cao và có sự kiểm tra tư duy của các em một cách có khoa học, có như thế thì chất lượng giáo dục mới ngày một đi lên được. Còn số tiền tiết kiệm được từ chi phí thi tốt nghiệp chúng ta có thể dùng nó vào việc xây trường nội trú cho các học sinh miền núi, khi các em ở đó phải đi học khó khăn, luôn đối mặt với nguy hiểm, trèo đèo lội suối đến trường, hoặc chúng ta có thể dùng để trợ cấp cho các giáo viên ở miền núi, học sinh nghèo vượt khó, như vậy sẽ xứng đáng đồng tiền của nhân dân khi phục vụ mục tiêu giáo dục".
Cuối bức tâm thư của mình, Linh mong rằng bức thư sẽ được Bộ trưởng đọc và mong ước được chính thức gặp Bộ trưởng để tâm sự và chia sẻ nhiều hơn./.