Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn (71 tuổi), một cựu chiến binh ở quận Hai Bà Trưng, Pháp luật Việt Nam luôn vì mục đích phục vụ đời sống nhân dân, giúp mỗi người thực hiện tốt trách nhiệm công dân của mình, sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật.
Bản thân thực hiện tốt các quy định pháp luật trong cuộc sống hàng ngày như đảm bảo các quy định về môi trường, đô thị, đội mũ bảo hiểm khi đi xe máy, không vượt đèn đỏ..., ông Sơn đồng thời luôn nhắc nhở con, cháu mình phải tuân thủ đúng các quy định, pháp luật của nhà nước.
"Điều tôi thường xuyên nhắc nhở con cháu trong gia đình là không được có những hành vi phạm pháp. Khi ra đường cần tuân thủ đúng luật giao thông, nhường đường cho người già, phụ nữ có thai và trẻ nhỏ... Để đất nước phát triển ngày càng hiện đại, văn minh, mỗi cá nhân càng luôn phải sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật", ông Sơn nói. "Tôi thấy Ngày Pháp luật Việt Nam rất có ý nghĩa, dịp 9/11 hằng năm khắp nơi lại tưng bừng băng rôn, các phương tiện truyền thông liên tục tuyên truyền mọi người tuân thủ pháp luật. Nhờ đó, người lớn đến trẻ em đều ít nhiều hiểu được, thấm được ý nghĩa việc thực hiện các quy định pháp luật".
Ông Đoàn Đức Long luôn chấp hành đúng quy định của pháp luật từ những việc làm nhỏ nhất. |
Ông Đoàn Đức Long (phố Lý Nam Đế, quận Hoàn Kiếm) cũng ý thức cao trong chấp hành các quy định pháp luật. "Sống giữa Thủ đô, ngày nào cũng ra đường, đi qua bao ngã ba ngã tư nhưng 80 năm trong cuộc đời chưa từng một lần vượt đèn đỏ. Tôi nghĩ, chấp hành đúng pháp luật từ những hành động nhỏ như thế giúp mình sống có trách nhiệm, có kỷ luật hơn với bản thân, với cộng đồng, giúp tự bảo vệ mình trước những cám dỗ, những sai trái, làm gương cho con cháu noi theo", ông Long tự hào nói.
Ông Long cho rằng, pháp luật ngày càng được phố biến sâu rộng nhưng do ý thức hoặc những nguyên nhân chủ quan, khách quan khác nhau, có không ít người vẫn phạm luật. Ông mong muốn nhà nước cần "mạnh tay" hơn đối với các vi phạm có tính chất nghiêm trọng để đảm bảo tính răn đe.
Với chị Nguyễn Thanh Tâm, Kỹ sư kinh tế quản lý xây dựng (trú phường Thành Công, quận Ba Đình), Ngày Pháp luật khẳng định vị trí của pháp luật trong đời sống xã hội, giúp mọi người nâng cao ý thức chấp hành và bảo vệ pháp luật.
Chị Nguyễn Thanh Tâm. |
"Nhờ có Ngày pháp luật hàng năm, mọi tổ chức, cá nhân công dân chúng ta như được nhắc nhở thường xuyên hơn để tuân thủ pháp luật tốt hơn. Chúng ta tích cực tham gia mọi hoạt động xã hội với hành vi, thái độ xử sự đúng đắn hơn", chị Tâm nói.
Chị Đỗ Bình Minh, giảng viên Khoa Đào tạo Đại học, Học viện Toà án (trú phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy), nhận định, cũng như những ngày kỷ niệm lớn khác, ngày Pháp luật đã tôn vinh pháp luật, nhấn mạnh vai trò và vị trí của luật pháp trong cuộc sống hàng ngày.
Chị Đỗ Bình Minh |
Theo chị Minh: "Ngày Pháp luật có nguồn gốc gắn với ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành, qua đó, tuyên truyền, giáo dục tinh thần thượng tôn pháp luật cho nhân dân, các cơ quan tổ chức và toàn xã hội. Ngày Pháp luật càng được lan tỏa, mỗi công dân sẽ ngày càng nhận thức sâu sắc sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật thì cuộc sống của mỗi cá nhân, gia đình sẽ tốt đẹp hơn, đất nước sẽ phát triển ổn định và bền vững hơn".
Là sinh viên năm 3 của Trường Đại học Luật Hà Nội, Lương Nguyễn Tường Vy (KĐT Linh Đàm, quận Hoàng Mai) cho rằng, pháp luật Việt Nam đã có những điều chỉnh kịp thời để thích ứng với sự phát triển nhanh đi liền với những vấn đề mới phát sinh của kinh tế - xã hội đất nước, phù hợp với hội nhập quốc tế một cách toàn diện. Đặc biệt Nhà nước luôn chú trọng giải quyết vấn đề để bảo đảm tính thống nhất và đồng bộ của hệ thống pháp luật, từng bước hoàn thiện xây dựng pháp điển.
"Nói đến thực hiện pháp luật, với vai trò là sinh viên luật, bản thân tôi ý thức cao để tuân thủ, không vi phạm pháp luật, thi hành và sử dụng pháp luật một cách nghiêm chỉnh và đúng với tinh thần của luật nhất. Ngoài ra, là người nghiên cứu pháp luật, tôi luôn cố gắng tuyên truyền kiến thức của mình và mong muốn mọi người biết đến nhiều hơn các quy định của pháp luật trong đời sống", Lương Nguyễn Tường Vy nói.
Trên nhiều tuyến phố của Hà Nội được treo hàng loạt các pano, áp phích tuyên truyền về ngày Pháp luật Việt Nam 9/11. |
Anh Nguyễn Duy Kim, công tác tại đơn vị thuộc Bộ Tư Lệnh Cảnh sát Cơ động (Nguyễn Khang, Cầu Giấy) chia sẻ: "Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 như dấu mốc đặc biệt nhắc nhở mọi người thượng tôn pháp luật. Với chúng tôi, tinh thần thượng tôn pháp luật hiện hữu hằng ngày, trong từng hoạt động công tác, chiến đấu”.
Phạm Thị Nụ (sinh viên năm 3 trường Đại Học Đại Nam) cho biết, từ khi còn học Tiểu học đã được tiếp nhận những kiến thức cơ bản về pháp luật. "Qua nhiều năm học tập em đã biết nhiều hơn về những quy định của pháp luật và cũng luôn tuân thủ đúng những quy định ấy. Hơn nữa, mỗi năm, dịp Ngày Pháp luật Việt Nam 9/11 lại nhộn nhịp không khí chào mừng, tuyên truyền thượng tôn pháp luật, em và mọi người lại được nhắc nhớ nâng cao ý thức, thực hiện tốt hơn các quy định pháp luật".
9/11 hàng năm là Ngày Pháp luật Việt Nam, có nguồn gốc gắn với ngày 9/11/1946 - ngày bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam dân chủ cộng hòa được ban hành, đánh dấu mốc son trong lịch sử lập pháp của Việt Nam.
Điều 8 Luật phổ biến, giáo dục pháp luật quy định: “Ngày 9/11 hằng năm là Ngày Pháp luật nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Ngày Pháp luật được tổ chức nhằm tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội”. Cụ thể hóa Điều này, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 28/2013/NĐ-CP ngày 4/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật phổ biến, giáo dục pháp luật, trong đó quy định cụ thể nội dung, hình thức và trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức trong tổ chức triển khai thực hiện Ngày Pháp luật.
Ngày Pháp luật Việt Nam có ý nghĩa tôn vinh Hiến pháp, pháp luật, đề cao giá trị của Hiến pháp, pháp luật trong nhà nước pháp quyền, giáo dục ý thức thượng tôn pháp luật cho mọi người trong xã hội. Ngày này được coi là điểm mốc, là sợi chỉ đỏ kết nối xuyên suốt, có sức lan tỏa sâu rộng nhắc nhở, giáo dục mọi người dân tuân thủ pháp luật. Để suốt ba trăm sáu mươi lăm ngày mỗi năm, mọi tổ chức, cá nhân nghiêm chỉnh chấp hành Hiến pháp, pháp luật, thực hiện khẩu hiệu “Sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật”.