Cuộc điện đàm đầu tiên kể từ tháng 3
Các hãng tin cho biết, đây là cuộc điện đàm đầu tiên giữa 2 Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ và Trung Quốc kể từ tháng 3 năm nay. Cuộc điện đàm được tiến hành sau khi Mỹ thông báo Bộ trưởng Y tế và dịch vụ nhân sinh Mỹ Alex Azar sẽ sớm thăm Đài Loan, là quan chức Mỹ cấp cao nhất từng thăm Đài Loan kể từ năm 1979.
Trong bản tin ngắn gọn được phát đi sau cuộc nói chuyện kéo dài hơn 90 phút của những người đứng đầu Bộ Quốc phòng hai nước, hãng tin Tân Hoa xã cho biết ông Ngụy Phượng Hòa đã “bày tỏ quan điểm chủ đạo của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông, Đài Loan cũng như chuyện Washington “bêu xấu” Bắc Kinh”. Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc cũng bày tỏ lo ngại về “những bước đi nguy hiểm” có thể khiến căng thẳng song phương leo thang.
Tân Hoa xã xác nhận vấn đề Đài Loan và Biển Đông có trong nội dung thảo luận giữa 2 bộ trưởng. “Ông Ngụy yêu cầu Mỹ chấm dứt các hành động và lời nói sai trái, cải thiện việc quản lý và kiểm soát rủi ro trên biển, tránh thực hiện các động thái nguy hiểm có thể leo thang tình hình và bảo vệ hòa bình, ổn định khu vực”, Tân Hoa xã thuật lại lời Bộ trưởng Quốc phòng Trung Quốc nói.
Phía Trung Quốc tuyên bố Mỹ là bên yêu cầu mở cuộc điện đàm. Đáp lại, người đứng đầu Lầu Năm Góc khẳng định Bắc Kinh mới là người gây bất ổn khu vực. “Bộ trưởng Esper đã bày tỏ lo ngại về các hoạt động gây bất ổn của Trung Quốc trên Biển Đông và Đài Loan. Ông cũng nhấn mạnh trong điện đàm tầm quan trọng của việc Trung Quốc phải tuân thủ luật pháp, quy tắc và thông lệ quốc tế, giữ vững các cam kết quốc tế của mình”, Bộ Quốc phòng Mỹ cho biết trong một thông cáo sau bản tin của Tân Hoa xã.
Cuộc điện đàm diễn ra giữa lúc quan hệ Bắc Kinh - Washington tiếp tục leo thang căng thẳng trên nhiều phương diện. Hồi tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Esper để ngỏ khả năng ông sẽ đến thăm Trung Quốc trong cuối năm 2020 để cải thiện những kênh liên lạc khủng hoảng giữa 2 nước.
Lầu Năm Góc vẫn chưa thông báo cụ thể thời gian chuyến thăm diễn ra. Giới quan sát nhận định điều này cho thấy cơ chế giải tỏa căng thẳng Mỹ - Trung đang có vấn đề. AFP cho rằng việc Bộ trưởng Esper lên án Trung Quốc hành động gây bất ổn cho thấy Bộ Quốc phòng Mỹ không có bất kỳ dấu hiệu nhượng bộ nào với Bắc Kinh.
Những động thái phản đối
Phát biểu của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ với người đồng cấp Trung Quốc về vấn đề Biển Đông được đưa ra ít ngày sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo cũng đã ra tuyên bố thẳng thừng bác bỏ tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở hầu hết Biển Đông.
“Chúng tôi đang truyền đi thông điệp rõ ràng: Tuyên bố của Trung Quốc đối với các các tài nguyên ngoài khơi trên hầu hết Biển Đông, cũng như các biện pháp cưỡng ép nhằm kiểm soát chúng, là hoàn toàn bất hợp pháp”, Ngoại trưởng Mỹ nêu rõ.
“Tại Biển Đông, chúng tôi mong muốn bảo đảm hòa bình, ổn định, thượng tôn tự do trên biển và các hành động tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm thông suốt dòng chảy giao thương không bị gián đoạn và phản đối bất kỳ hành động sử dụng và đe dọa sử dụng vũ lực để giải quyết tranh chấp.
Mỹ chia sẻ lợi ích sâu sắc và dài hạn với nhiều đồng minh và đối tác, vốn từ lâu đã duy trì sự ủng hộ cho một trật tự quốc tế dựa trên luật lệ”, tuyên bố cho biết thêm. Theo ông Pompeo, Mỹ đã điều chỉnh lập trường cho phù hợp với phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) về đến tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc với Biển Đông.
Tiếp sau Mỹ, Australia cũng đã gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc, phản đối các yêu sách phi lý mà Trung Quốc đặt ra trên Biển Đông, từ yêu sách với Tứ Sa đến đường cơ sở thẳng tại Hoàng Sa hay đảo nhân tạo. “Chính phủ Australia bác bỏ tất cả các yêu sách của Trung Quốc trái với Công ước Liên hợp quốc về Luật biển năm 1982 (UNCLOS).
Cụ thể là các yêu sách vùng biển không tuân thủ quy định công ước về đường cơ sở, các vùng biển và phân loại những thực thể”, Công hàm nêu rõ. Công hàm của Australia nhấn mạnh cái gọi là quyền lịch sử và quyền hàng hải “đã được thiết lập từ lâu” mà Trung Quốc đưa ra để biện minh cho đường 9 đoạn là “trái với UNCLOS” và “vô giá trị”.
Theo Canberra, phán quyết năm 2016 của Tòa trọng tài thành lập theo phụ lục VII UNCLOS đã làm rõ điều này. Australia cũng đã viện dẫn một loạt điều luật quốc tế để để chứng minh đường cơ sở thẳng mà Trung Quốc tự vẽ ở Hoàng Sa của Việt Nam là trái với UNCLOS. Theo Australia, việc xây dựng hoặc các hình thức cải tạo nhân tạo khác không làm thay đổi phân loại của UNCLOS đối với các thực thể này.
“Không có cơ sở pháp lý để đưa ra các yêu sách vùng biển vượt quá những gì các thực thể này được hưởng theo UNCLOS khi ở trạng thái tự nhiên”, Công hàm nêu rõ. Cũng liên quan đến vấn đề Biển Đông, trên mạng Twitter hôm tuần trước, Ngoại trưởng Malaysia Datuk Seri Hishammuddin Hussein cho rằng các vấn đề liên quan đến vùng biển này đều phải được giải quyết dựa trên các nguyên tắc đã được cả thế giới thừa nhận của luật quốc tế, trong đó có UNCLOS 1982.
Bình luận
Ý kiến của bạn sẽ được biên tập trước khi đăng. Xin vui lòng gõ tiếng Việt có dấu