Xét nghiệm sức khoẻ vào thời điểm thích hợp là một trong những điều quan trọng nhất để bảo vệ bản thân khỏi những bệnh hiểm nghèo, tránh các biến chứng đáng tiếc.
Các xét nghiệm được thực hiện cần dựa vào tuổi và các yếu tố nguy cơ. Dưới đây là các xét nghiệm nam giới nên thực hiện:
1. Ung thư tuyến tiền liệt
Ung thư tuyến tiền liệt là loại ung thư phổ biến nhất ở nam giới sau bệnh ung thư da. Nếu phát hiện bệnh sớm, tỷ lệ khỏi bệnh lên tới 90%. Ngược lại, tỷ lệ sống sau 5 năm chỉ còn lại dưới 30%.
Xét nghiệm sàng lọc có thể phát hiện bệnh sớm, đôi khi trước cả khi các triệu chứng phát triển như đi tiểu buốt, rắt, đi tiểu chậm, bí tiểu, đi tiểu ra máu, xuất tinh ra máu.
Nguy cơ mắc bệnh gia tăng từ tuổi 50 trở đi.
2. Ung thư tinh hoàn
Ung thư này thường phát triển trong tinh hoàn của người đàn ông, các tuyến sinh sản, sản xuất tinh trùng. Đối tượng dễ mắc bệnh là từ độ tuổi 20 - 54.
Có thể tự phát hiện bệnh bằng cách sau khi tắm nước nóng, sờ nắn nhẹ nhàng tinh hoàn nếu thấy đau, có u nhỏ hay không nhẵn thì nên đi khám để được bác sỹ xác định.
3. Ung thư đại trực tràng
Ung thư đại trực tràng là nguyên nhân gây tử vong nhiều trong các bệnh ung thư. Đàn ông có nguy cơ mắc bệnh cao hơn phụ nữ.
Có thể phát hiện sớm ung thư đại trực tràng bằng cách tìm máu trong phân, nội soi đại trực tràng hoặc khám hậu môn trực tràng bằng tay cho người 50 tuổi trở lên (thực hiện 2-3 năm một lần).
4. Ung thư da
Ba loại ung thư da thường gặp là ung thư tế bào đáy, tế bào sừng và tế bào hắc tố. Nam giới nhiều tuổi có nguy cơ ung thư da ác tính cao gấp 2 lần phụ nữ cùng tuổi.
Nên thường xuyên tự kiểm tra da ít nhất 1 lần mỗi 3 tháng để phát hiện sớm các bất thường trên da.
Điều trị ung thư da có hiệu quả hơn khi được phát hiện sớm.
5. Huyết áp cao
Nguy cơ tăng áp lực máu cao theo tuổi tác. Nó cũng liên quan đến trọng lượng và phong cách sống của bạn. Huyết áp cao dẫn tới nguy cơ bị bệnh tim, đột quỵ, và suy thận. Huyết áp lý tưởng ở mức 120/80. Nếu huyết áp thường xuyên trên mức 140/90mmHg, bạn nên đến cơ sở y tế chuyên khoa.
6. Mức cholesterol trong máu
Cholesterol được coi là một “thủ phạm” gây ra các vấn đề tim mạch. Cholesterol cao gây xơ vữa động mạch - xơ cứng và hẹp các động mạch - có thể tiến triển mà không có triệu chứng trong nhiều năm. Theo thời gian, nó có thể dẫn đến đau tim và đột quỵ. Mức cholesterol thấp thường dễ mắc ung thư phổi và các bệnh ung thư khác, nguy cơ bị đột quỵ do bệnh tim, các rối loạn cương dương, khả năng sinh sản, mất trí nhớ và suy giảm tinh thần.
Từ 35 tuổi, nam giới cần kiểm tra cholesterol thường xuyên. Để cân bằng cholesterol cần có sự xác định từ các bác sỹ chuy ên khoa.
7. Bệnh tiểu đường type 2
Không kiểm soát được bệnh tiểu đường có thể dẫn đến bệnh tim và đột quỵ, bệnh thận, mù lòa, tổn thương thần kinh và bất lực. Nếu phát hiện sớm, bệnh tiểu đường có thể được kiểm soát và phòng tránh các biến chứng với chế độ ăn uống, tập thể dục, giảm cân, và thuốc.
Một thử nghiệm glucose huyết tương lúc đói thường được dùng để tầm soát bệnh tiểu đường.
8. HIV
HIV là vi rút gây bệnh AIDS.
Các xét nghiệm sàng lọc HIV duy nhất là một loạt các xét nghiệm máu. Ngăn chặn lây lan bệnh bằng cách sử dụng các biện pháp tình dục an toàn với bao cao su, không tiêm chích ma tuý.
9. Bệnh tăng nhãn áp
Mắt bình thường có nhãn áp từ 12 - 22mmHg. Ở người tăng nhãn áp cấp tính, nhãn áp tăng rất cao, trên 40mmHg. Nhãn áp cao chèn ép vào các bộ phận nội nhãn, làm giảm lưu lượng máu đến mắt để nuôi dưỡng thần kinh thị giác. Nếu tình trạng này kéo dài sẽ dẫn đến teo lõm gai thị, giảm thị lực, cuối cùng dẫn đến mù lòa vĩnh viễn.
Để tầm soát bệnh tăng nhãn áp, những người trên 40 tuổi nên đo nhãn áp định kỳ. Chú ý chứng nhức đầu và nhức mắt. Tránh uống rượu, tránh hút thuốc lá, thực hiện chế độ dinh dưỡng cân bằng và hợp lý, thường xuyên tập luyện thể dục thể thao và khám mắt định kỳ để phòng bệnh.
Nguồn: Dân trí