Đến 31/12/2010, tín dụng ước tăng 29,81%, tổng phương tiện thanh toán tăng 25,3%; số lượng thẻ phát hành trên cả nước đạt 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 ATM..
Ngân hàng Nhà nước vừa phát đi thông cáo báo chí về tình hình thực hiện nhiệm vụ ngân hàng năm 2010 và định hướng nhiệm vụ năm 2011.
Tín dụng đến 31/12/2010 tăng 29,81% so với cuối năm 2009
Theo NHNN, những diễn biến của tình hình kinh tế thế giới và trong nước đã có những ảnh hưởng (cả tích cực lẫn tiêu cực) đến kết quả điều hành chính sách tiền tệ (CSTT) của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) và diễn biến hoạt động của hệ thống ngân hàng trong năm 2010.
Theo đó, tín dụng đến 31/12/2010 ước tăng 29,81% so với cuối năm 2009, trong đó: Tín dụng VND tăng 25,3%; Tín dụng ngoại tệ tăng 49,3%. Nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng thì tổng dư nợ tăng 27,6%, trong đó: tín dụng VND tăng 25,3%, tín dụng ngoại tệ tăng 37,7%.
Tổng phương tiện thanh toán đến 31/12/2010 tăng 25,3% so với cuối năm 2009; huy động vốn tăng 27,2%. Nếu trừ hư số do tỷ giá và giá vàng tăng, thì tổng phương tiện thanh toán tăng 23,0%, huy động vốn tăng 24,5%.
Lãi suất huy động và cho vay giảm nhẹ, các ngân hàng đã thực hiện đồng thuận lãi suất huy động VND không vượt quá 14%/ năm; lãi suất cho vay bình quân 15,27%/năm. Lãi suất huy động và cho vay bằng Đô la Mỹ tăng khoảng 0,5%/năm so với cuối năm 2009, hiện lãi suất huy động bình quân ở mức 4,08%/năm, lãi suất cho vay bình quân ở mức 6,26%/năm.
Thị trường ngoại tệ, thị trường vàng đã dần ổn định, nguồn cung ngoại tệ được cải thiện đáng kể, (đến ngày 15/12/2010, tỷ giá USD/VND bình quân liên ngân hàng tăng 5,52% và tỷ giá mua bán USD/VND của các ngân hàng thương mại tăng 5,53% so với cuối năm 2009).
Giá vàng trong nước diễn biến tương đối sát với giá vàng thế giới, chênh lệch giá vàng trong nước và giá thế giới đã được thu hẹp.
Vốn khả dụng bằng VND của các TCTD diễn biến theo xu hướng tương đối ổn định, đảm bảo khả năng thanh toán, đảm bảo yêu cầu dự trữ bắt buộc.
Phát triển thanh toán không dùng tiền mặt: Đến cuối năm 2010, có 53% đơn vị hưởng lương từ ngân sách nhà nước thực hiện trả lương qua tài khoản (đến cuối năm 2009 tỷ lệ này là 41,5%). Hệ thống thanh toán điện tử liên ngân hàng tiếp tục được mở rộng và vận hành hiệu quả, góp phần tăng cường khả năng cung cấp dịch vụ thanh toán hiện đại, đáp ứng nhu cầu thanh toán của nền kinh tế.
Ước đến cuối năm 2010, số lượng thẻ phát hành trên phạm vi cả nước đạt khoảng 28,5 triệu thẻ, hơn 11.000 ATM và gần 50.000 thiết bị chấp nhận thẻ (POS) được lắp đặt.
Việc kết nối hệ thống ATM, POS thành một hệ thống thống nhất trên toàn quốc được triển khai tích cực, trong đó 03 liên minh thẻ Banknet-VNBC-Smartlink đã kết nối liên thông hệ thống ATM trên phạm vi toàn quốc và phối hợp với 15 ngân hàng thực hiện thành công việc kết nối hệ thống POS trên địa bàn Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh với sự tham gia của nhiều đơn vị cung cấp hàng hóa, dịch vụ.
Năm 2010, Ngân hàng Nhà nước đã trình và được Quốc hội thông qua Luật Ngân hàng Nhà nước và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) có hiệu lực từ ngày 01/01/2011/
8 nhiệm vụ ngân hàng năm 2011: Tăng trưởng tín dụng năm 2011 tăng khoảng 23%
Dựa trên triển vọng kinh tế trong và ngoài nước, Quốc hội và Chính phủ đã xác định, năm 2011 cần phối hợp chặt chẽ điều hành chính sách tài khóa, điều hành CSTT chủ động, linh hoạt và thận trọng, góp phần thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế, kiềm chế lạm phát và quản lý nhập siêu.
NHNN đã xác định mục tiêu và các nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2011. Cụ thể là:
- Tập trung xây dựng, ban hành đồng bộ và kịp thời hệ thống văn bản hướng dẫn Luật NHNN và Luật các TCTD nhằm tạo hành lang pháp lý vững chắc cho hoạt động ngân hàng;
- Điều hành CSTT chủ động, linh hoạt và thận trọng theo nguyên tắc thị trường, phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa và các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô, tổng phương tiện thanh toán tăng 21-24%, tín dụng đối với nền kinh tế tăng khoảng 23%. Lãi suất và tỷ giá được điều hành ở mức phù hợp với các cân đối kinh tế vĩ mô, đảm bảo an toàn hệ thống, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước của NHNN;
- Điều hành tỷ giá và quản lý ngoại hối theo tín hiệu thị trường, phù hợp với diễn biến lãi suất, cân đối hài hòa cung – cầu ngoại tệ, tăng tính thanh khoản cho thị trường và thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu, giảm dần tình trạng đô la hoá trong nền kinh tế. Phối hợp với các bộ, ngành liên quan theo dõi, quản lý chặt chẽ thị trường vàng và thị trường ngoại tệ;
- Tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng, đánh giá thực trạng chất lượng tín dụng của các TCTD để áp dụng các biện pháp thích hợp nhằm kiểm soát chặt chẽ quy mô, chất lượng và cơ cấu tín dụng;
- Theo dõi, giám sát chặt chẽ và dự báo kịp thời diễn biến kinh tế vĩ mô, diễn biến thị trường tài chính trong nước và quốc tế để phục vụ có hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động tiền tệ, ngân hàng;
- Tăng cường khả năng phát hiện, cảnh báo sớm rủi ro trong hoạt động ngân hàng. Kết hợp có hiệu quả giữa thanh tra, giám sát việc chấp hành chính sách pháp luật với thanh tra, giám sát rủi ro trong hoạt động của đối tượng thanh tra, giám sát ngân hàng.
- Tiếp tục củng cố, sắp xếp lại các TCTD phù hợp với thông lệ và chuẩn mực quốc tế, tăng cường tính công khai minh bạch trong hoạt động ngân hàng;
- Triển khai đẩy mạnh thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2011-2015.
Phương Mai
Theo SBV