Đại diện văn phòng JETRO tại Hà Nội cho biết, đây là cuộc khảo sát lần thứ 31 được JETRO thực hiện dưới hình thức phiếu điều tra. Đối tượng khảo sát là 11.994 doanh nghiệp (DN) Nhật Bản đầu tư vào 20 nước, vùng lãnh thổ, trong đó có 4.630 DN đã đưa ra trả lời hợp lệ, riêng tại Việt Nam có 652 DN.
Từ kết quả khảo sát cho thấy, tỷ lệ DN báo lãi chiếm 65,1%, cao hơn con số 62,8% của năm 2016. Tuy nhiên, tỷ lệ này vẫn thấp hơn so với các DN Nhật tại các nước khác trong ASEAN (79,5% tại Philippines, 73,8% tại Malaysia, 70,3% tại Trung Quốc và 66,0% tại Thái Lan) nhưng lại tốt hơn ở Indonesia (64,6%). Những DN có lãi cao nhất là các công ty gia công xuất khẩu với tỷ lệ lãi 67,5%, trong khi nhóm không gia công xuất khẩu là 62,5% và thấp nhất là khối phi chế tạo với 63,4%.
Đánh giá thuận lợi trong môi trường đầu tư của Việt Nam, có hơn 50% DN đánh giá Việt Nam có “quy mô thị trường, khả năng tăng trưởng”, “tình hình chính trị, xã hội ổn định” và “chi phí nhân công rẻ”. Tuy nhiên, chỉ có 9,6% DN cho rằng họ “ít gặt khó khăn trong các vấn đề liên quan đến giao tiếp và ngôn ngữ”.
Về khả năng cung ứng nguyên liệu, linh kiện, tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam đạt 33,2%, giảm 1 điểm so với năm trước, thấp hơn Trung Quốc (67,3%), Thái Lan (56,8%), Indonesia (45,2%), Philippines (42,2%), Malaysia (38,2%). So sánh giữa khu vực miền bắc và khu vực miền Nam thì khu vực miền Nam cao hơn khu vực miền Bắc.
Về tình hình xuất khẩu, so với các nước khác, tỷ lệ “xuất khẩu 100%” của Việt Nam chiếm tỷ trọng cao, khoảng 30%. Tiếp nữa, tỷ lệ xuất khẩu sang Nhật Bản chiếm khoảng 60% trong tổng thể vẫn cao khi so sánh với các nước khác.
Nhận định về hoạt động sản xuất, kinh doanh trong tương lai, 70% DN đầu tư tại Việt Nam có kế hoạch “mở rộng kinh doanh” và tiếp tục coi Việt Nam là địa điểm đầu tư quan trọng. Khoảng 88% DN cho rằng, lý do chính để “mở rộng kinh doanh” là “tăng doanh thu”. Trong ngành công nghiệp phi chế tạo, khoảng 58% số DN cho rằng, lý do chính là “khả năng tăng trưởng và tiềm năng cao”.