Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến. Giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BĐS.
Ngân hàng: rót hơn 210 ngàn tỷ vào bất động sản
Theo báo cáo của Bộ Xây dựng lên Văn phòng Chính về tình hình ngành xây dựng năm 2010, trong bối cảnh thị trường xuống dốc, cộng thêm ảnh hưởng tiêu cực từ suy giảm kinh tế toàn cầu, nhiều doanh nghiệp bắt đầu chuyển hướng phát triển nhà giá thấp (mức giá trên dưới 1 tỷ đồng/1 bất động sản), nhà bình dân để thu hút thêm khách hàng tiềm năng.
Tuy nhiên, bước vào năm 2010, thị trường bất động sản (BĐS) vẫn giữ được đà phục hồi của năm 2009, đặc biệt, tại Hà Nội có thời điểm còn xảy ra những “cơn sốt” ngắn, nhất là với phân khúc thị trường nhà ở giá trung bình, diện tích nhỏ và có tính thanh khoản cao.
Nhu cầu về nhà ở rất lớn, trong khi nhiều khối biệt thự lại bị bỏ hoang. |
Tăng trưởng tín dụng trong kinh doanh BĐS. Tính đến 31/7/2010, tổng dư nợ cho vay trong lĩnh vực bất động sản đạt 210.770 tỷ đồng, tăng 14,38% so với thời điểm 31/12/2010, tỷ lệ nợ xấu thấp hơn 2%.
Thị trường này tiếp tục hấp dẫn sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài. Cho đến 20/8/2009, vốn đầu tư trực FDI trong lĩnh vực kinh doanh BĐS đạt 2.358 triệu Đô la Mỹ (chiếm 21,8% tổng vốn đầu tư nước ngoài đăng ký mới của cả nước), tăng 36,9% so với cùng kỳ năm 2009.
Cần 300-400 ngàn tỷ đồng đầu tư nhà ở xã hội
Theo số liệu thống kê chưa đầy đủ, cả nước có khoảng 2500 dự án khu đô thị mới, trong đó chủ yếu là phát triển nhà ở, dự án văn phòng cho thuê và các dự án BĐS khác, trong đó, TP. Hà Nội có hơn 800 dự án với diện tích chiếm đất khoảng 75.189 ha, trong đó số dự án đầu tư xây dựng khu đô thị mới, khu nhà ở hỗn hợp có 390 dự án với diện tích gần 39.000 ha.
Trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, có 1.400 dự án chiếm diện tích khoảng 4.490 ha. Tại Hải Phòng có 260 dự án kinh doanh phát triển đô thị với quy mô chiếm đất gần 2.600 ha, trong đó 100 dự án đã và đang triển khai đầu tư đã tạo ra khoảng gần 700.000m2 sàn góp vào quỹ nhà ở của Thành phố. Đà Nẵng có hơn 120 dự án đầu tư khu đô thị mới, văn phòng, khu thương mại, khu nhà ở với diện tích chiếm đất khoảng 2.300 ha...
Quá sức với người có thu nhập thấp!Giá cả hàng hóa BĐS, nhất là giá nhà ở vẫn tăng và đứng ở mức cao, diễn biến phức tạp, khó kiểm soát đang là thách thức lớn cho công tác quản lý thị trường, cũng như nỗ lực giải quyết nhà ở cho các đối tượng có thu nhập thấp. Theo kết quả khảo sát thực tế, giá BĐS nói chung, trong đó giá nhà ở nói riêng tại các đô thị lớn là quá cao so với mặt bằng thu nhập của người dân, mức độ phát triển của nền kinh tế nước ta, cũng như vượt quá xa giá trị thực của BĐS. (Nguồn Bộ Xây dựng). |
Bộ Xây dựng cho rằng, nhu cầu về nhà ở đô thị, đặc biệt là nhà ở xã hội, nhà ở giá thấp, nhà ở cho công nhân khu công nghiệp, nhà ở cho học sinh, sinh viên các cơ sở đào tạo... vẫn tăng mạnh. Tại khu vực đô thị vẫn còn khoảng 7 triệu người có nhu cầu thuê, thuê mua nhà ở xã hội với tổng diện tích nhà ở lên tới 150 triệu m2 (vốn đầu tư tới 300-400 ngàn tỷ đồng).
Riêng Hà Nội, cần 5,5 triệu m2 (tương đương 110 ngàn căn hộ và 11 ngàn chỗ ở cho công nhân trong các khu công nghiệp), còn Thành phố Hồ Chí Minh cần khoảng 5 triệu m2 và trên 50 ngàn chỗ ở cho công nhân thuê.
Hiện cả nước có gần 400 trường đại học và cao đẳng, khoảng 370 trường cao đẳng, trung cấp nghề và hơn 280 trường trung cấp chuyên nghiệp với tổng số học sinh, sinh viên lên tới 2,985 triệu. Dự tính đến năm 2015 số học sinh, sinh viên cả nước sẽ đạt khoảng 4,3 triệu, trong đó khoảng 3 triệu có nhu cầu về chỗ ở trong ký túc xá.
Liên quan đến thị trường BĐS, Bộ Xây dựng cảnh báo, việc huy động vốn và mua bán nhà trả trước trong các dự án khu nhà ở, khu đô thị mới còn nhiều bất cập tiềm ẩn nguy cơ bất ổn cho xã hội. Hiện tượng đầu cơ, kích giá, tâm lý mua bán theo "tin đồn", "tâm lý đám đông" còn diễn ra phổ biến.
Việt Hưng