7 phút cuối cùng của nhà báo Khashoggi

Camera an ninh quay lại cảnh nhà báo Jamal Khashoggi ngày 2/10 bước vào lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul
Camera an ninh quay lại cảnh nhà báo Jamal Khashoggi ngày 2/10 bước vào lãnh sự quán Arab Saudi tại Istanbul
(PLO) - Ngày 2/10, nhà báo Jamal Khashoggi được nhìn thấy lần cuối cùng trên camera an ninh đang đi vào lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ. Ông tới lãnh sự quán để làm thủ tục kết hôn với bạn gái người địa phương nhưng không trở ra.

Hai tháng chưa thấy xác

Khashoggi, 60 tuổi, từng là biên tập viên của nhật báo Arab Saudi Al-Watan và làm việc cho một kênh tin tức của nước này. Ông cũng cộng tác với báo một số tờ báo nước ngoài, đồng thời đóng góp các bài viết về Arab Saudi và Trung Đông.

Khashoggi từng có mối quan hệ thân thiết với Hoàng gia Arab Saudi, thậm chí làm cố vấn cho các quan chức cấp cao chính phủ. Tuy nhiên, ông sau đó thường xuyên chỉ trích chính quyền Arab Saudi cũng như Thái tử Mohammed bin Salman vì chính sách đối ngoại và việc đàn áp những người bất đồng chính kiến.

Ông rời nước vào năm 2017, tới sống lưu vong tại Washington. Khashoggi đã bày tỏ lo sợ rằng mình có thể bị trả thù vì quan điểm trái ngược với chính phủ.

Khi tin tức về vụ mất tích của Khashoggi lan rộng, chính quyền Arab Saudi khẳng định ông đã rời lãnh sự quán trong tình trạng hoàn toàn bình thường, song không cung cấp bằng chứng chứng minh cho tuyên bố.

Đến ngày 6/10, Tổng lãnh sự Arab Saudi nhấn mạnh những đồn đoán về việc Khashoggi bị bắt cóc là "vô căn cứ". Tuy nhiên, lúc này, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã nghi ngờ Khashoggi bị bắt cóc và giết hại.

Ngày 10/10, Thổ Nhĩ Kỳ công bố các bức ảnh về "đội sát thủ" 15 người được cho là do Arab Saudi cử tới Istanbul để thủ tiêu Khashoggi. Ankara cho rằng trong khoảng hai giờ vào lãnh sự quán Arab Saudi, Khashoggi đã bị các điệp viên Arab giết hại rồi phân xác. Truyền thông địa phương tiết lộ chính phủ có băng ghi âm cho thấy Khashoggi bị giết tại lãnh sự quán.

Ngày 12/10, một phái đoàn Arab Saudi tới Ankara để điều tra vụ mất tích của Khashoggi. Tổng thống Mỹ Donald Trump trong khi đó thề sẽ có các "biện pháp trừng phạt thích đáng" nếu Khashoggi thực sự đã bị giết hại và Arab Saudi đứng sau sự việc. Tuy nhiên, ông bác bỏ khả năng trừng phạt Arab Saudi bằng cách hủy những hợp đồng mua bán vũ khí.

Ngày 15/10, các đội điều tra Thổ Nhĩ Kỳ mới được phép khám xét lãnh sự quán Arab Saudi ở Istanbul. Đến sáng 19/10, sau hơn hai tuần phủ nhận các cáo buộc thủ tiêu và bắt cóc, chính quyền Arab Saudi cuối cùng thừa nhận Khashoggi đã bị giết bên trong lãnh sự quán ở Istanbul vì "một vụ ẩu đả", tuy nhiên không đề cập đến việc thi thể nhà báo hiện ở đâu. Đến nay, thi thể của Khashoggi chưa được tìm thấy.

Ngày 21/10, một quan chức Arab Saudi tiết lộ rằng Khashoggi đã bị siết cổ sau khi vào lãnh sự quán. Kế hoạch ban đầu yêu cầu 15 điệp viên Arab Saudi, đều xuất thân từ lực lượng an ninh và tình báo, tới Thổ Nhĩ Kỳ để thuyết phục Khashoggi về nước.

Họ được lệnh đưa Khashoggi tới một ngôi nhà ở ngoại ô Istanbul "trong khoảng thời gian nhất định" rồi sau đó thả ông ra nếu cuối cùng Khashoggi vẫn từ chối trở về.

Tuy nhiên, mọi chuyện không diễn ra như kế hoạch khi nhóm 15 người hành xử vượt quá mệnh lệnh và sử dụng vũ lực, khiến Khashoggi thiệt mạng. Để che đậy sự việc, nhóm đặc vụ đã cuộn Khashoggi trong thảm, đưa ra ngoài bằng xe của lãnh sự quán rồi giao thi thể cho "tòng phạm địa phương" để phi tang. Trong lúc đó, một đặc vụ mặc quần áo, đeo kính và đồng hồ của Khashoggi rồi rời lãnh sự quán bằng cửa sau nhằm làm giả như ông đã đi khỏi tòa nhà.

Nhóm 15 người viết một báo cáo giả gửi lên cấp trên, khẳng định họ đã để Khashoggi ra đi khi ông cảnh báo sự việc có thể đánh động tới Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng Thổ Nhĩ Kỳ nghi ngờ nhóm điệp viên đã nhét thi thể Khashoggi vào hành lý rồi đưa ra nước ngoài bằng đường hàng không nhờ quyền miễn trừ ngoại giao.

Nhà báo kỳ cựu của tờ Daily Sabah Thổ Nhĩ Kỳ Nazif Karaman tuyên bố ông nắm một phần nội dung đoạn băng ghi âm lại sự việc xảy ra bên trong lãnh sự quán Arab Saudi. Theo Karaman, Khashoggi đã nói: "Tôi bị ngạt thở... Bỏ cái túi đó ra khỏi đầu tôi". Karaman tin Khashoggi bị chụp túi nylon lên đầu dẫn tới ngạt thở đến chết. Vụ sát hại diễn ra trong khoảng 7 phút.

Âm mưu được lên kế hoạch

Ngày 23/10, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan tuyên bố vụ sát hại nhà báo Khashoggi là một âm mưu được lên kế hoạch kỹ lưỡng bởi chính phủ Arab Saudi, nhưng không trực tiếp đề cập tới Thái tử Mohammed.

Một ngày sau, trong phát ngôn đầu tiên trước công chúng về vụ sát hại Khashoggi, Thái tử Mohammed gọi đây là "một tội ác ghê tởm không thể dung thứ".

Ngày 25/10, công tố viên Arab Saudi gọi vụ sát hại là kế hoạch "được tính toán trước", đảo ngược những tuyên bố trong quá khứ nói rằng cái chết của Khashoggi chỉ là tai nạn.

Ngày 10/11, Tổng thống Erdogan cho biết Thổ Nhĩ Kỳ đã cung cấp đoạn ghi âm tại lãnh sự quán liên quan đến vụ sát hại Khashoggi cho cơ quan tình báo Arab Saudi, Mỹ, Anh, Đức và Pháp. Arab Saudi cam đoan trước Liên Hợp quốc rằng những kẻ sát hại Khashoggi chắc chắn sẽ bị trừng trị.

Năm ngày sau, Arab Saudi công bố đã truy tố 11 người liên quan, trong đó 5 nghi phạm sẽ phải đối diện án tử hình. Riyadh kiên quyết phủ nhận việc Thái tử Mohammed ra lệnh giết Khashoggi.

Bộ Tài chính Mỹ sau đó áp đặt biện pháp trừng phạt kinh tế với 17 quan chức Arab Saudi, trong đó có Saud al-Qahtani, cựu cố vấn hàng đầu của Thái tử Mohammed. 17 quan chức có tên trong lệnh trừng phạt bị đóng băng tài sản và hạn chế tiếp cận hệ thống tài chính Mỹ, song lệnh không nhắm đến chính quyền Arab Saudi hay tác động tới những hợp đồng vũ khí giữa hai nước.

Al-Qahtani bị cáo buộc là người đã ra lệnh cho 15 điệp viên Arab Saudi tới Thổ Nhĩ Kỳ giết Khashoggi. Chính quyền Arab Saudi sa thải ông sau khi Riyadh thừa nhận Khashoggi bị giết ở lãnh sự quán. Qahtani lâu nay được miêu tả là "cánh tay phải" của Thái tử Mohammed.

Hồi tháng 8/2017, Qahtani viết trên Twitter: "Bạn nghĩ tôi đưa ra quyết định mà không cần chỉ đạo từ bên trên ư? Tôi là một nhân viên và là người thực hiện mệnh lệnh của Quốc vương và Thái tử".

Dòng bình luận của Qahtani, dù xuất hiện từ năm ngoái, khiến giới quan sát nghi ngờ chính Thái tử Mohammed đã chỉ thị thực hiện vụ sát hại Khashoggi. Tuy nhiên một tờ báo cho rằng có một đoạn băng cho thấy Thái tử Mohammed đã "chỉ thị để Khashoggi im lặng càng sớm càng tốt".

Ngày 18/11, Tổng thống Trump nói trong một cuộc phỏng vấn rằng ông không cần nghe đoạn ghi âm, gọi đây là "đoạn băng tồi tệ". Người đứng đầu Nhà Trắng cho hay Thái tử Mohammed đã điện đàm với ông, nói không biết về sự việc và mọi thông tin liên quan đến báo cáo của CIA đều "thiếu chín chắn". Tổng thống Trump nhấn mạnh ông vẫn "đứng về phía đồng minh tốt của Mỹ theo nhiều cách khác nhau".

Ngày 20/11, Trump ra tuyên bố khẳng định vẫn đề cao mối quan hệ với Arab Saudi, cho rằng "chưa có điều gì chắc chắn" về mối liên hệ giữa Thái tử Mohammed và vụ sát hại Khashoggi.

Vì sao Mỹ không làm căng?

Một số nhà lập pháp Mỹ chỉ trích tuyên bố từ Tổng thống Trump, yêu cầu Arab Saudi phải chịu trách nhiệm cho những hành động của mình. Đức thông báo áp đặt lệnh cấm nhập cảnh vào khu vực Schengen với 18 công dân Arab Saudi liên quan đến vụ Khashoggi, đồng thời đình chỉ mọi hoạt động bán vũ khí cho Riyadh.

Ngày 21/11, trong một cuộc phỏng vấn, Ngoại trưởng Arab Saudi Adel al Jubeir tiếp tục phủ nhận báo cáo của CIA cũng như những đồn đoán cho rằng nhiều hoàng thân đang muốn ngăn Thái tử Mohammed lên ngôi sau vụ Khashoggi.

Ông gọi các bản tin như vậy là "thái quá" và "không thể chấp nhận được". Cùng ngày, Pháp theo chân Đức tuyên bố áp lệnh trừng phạt, trong đó bao gồm cả lệnh cấm nhập cảnh vào khối Schengen, với 18 công dân Arab Saudi bị tình nghi liên quan đến vụ sát hại Khashoggi.

Giới chuyên gia nhận định mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau đã kéo dài 7 thập niên giữa Mỹ và Arab Saudi, đặc biệt về vấn đề giá dầu, buôn bán vũ khí hay chống khủng bố, khiến Washington khó làm căng với Riyadh vì vụ sát hại Khashoggi. Những phát ngôn của Tổng thống Trump gần đây là minh chứng cho điều này.

Là nước xuất khẩu dầu lớn nhất thế giới, Arab Saudi có khả năng tác động đến giá dầu như tăng nguồn cung để giảm giá hoặc kiềm chế nguồn cung để tăng giá.  Với sự bùng nổ trong sản xuất dầu đá phiến, Mỹ ít phụ thuộc vào dầu nhập khẩu. Tuy nhiên, nếu Riyadh quyết định giảm nguồn cung dầu toàn cầu và tăng giá thì điều đó thể làm chậm tăng trưởng kinh tế, gây ảnh hưởng đến triển vọng tái tranh cử của Trump vào năm 2020.

Các quan chức Mỹ hiện coi sự hợp tác chống khủng bố từ Arab Saudi là tài sản vô giá. Nhờ thông tin tình báo mà Riyadh cung cấp, Mỹ đã phá hàng loạt âm mưu tấn công khủng bố, như vụ đánh bom tự sát phi cơ bay trên Detroit vào năm 2009 hay phát hiện một quả bom được cải trang thành hộp mực máy in trên chuyến bay đến Chicago hồi tháng 10/2010.

Arab Saudi còn là nước mua vũ khí Mỹ nhiều thứ hai thế giới. Căng thẳng với Riyadh có thể khiến Washington mất đi những hợp đồng béo bở và đây là một phần nguyên nhân khiến chính quyền Tổng thống Trump ngại trừng phạt Arab Saudi vì vụ Khashoggi./.

Tin cùng chuyên mục

Đọc thêm

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua

Loạt thảm họa xảy ra trên thế giới tuần qua
(PLVN) - Tuần qua, thế giới chứng kiến hàng loạt sự cố khiến nhiều người chết và bị thương, từ vụ cháy rừng kinh hoàng ở California, va chạm tàu điện tại Pháp, nổ trạm xăng tại Yemen... đến những tai nạn giao thông nghiêm trọng ở Cuba, Pakistan và Nam Phi.

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân

Bác sĩ quân y thừa nhận lạm dụng tình dục 41 nạn nhân
(PLVN) - Bác sĩ quân y Michael Stockin đã nhận tội lạm dụng tình dục hàng chục binh sĩ tại căn cứ Lewis-McChord, Washington, Mỹ. Vụ việc được xem là một trong những bê bối lạm dụng tình dục lớn nhất trong lịch sử quân đội Mỹ, đặt ra yêu cầu khẩn cấp về việc giám sát và cải thiện chính sách tuyển dụng trong quân đội.

Đã có ít nhất 125 người thiệt mạng trong vụ động đất ở Tây Tạng, Trung Quốc

Những ngôi nhà bị hư hại được chụp ảnh sau trận động đất (Ảnh: Reuters)
(PLVN) - Trận động đất mạnh 7,1 độ richter đã xảy ra tại khu vực hẻo lánh ở phía nam Tây Tạng, gần biên giới Trung Quốc và Nepal, khiến ít nhất 125 người thiệt mạng và 188 người bị thương. Sự kiện đau lòng này đã làm sụp đổ hàng nghìn ngôi nhà và gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống của người dân địa phương.

Phát hiện thi thể một nhà báo chống tham nhũng trong bể phốt

Nhà báo Mukesh Chandrakar (Ảnh: The Guardian)
(PLVN) - Anh Mukesh Chandrakar, một nhà báo nổi tiếng ở bang Chhattisgarh, Ấn Độ, đã bị phát hiện tử vong trong một bể phốt với dấu hiệu bị sát hại. Sự việc gây chấn động dư luận và đặt ra yêu cầu cấp bách về việc bảo vệ an toàn cho các nhà báo trong môi trường làm việc nguy hiểm.