Điều đáng nói trong vụ án này là các cấp Tòa ở TP HCM đã lần lượt tổng hợp hình phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật của Lê Ngọc Trọng “vượt khung” so với quy định của pháp luật về hình phạt dành cho người chưa thành niên phạm tội. Nhưng tận 7 năm sau, phán quyết này mới được phát hiện là “sai lầm nghiêm trọng”.
Vị thành niên nhận án… 20 năm tù
Ngày 7/3/2010 tại quán cà phê ở quận Tân Bình (TP HCM), Lê Ngọc Trọng và đồng phạm đã dùng dao chém một nạn nhân gây thương tích 18%. Sau đó, trên đường về Trọng cùng đồng phạm dùng dao chém một nạn nhân khác để cướp xe máy. Trước sự manh động của các đối tượng, Công an quận Tân Bình đã vào cuộc và bắt nguyên băng cướp chỉ sau 2 ngày chúng gây án.
Quá trình điều tra xác định, trước đó khoảng tháng 2/2010, Trọng cùng đồng phạm lén lút đột nhập vào một ngôi nhà tại quận Tân Bình chiếm đoạt 2 chiếc xe máy trị giá 6 triệu đồng. Thời điểm thực hiện các hành vi phạm tội trên Lê Ngọc Trong đủ 17 tuổi 9 tháng.
Trước đó Lê Ngọc Trọng đã gây án ở Long An. Ngày 21/9/2010, TAND tỉnh Long An tuyên phạt Lê Ngọc Trong 12 năm tù về tội “Giết người”, “Cướp tài sản”. Do bản án bị kháng cáo, tháng 12/2010 Tòa phúc thẩm TANDTC TP HCM tuyên y án sơ thẩm xử phạt Trọng 12 năm tù. Hơn một năm sau, Trọng tiếp tục bị TAND quận Tân Bình đưa ra xét xử và tuyên phạt 2 năm tù về tội “Cố ý gây thương tích”, 7 năm tù về tội “Cướp tài sản”, 1 năm tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tổng hợp hình phạt với bản án trước, TAND quận Tân Bình tuyên buộc bị cáo phải phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 22 năm tù.
Lê Ngọc Trong kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt. Ngày 22/12/2011, TAND TP HCM xét xử phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của bị cáo Trọng, giảm án cho bị cáo còn 1 năm 6 tháng tù về tội “Cố ý gây thương tích”; 6 năm tù về tội “Cướp tài sản”; 6 tháng tù về tội “Trộm cắp tài sản”. Tổng hợp hình phạt đối với bản án phúc thẩm của TANDTC tại TPHCM, buộc bị cáo Trọng phải chấp hành hình phạt chung cho cả hai bản án là 20 năm tù.
7 năm sau mới phát hiện vi phạm nghiêm trọng
Chiều 28/6, VKSND Cấp cao tại TP HCM cho biết đã kháng nghị giám đốc thẩm bản án của TAND TP HCM với lý do: “Tổng hợp hình phạt như đã tuyên là vi phạm nghiêm trọng trong áp dụng các quy định của pháp luật hình sự”.
Theo VKSND, căn cứ khoản 1 điều 74 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tù có thời hạn: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt cao nhất không quá 3/4 mức phạt tù mà điều luật quy định”.
Ngoài ra, căn cứ khoản 1 điều 75 Bộ luật Hình sự năm 1999 quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội, quy định: “Nếu tội nặng nhất được thực hiện khi người đó chưa đủ 18 tuổi thì hình phạt chung không vượt quá mức hình phạt cao nhất quy định tại điều 74 của Bộ luật này”.
Đối chiếu với Bộ luật Hình sự năm 2015, khoản 1 điều 101 quy định về tù có thời hạn: “Đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi khi phạm tội, nếu điều luật được áp dụng quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 18 năm tù; nếu là tù có thời hạn thì hình phạt cao nhất được áp dụng không quá 3/4 phạt tù mà điều luật quy định”.
Ngoài ra khoản 1 điều 103 Bộ luật Hình sự năm 2015 quy định về tổng hợp hình phạt trong trường hợp phạm nhiều tội: “Khi xét xử cùng một lần, người dưới 18 tuổi phạm nhiều tội thì Tòa án quyết định hình phạt đối với từng tội và tổng hợp hình phạt chung theo quy định tại điều 55 của Bộ luật này.
…Nếu hình phạt chung là tù thời hạn thì mức hình phạt cao nhất được áp dụng không vượt quá 18 năm đối với người từ đủ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi và 12 năm đối với người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi”.
VKSND nhận xét, tất cả các lần phạm tội của bị cáo Lê Ngọc Trong bị đưa ra xét xử đều được thực hiện tại thời điểm bị cáo chưa đủ 18 tuổi, lẽ ra TAND TP HCM ngoài việc căn cứ các điều luật chung thì còn phải căn cứ những quy định đối với người chưa thành niên phạm tội để quyết định mức hình phạt cao nhất. Đối với Lê Ngọc Trọng không được quá 18 năm tù nhưng lại tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo phải chấp hành 20 năm tù là sai lầm nghiêm trọng trong việc áp dụng luật khi giải quyết vụ án, gây bất lợi cho bị cáo.
Được biết, mức án 20 năm tù đối với Trọng đã có hiệu lực 7 năm. Tuy nhiên, điều này đã được quy định rất cụ thể trong Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015. Theo Điều 379 thì thời hạn của việc kháng nghị theo hướng bất lợi cho người bị kết án là một năm, kể từ ngày án có hiệu lực. Còn thời hạn của việc kháng nghị theo hướng có lợi cho người bị kết án là... không có thời hạn, tức có thể kháng nghị bất cứ lúc nào, cả trong trường hợp người bị kết án đã chết mà cần minh oan cho họ.