Thời gian qua, Cục Kiểm tra văn bản qui phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) đã có Thông báo văn bản có dấu hiệu trái pháp luật gửi một số Bộ, ngành và địa phương. Chỉ tính riêng từ đầu năm 2009 đến hôm qua (22/9/2010), có tới 07 Bộ và 13 tỉnh, TP trực thuộc TƯ vẫn “ngó lơ” trước thông báo về 23 văn bản có dấu hiệu trái pháp luật mà Cục Kiểm tra VBQPPL gửi cho họ.
Trong đó có 09 văn bản của các Bộ NN&PTNT, Công thương, GD&ĐT, Xây dựng, LĐTB&XH, Tài chính, Y tế và 14 văn bản của UBND tỉnh Nghệ An, Hưng Yên, Hải Dương, Hà Giang, Kon Tum, Quảng Nam, Đăk Nông, Bình Định, TP.HCM, Đồng Nai, TP.Hà Nội, Ninh Thuận, Quảng Bình.
Theo ông Lê Hồng Sơn – Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, điều đáng lưu ý là nhiều văn bản liên quan trực tiếp đến vấn đề an sinh xã hội như QĐ số 99/2008 của Bộ NN&PTNT ban hành qui định quản lý sản xuất, kinh doanh rau, quả và chè an toàn; CV 02/BXD-PTĐT và TT 04/2006 của Bộ Xây dựng liên quan đến thực hiện quy chế khu đô thị mới; TTLT 09/2009 của Bộ Y tế - Bộ Tài chính về hướng dẫn thực hiện bảo hiểm y tế; TT 19/2008 của Bộ LĐTB&XH về bảo hiểm xã hội bắt buộc… cũng nằm trong số những văn bản đang có dấu hiệu trái pháp luật mà chưa được kiểm tra, xử lý.
Khoản 1 điều 23 Nghị định 40/2010/NĐ-CP qui định thời hạn 30 ngày để các cơ quan, cá nhân ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật tự kiểm tra, xử lý và thông báo kết quả xử lý cho cơ quan kiểm tra văn bản. Nhưng thực tế, không phải cơ quan, cá nhân nào khi nhận được thông báo cũng thực hiện đúng qui định này. |
Thậm chí, có những văn bản được liệt vào danh sách “có dấu hiệu trái pháp luật” đến cả năm, thậm chí hơn 1 năm, nhưng đến nay vẫn “an toàn”, không bị đem ra “kiểm tra, xử lý” theo yêu cầu của Cục Kiểm tra VBQPPL như hai QĐ của Bộ Tài chính số 15/2008/QĐ-BTC (ngày 27/3/2008), QĐ 98/2007/QĐ-BTC (ngày 3/12/2007), QĐ 641/2008/QĐ-UBND (ngày 5/3/2008) của UBND tỉnh Nghệ An, QĐ 02/2007/QĐ-UBND (ngày 12/2/2007) của UBND tỉnh Hưng Yên…
Sự chậm trễ trong việc xử lý văn bản có dấu hiệu trái pháp luật sẽ phát sinh ra những “hậu quả của chính sách”, ảnh hưởng đến quyền lợi của những tổ chức, cá nhân có liên quan, giảm lòng tin của người dân đối với hệ thống văn bản pháp luật và bộ máy quản lý của Nhà nước...
Do đó, ngày 22/9, Cục Kiểm tra VBQPPL một lần nữa phải đôn đốc thực hiện Thông báo văn bản có dấu hiệu trái pháp luật bằng Công văn số 135/KTrVB gửi 7 Bộ và 13 tỉnh, TP đang để các văn bản “đầy nguy cơ” này ngang nhiên tồn tại.
Qua động thái “nhắc nhở” này, vấn đề đặt ra là hiệu lực thực thi các thông báo về các văn bản có dấu hiệu trái pháp luật.
Cho dù luật qui định cho Bộ Tư pháp “hậu kiểm”, thông báo yêu cầu các cơ quan, cá nhân ban hành văn bản có dấu hiệu trái pháp luật kiểm tra, xử lý, nếu các chủ thể không thực hiện thông báo, Cục Kiểm tra VBQPPL sẽ “báo cáo Bộ trưởng Bộ Tư pháp trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, xử lý theo qui định của pháp luật”, nhưng với tình trạng “thông báo cả năm mà không có phản hồi” như trên thì chẳng khác nào “ném đá ao bèo”.
Vậy là công tác hậu kiểm văn bản đang không được tôn trọng đúng với vị trí, vai trò của nó trong cả qui trình ban hành và thực thi VBQPPL.
H.G