Nước lũ đầu nguồn liên tục đổ về và việc tăng lượng xả lũ các hồ thủy điện, hồ chứa đang gây ngập nhiều khu vực, chia cắt đường bộ, đường sắt tại Nam trung bộ và Tây nguyên.
Thống kê từ Ban chỉ huy phòng chống lụt bão TW, Nam Trung bộ có 6 người chết vì lũ. Trong đó, Khánh Hòa có 4 người, Phú Yên: 2 người. Có 4 người mất tích, gồm: Ninh Thuận: 3 người, Khánh Hòa: 1 người.
Nhiều khu vực chống chọi với ngập lụt, sạt lở
Mưa lớn kéo dài buộc nhiều hồ thủy lợi ở Khánh Hòa như: Láng Nhớt, Suối Dầu, Sông Trâu .. phải xả lũ, khiến mực nước vùng hạ lưu lên nhanh, chảy mạnh, gây sạt lở nhiều cầu, tràn và đường bộ trong toàn tỉnh.
Từ 9h hôm qua, hồ Sông Trâu bắt đầu xả lũ với cường độ lớn càng làm cho nước lũ vùng hạ lưu dâng, hàng chục nghìn ngôi nhà đang ngập trong nước, hàng chục nghìn người dân đang phải chống chọi với lũ dữ.
Mưa lớn suốt đêm qua cũng làm cho nước ở các sông trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận lên cao, nhiều địa phương trong tỉnh ngập lụt. Không chỉ ở các vùng sâu, vùng xa, vùng trũng mà ngay ở tại TP. Phan Rang – Tháp Chàm và vùng phụ cận nước đã ngập phần lớn khu dân cư, từ 0,5m đến vài mét, gây ắch tắc giao thông trầm trọng.
Trước diễn biến phức tạp của thời tiết và lũ trên sông ở các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên lên cao, hôm nay, Bộ Y tế có công điện khẩn gửi Sở Y tế các tỉnh Nam Trung bộ và Tây Nguyên triển khai công tác phòng chống mưa lũ. Đồng thời, để khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra những ngày qua, Thường trực Ban chỉ huy phòng chống thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, Bộ Y tế đã có công văn hỏa tốc về việc cấp cho 5 tỉnh là Khánh Hòa, Ninh Thuận, Phú Yên, Lâm Đồng và Bình Định tổng số 140 cơ số thuốc, 500 áo phao và 600.000 viên Cloramin B. |
Theo báo cáo chưa đầy đủ của Ban chỉ huy phòng chống bão lụt Ninh Thuận: toàn tỉnh đã có hàng chục ngôi nhà sập, hơn 1.100 ngôi nhà ngập nước 2 - 3m; gần 9.000 ha lúa và hoa màu các loại bị ngập chìm trong nước. Hàng nghìn mét đường giao thông nông thôn bị sạt lở; có 7 chiếc ghe của ngư dân huyện Thuận Nam bị chìm; hơn 70 ha tôm nuôi bị mất trắng.
Tỉnh Ninh Thuận đã tổ chức di dời được hơn 3.000 hộ với trên 12.000 khẩu đến nơi an toàn. Các địa phương đã tổ chức nơi ăn, ở, đảm bảo cho người dân không bị đói và rét.
Thời tiết Ninh Thuận vẫn diễn biến phức tạp. Tỉnh đang huy động lực lượng vũ trang gia cố đê bao Sông Dinh nhằm tránh để nước lũ tràn vào thành phố ngập nhà dân.
8h hôm nay, hồ thủy điện Đa Nhim (Lâm Đồng) cũng tăng mức xả lũ lên đến 500 m3/giây, khiến một số khu vực dân cư dọc suối Đa Nhim có nguy cơ bị ngập. Chính quyền địa phương đang khẩn trương triển khai các biện pháp di dời dân đến nơi ở an toàn.
Giao thông đường bộ, đường sắt bị chia cắt
Mưa lớn kéo dài đã khiến cho nước lũ hôm trước tiếp tục dâng cao, nhiều địa phương bị ngập lụt, một số nơi bị cô lập hoàn toàn, các tuyến đường giao thông huyết mạch như Quốc lộ 1 A, Quốc lộ 27 và tuyền đường sắt Bắc – Nam bị chia cắt.
Tại Ninh Thuận, các tuyến đường giao thông quốc lộ 1A, quốc lộ 27, tỉnh lộ và các tuyến đường liên huyện, liên xã đang bị ngập sâu từ 0,1-0,5m và nhiều tuyến đường bị chia cắt. Tuyến đường sắt Bắc - Nam cũng bị ngập nước, chia cắt nhiều nơi khiến cho 650 hành khách đi tàu bị kẹt tại Ga Tháp Chàm và Ga Hòa Trinh.
Đến nay, đoạn đường sắt qua địa phận tỉnh Ninh Thuận thuộc Km1.382+500 và Km1.383+600 thuộc địa bàn xã Công Hải (huyện Thuận Bắc) bị hư hỏng nặng; hành khách đi tàu phải đợi tăng bo từ các ga tại Ninh Thuận ra ga Nha Trang bằng đường bộ khi tuyến giao thông này được thông tuyến.
Trong khi đó, trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa, sau hơn 2 ngày mưa liên tục, lượng mưa đạt trên mức 542 mm ở thành phố Nha Trang, 459 mm ở thị xã Cam Ranh, 328 mm ở huyện Ninh Hòa. Do mưa lớn liên tục trên địa bàn, ở phía Nam thành phố Nha Trang, một số đoạn từ ga Hòa Tân đi ga Suối Cát và từ ga Suối Cát đi ga Ngã Ba bị ngập. Ở phía Bắc thành phố Nha Trang, đoạn đường sắt qua khu vực đèo Cả tiếp tục bị sạt lở.
Tuyến đường sắt qua Khánh Hoà tại Km 1326-1327 thuộc địa phận huyện Cam Lâm, nước ngập trên 500 mm và tiếp tục lên, gây ách tắc giao thông. Phía Bắc Nha Trang, Km 1307 – 1308, nước ngập và sạt lở nghiêm trọng; tại Km 1295, thuộc xã Vĩnh Lương, thành phố Nha Trang, nước đã ngập qua đường sắt hơn nửa mét.
Tại huyện Diên Khánh, kè bờ sông Cái đoạn cầu Phú Cốc đến Tỉnh lộ 8, xã Diên Lâm bị sạt lở. Tỉnh lộ 2 đoạn qua xã Diên Sơn do nước chảy xiết từ sườn đồi làm sạt lở nhiều đoạn, tổng chiều dài sạt lở khoảng 1km. Tuyến đường nối Nha Trang - Đà Lạt cũng bị sạt lở nhiều điểm, ngành giao thông vận tải đã cấm xe cộ qua lại.
Các đường vào thành phố Nha Trang như đường 2.4, 23.10 hiện bị ngập sâu. Riêng đại lộ Nguyễn Tất Thành, nối sân bay Cam Ranh với thành phố Nha Trang bị sạt lở nghiêm trọng, không thể đi lại.
Tùng Anh (tổng hợp)