Nơi đây, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã sống và làm việc 15 năm cuối đời (1954 - 1969), quãng thời gian trên cương vị Chủ tịch Đảng, Chủ tịch nước, Người đã cùng Bộ Chính trị Trung ương Đảng đề ra đường lối chiến lược, sách lược cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước.
Sau khi Bác Hồ qua đời, ngày 2/9/1969, quần thể di tích lịch sử về Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được hình thành trong khu vực Phủ Chủ tịch, có giá trị và ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là một trong những di tích có giá trị đặc biệt trên nhiều phương diện. Ngày 12/8/2009, Khu di tích Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch là 1 trong 10 di tích được Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định 1272/QĐ-TTg xếp hạng quốc gia đặc biệt đợt đầu tiên.
Ngày 18/6/2024, nhằm tiếp tục thực hiện Kết luận 01-KL/TW ngày 18/5/2021 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị khóa XII về “đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” gắn với kỷ niệm 55 năm ngày Bác đi xa, đồng thời là 55 năm thực hiện nhiệm vụ bảo tồn và phát huy giá trị nơi ở và làm việc của Người tại Phủ Chủ tịch (1969-2024), 70 năm Bác về sống và làm việc tại Khu Phủ Chủ tịch (1954-2024), 15 năm được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích quốc gia đặc biệt (2009-2024), Khu Di tích đã tổ chức hội thảo khoa học “55 ngày Bác đi xa – 55 năm bảo tồn và phát huy giá trị Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch”.
Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ VH-TT&DL Hoàng Đạo Cương cho biết, hội thảo là dịp để đánh giá công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản Hồ Chí Minh, tiếp thu những kinh nghiệm quý báu của các thế hệ đi trước, các đơn vị quản lý, các nhà khoa học, các cơ quan chuyên môn sâu để tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa nhiệm vụ gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hoá quốc gia đặc biệt này; để tư tưởng, tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ngày càng lan toả mạnh mẽ, góp phần to lớn thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, dân chủ, văn minh như Bác Hồ hằng mong muốn.
Theo ThS Lê Thị Phượng - Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, Khu di tích là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc nên nơi đây mang những nét đặc thù. Công tác bảo tồn di tích được thực hiện trong điều kiện là một kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị. Nguồn ảnh: ditichhochiminhphuchutich.gov.vn |
Theo ThS. Lê Thị Phượng - Bí thư Đảng ủy, Giám đốc Khu Di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh, tại Phủ Chủ tịch, tại Khu Di tích, tất cả di tích, tài liệu hiện vật của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn đang được bảo tồn nguyên vẹn như sinh thời Người sống và làm việc. Quần thể Khu Di tích gồm có 13 nhà Di tích (Phủ Chủ tịch, Nhà 54, Nhà sàn, Phòng họp Bộ Chính trị, Nhà 67, Nhà bếp A, Nhà bếp B, Nhà Bác ký sắc lệnh, Hầm H66, Hầm D1...); 1.738 tài liệu, hiện vật vốn có thuộc các nhà Di tích; 7 Di tích ngoài trời như: Ao cá, Giàn hoa Phủ Chủ tịch, Đường xoài, con đường mòn, Cầu gỗ qua ao… cùng 50 cây di tích là những cây Bác đem về trồng hoặc trực tiếp chăm sóc.
Cũng theo ThS. Lê Thị Phượng, khu di tích là nơi Bác Hồ đã sống và làm việc nên nơi đây mang những nét đặc thù. Công tác bảo tồn di tích được thực hiện trong điều kiện là một kho mở, vừa làm công tác bảo quản giữ gìn, vừa phát huy giá trị.
Nằm trong không gian Cụm di tích lịch sử văn hoá Ba Đình, Khu di tích thu hút một số lượng lớn khách tham quan trong nước và quốc tế. Do đó, các di tích, tài liệu hiện vật luôn phải chịu áp lực trực tiếp của môi trường khí hậu tự nhiên và ảnh hưởng gián tiếp của tác nhân con người. Đó là những khó khăn, thách thức của Khu Di tích trong việc giữ gìn, bảo quản nguyên vẹn và phát huy di sản của Bác Hồ.
Với tấm lòng kính yêu đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh, quyết tâm làm tròn nhiệm vụ chính trị mà Đảng, Nhà nước đã giao phó, 55 năm qua, các thế hệ cán bộ Khu di tích đã không quản ngại khó khăn, thực hiện tốt nhiệm vụ nghiên cứu khoa học, bảo quản giữ gìn một cách tốt nhất nơi ở và làm việc của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Phủ Chủ tịch.
Khu Di tích mở cửa đón khách tham quan 365 ngày trong năm; trong 55 năm qua đã phục vụ tận tình, chu đáo gần 90 triệu lượt khách tham quan. Đây chính là trường học lớn cho mọi thế hệ người Việt Nam đến nghiên cứu, học tập tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, là nơi hội tụ tình cảm của nhân dân Việt Nam và bạn bè quốc tế, là “điểm đến” trong quan hệ ngoại giao của Đảng và Nhà nước.