Mâu thuẫn giữa các lần xử
Theo cáo trạng của VKSNDTC, ông Đào Ngọc Tỉnh - nguyên Kế toán trưởng Cty Cơ khí Điện - Điện tử tàu thủy (thuộc TCty Công nghiệp tàu thủy Việt Nam) bị truy tố tội “tham ô tài sản” theo Điểm a Khoản 4 Điều 278 Bộ luật Hình sự. Từ tháng 1/1995 đến tháng 6/1996, bị cáo đã nhiều lần tạm ứng quỹ công ty để chi tiêu, nợ 696.914.000 đồng nhưng điều khuất tất là tất cả khoản nợ chỉ được thể hiện tại sổ tay của thủ quỹ Cty Nguyễn Thị Thanh Hòa, ngoài ra không có chứng cứ gì.
Trước yêu cầu thanh toán nợ từ thủ quỹ, bị cáo đã nghĩ ra cách nhờ Phan Hồ Thiên Phúc (Trưởng phòng Kỹ thuật) và Nguyễn Anh Tuấn (cán bộ Phòng Kỹ thuật) đứng tên trên hai phiếu tạm ứng và phiếu chi khống với tổng số tiền là 727.916.000 đồng. Số tiền này, ông Tỉnh yêu cầu thủ quỹ trừ vào số tiền mà mình đã nợ quỹ.
Để trả cho hai người đã tạm ứng hộ, ông Tỉnh và Phúc đã làm thủ tục thanh toán chứng từ hóa đơn giả, nâng khống khối lượng. Cụ thể, thanh toán một hóa đơn giả nâng khống số lượng dây lưỡng kim trong việc cung cấp vật tư phục vụ công trình của đường dây 500KV từ 38.886kg lên thành 46.500kg, chênh lệch quy ra tiền là 268.660.000 đồng. Ngoài ra, làm thủ tục thanh toán hai phiếu thu khống có nội dung Phúc nộp tiền cho Cty Nghe nhìn Hà Tĩnh với số tiền 348.898.000 đồng.
Vụ án đã qua 5 phiên tòa nhưng đến nay vẫn chưa có phán quyết cuối cùng. Hai cấp xét xử sơ thẩm và phúc thẩm liên tục có mâu thuẫn nhau trong việc đánh giá chứng cứ làm cơ sở kết tội bị cáo Tỉnh khiến vụ việc vẫn đang ở giai đoạn điều tra lại, chờ phiên tòa sơ thẩm lần 4 sắp tới. Phiên sơ thẩm tháng 7/2006 do TAND TP.Hà Nội xử đã quyết định hoàn trả hồ sơ cho VKSND TP.Hà Nội điều tra bổ sung, làm rõ một số vấn đề. Phiên sơ thẩm lần 2 vào tháng 1/2007, ông Tỉnh bị HĐXX TAND TP.Hà Nội tuyên phạt 17 năm tù về tội tham ô tài sản.
Ông Tỉnh kháng cáo kêu oan và tại phiên tòa phúc thẩm tháng 8/2007, Tòa phúc thẩm TANDTC đã hủy án sơ thẩm, chuyển hồ sơ cho VKSND TP.Hà Nội điều tra lại. Đến tháng 7/2010, phiên tòa sơ thẩm lần 3 do TAND TP.Hà Nội xử vẫn tuyên ông Tỉnh phạm tội tham ô tài sản xã hội chủ nghĩa, phạt 15 năm tù. Nhưng đến phiên phúc thẩm lần 2 của Tòa phúc thẩm TANDTC vào tháng 8/2011 thì HĐXX kết luận chưa đủ cơ sở kết tội tham ô và đề nghị cơ quan Cảnh sát điều tra (Bộ Công an) điều tra lại.
Mới đây nhất, trên cơ sở kết quả điều tra, VKSNDTC đã ra bản cáo trạng tiếp tục truy tố Đào Ngọc Tỉnh tội “Tham ô tài sản” theo Khoản 3 Điều 133 Bộ luật Hình sự năm 1985 và ủy quyền cho VKSND TP.Hà Nội thực hành quyền công tố tại phiên tòa.
Nhưng đã hơn một năm kể từ ngày ra cáo trạng mới, vụ án vẫn chưa được đưa ra xét xử khiến bị cáo và gia đình hết sức lo lắng vì quyền công dân bị “treo” mãi.
Vi phạm tố tụng
Lý do khiến ông Tỉnh luôn kêu oan ngay từ đầu đó là chứng cứ buộc tội lỏng lẻo, chỉ có bản phô tô 4 trang sổ tay cá nhân của thủ quỹ Hòa tự ghi chép các lần nợ. Để buộc tội ông Tỉnh, bản án sơ thẩm đã từng dựng chuyện cho rằng:“Tỉnh đã ký xác nhận tổng hợp lại ngày 6/7 còn nợ 696.914.000 đồng”. Nhưng ngay sau đó, bản án phúc thẩm đã phát hiện ra sai sót này, khẳng định việc kết luận ông Tỉnh đã ký xác nhận là không chính xác.
Sự thật, theo ông Tỉnh, ông có vay của bà Hòa nhưng đã trả đủ và những lần vay đó đều được thể hiện trong sổ của bà Hòa, có chữ ký của ông. Riêng khoản 696.914.000 đồng như cáo buộc thì ông không hề biết, không hề ký nhận.
Không chỉ vậy, HĐXX phúc thẩm từng chỉ ra mâu thuẫn từ chứng cứ này, đó là nếu cân đối các khoản bị cáo đã vay và trả mà số tiền còn nợ trùng hợp với 696.914.000 đồng thì mới có đủ cơ sở xác định số nợ, nhưng thực tế cân đối thì ông Tỉnh đã trả nhiều hơn số đã vay. Mặt khác, số tiền ở hai phiếu tạm ứng lớn hơn nhiều số tiền nợ nhưng tất cả các phiên tòa đều không giải thích được, không chứng minh sự không liên quan giữa các phiếu tạm ứng với khoản nợ của ông Tỉnh.
Ông Tỉnh chứng minh các phiếu tạm ứng, phiếu chi mà cơ quan điều tra, VKSND dẫn chứng không hề liên quan đến mình. Bị cáo cho rằng, trên phiếu tạm ứng và phiếu chi có đầy đủ chữ ký người nhận là Phúc và Tuấn thì hai người này có trách nhiệm trả nợ cho công ty. Theo ông Tỉnh, đã có việc một số cá nhân trong công ty hãm hại ông bằng cách gán một khoản nợ khổng lồ vào thời điểm năm 2006 và rồi họ “vơ” những chứng cứ chẳng liên quan như trên để hợp thức cho khoản nợ trời ơi của mình. Tại hai phiên sơ thẩm lần 1 và lần 2, HĐXX tìm ra một chi tiết để tránh lỗi cho Phúc và Tuấn và khép tội cho ông Tỉnh là phiếu chi thiếu chữ ký của thủ quỹ nên phiếu này đích thị lập sai, là phiếu chi khống, do ông Tỉnh chỉ đạo.
Nhưng sự thật hé lộ từ lời khai của thủ quỹ Hòa: “Trên một phiếu chi, tôi thấy quan trọng là đã có chữ ký của thủ trưởng đơn vị, kế toán trưởng và người nhận tiền nên tôi đã không ký vào mục thủ quỹ”. Điều đó được hiểu phiếu chi không phải khống, công ty sẽ có rất nhiều chứng từ thiếu chữ ký tương tự như thế và nếu được lập đúng thì ai ký nhận người đó phải chịu trách nhiệm.
Về việc quy kết nâng khống số lượng dây lưỡng kim, tài liệu vụ án cho thấy, biên bản xác nhận vật tư công trình giữa các bên trong lúc thực hiện dự án thể hiện đủ khối lượng 46,5 tấn và biên bản làm việc giữa điều tra viên và công ty cũng xác nhận nhập và xuất bán cho công trình đúng 46,5 tấn, không có việc nâng khống.
Những mâu thuẫn nói trên, ông Tỉnh đang chờ được làm sáng tỏ nhưng đã hơn một năm nay vẫn chưa có trả lời từ TAND TP.Hà Nội về việc vì sao cáo trạng ban hành từ tháng 10/2012 mà đến nay vẫn chưa đưa ra xét xử.
Đề nghị TAND TP.Hà Nội sớm trả lời cho bị cáo rõ lý do vì sao vụ án bị “treo” lâu đến vậy? Gần 10 năm qua, từ ngày vướng vào vòng lao lý, gia đình ông Tỉnh đã phải đi ở thuê, vợ con chịu điều tiếng từ dư luận xã hội.