Tháng 12/1999, Công ty (Cty) Đầu tư xuất nhập khẩu tỉnh Đắk Lắk, nay là Công ty cổ phần đầu tư xuất nhập khẩu Đắk Lắk (gọi tắt Cty XNK Đắk Lắk) có chủ trương giao cho các đơn vị, chi nhánh trực thuộc nhận cà phê của dân, DN khác gửi vào Cty theo phương thức: khi khách hàng mang cà phê đến gửi, các chi nhánh, đơn vị viết phiếu nhập kho, sau đó chuyển về kho cty để chế biến.
Khi nào người gửi thấy có lãi hoặc cần vốn thì chốt giá, Cty sẽ thanh toán bằng tiền theo giá tại thời điểm mà hai bên thỏa thuận. Chủ trương này được cụ thể bằng Thông báo số 921 ngày 23/12/1999.
Gửi giữ cà phê, “thả gà ra đuổi”
Theo trình bày của ông Nguyễn Huy Nam (trú tại 58/95 – đường Nguyễn Minh Hoàng, quận Tân Bình, TP.CHM): vào 17/11/2000, ông Nam có gửi vào kho của Chi nhánh cung ứng thu mua hàng xuất khẩu Đắk Min - Cư Jut, đơn vị hoạch toán trực thuộc Cty XNK Đắk Lắk (sau đây gọi là Chi nhánh Đắk Min) số lượng 67 tấn cà phê nhân tiêu chuân R2 5% theo phiếu nhập kho số 223/GK. Sau đó, ông Nam đã chốt giá bán cho chi nhánh 17 tấn; còn lại 50 tấn.
Đầu năm 2004, Đắk Lắk chia làm 2 tỉnh Đắk Lắk và tỉnh Đắk Nông. Cty XNK Đắk Lắk quyết định giải thể Chi nhánh Đắk Min. Ông Nguyễn Huy Nam đòi Cty XNK Đắk Lắk phải trả 50 tấn cà phê còn lại. Đại diện công ty không đồng ý với lý do: Chi nhánh Đắk Min nhận cà phê của ông Nam gửi, nhưng không chuyển về công ty như Thông báo 921, nên phía Cty không có trách nhiệm.
Chi nhánh làm sai, Cty phải chịu
Ông Nam khởi kiện vụ việc ra Tòa án nhân dân (TAND) huyện Đắk Min, tỉnh Đak Nông (nơi có trụ sở của chi nhánh). Tại bản án số 20 ngày 26/7/2006, TAND huyện Đắk Min nhận định: Việc người đại diện của Cty XNK Đắk Lắk đề nghị Tòa buộc cá nhân nguyên giám đốc chi nhánh trả cà phê cho ông Nam là không có cơ sở, bởi chi nhánh là đơn vị hoạch toán trực thuộc cty, không có tư cách pháp nhân, nên các hoạt động, giao dịch dân sự của chi nhánh cty phải chịu trách nhiệm.
TAND huyện Đắk Min đã quyết định: chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Huy Nam, buộc Cty XNK Đắk Lắk phải trả cho ông Nam 50 tấn cà phê nhân tiêu chuẩn R2 5%.
Công ty XNK Đắk Lắk kháng cáo. Sau khi thụ lý, TAND tỉnh Đắk Nông thấy dạng tranh chấp này chưa có tiền lệ nên đã có văn bản trao đổi nghiệp vụ với Tòa Dân sự TAND Tối cao. Tại văn bản số 406 ngày 01/5/2007 của Tòa Dân sự TAND tối cao hướng dẫn: “Quan hệ gửi giữ cà phê mà chi nhánh XNK Đắk Min- Cư Jut tham gia thuộc chức năng nhiệm vụ của chi nhánh và với tư cách chủ thể là chi nhánh (thành viên của công ty) chứ không phải cá nhân nên phải xác định bên nhận gửi giữ (có các quyền và nghĩa vụ dân sự theo hợp đồng gửi giữ tài sản) là Cty Đầu tư XNK Đắk Lắk”.
Căn cứ ý kiến trên, tại bản án dân sự phúc thẩm số 36 ngày 24/7/2007 của TAND tỉnh Đắk Nông đã bác kháng cáo của Cty XNK Đak Lak, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
Tòa nhập nhằng, người dân chịu thiệt
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, tại Quyết định số 26 ngày 12/3/2008, Viện KNDTC đã kháng nghị bản án phúc thẩm và tại Quyết định giám đốc thẩm số 72 ngày 28/4/2008 của Tòa Dân sự TAND tối cao đã quyết định hủy các bản án sơ thẩm và phúc thẩm nói trên, giao hồ sơ cho tòa án sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục chung. Sau khi có quyết định giám đốc thẩm, Tòa án huyện Đak Min đã chuyển hồ sơ cho TAND TP. Buôn Ma Thuột giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 05 ngày 18/02/2009 của TAND TP. Buôn Ma Thuột cho rằng: việc chi nhánh Đắk Min nhận hàng gửi kho của ông Nam là hoàn toàn phù hợp với chủ trương của công ty theo Thông báo 921. Tuy nhiên, giám đốc chi nhánh không chế biến và giao hàng về kho cty, nên giám đốc chi nhánh có trách nhiệm trả cho ông Nam 50 tấn cà phê. Từ nhận định này, Tòa cho rằng việc ông Nam kiện Công ty XNK Đắk Lắk đòi 50 tấn cà phê là không có căn cứ và tuyên bác yêu cầu khởi kiện của ông Nam.
Không đồng ý với quyết định của án sơ thẩm, ông Nam kháng cáo. Sau khi thụ lý phúc thẩm, ngày 10/6/2009, TAND tỉnh Đắk Lắk có văn bản số 05/TA-DS gửi TAND Tối cao để xin ý kiến chỉ đạo xét xử. Văn bản này xác định: việc ông Nam gửi cà phê tại chi nhánh Đắk Min là có thật, án sơ thẩm xử bác đơn của ông Nam là gây thiệt hại cho ông Nam. Tại văn bản số 34 ngày 20/01/2010 Tòa Dân sự TAND tối cao xác định: “Nếu ông Nam có gửi cà phê tại chi nhánh, mà chi nhánh không làm thủ tục nhập kho và vào sổ sách kế toán thì trách nhiệm thuộc về Cty Đầu tư XNK Đắk Lắk…”
"Câu chuyện" tưởng đã có "hồi kết", nhưng không ngờ tại bản án phúc thẩm số 205 ngày 30/12/2010, TAND tỉnh Đắk Lắk lại tuyên hủy án sơ thẩm, giao hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại theo hướng buộc nguyên giám đốc chi nhánh phải trả cho ông Nam 50 tấn cà phê.
Quang Thanh – Phạm Thọ