Ngày 7/1, Đoàn Giám sát “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về phòng, chống xâm hại trẻ em” tổ chức Hội thảo “Công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án xâm hại trẻ em”.
Thông tin tại hội nghị, đại diện Bộ Công an cho biết, trong những năm gần đây, tình hình tội phạm xâm hại trẻ em diễn biến phức tạp. Cùng với việc nhận thức xã hội,ý thức bảo vệ trẻ em được nâng cao; quan điểm xử lý nghiêm minh của Nhà nước thì số vụ việc được tố giác, xử lý trước pháp luật ngày càng nhiều.
Tuy nhiên, tình hình xâm hại trẻ em chưa có chiều hướng giảm, nhiều vụ việc xâm hại trẻ em vẫn chưa có chiều hướng giảm; nhiều vụ việc xâm hại trẻ em vẫn phải điều tra xác minh kéo dài, thiếu chứng cứ thuyết phục để xử lý trước pháp luật gây bức xúc dư luận.
Theo báo cáo của công an các địa phương, năm 2017, phát hiện 1.592 vụ xâm hại trẻ em do 1.757 đối tượng gây ra, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.370 vụ, xâm hại 1.397 em, chiếm 86% tổng số vụ xâm hại trẻ em.
Năm 2018, phát hiện 1.547 vụ xâm hại trẻ em do 1.669 đối tượng gây ra với 1.579 em, trong đó xâm hại tình dục trẻ em là 1.269 vụ với 1.233 đối tượng, xâm hại 1.141 em, chiếm 82% số vụ xâm hại trẻ em.
Năm 2019, trong số 2.023 vụ xâm hại trẻ em được phát hiện, số vụ xâm hại tình dục là 1.701 vụ, với 1.728 đối tượng, 1.729 nạn nhân, chiếm 84,1% số vụ.
Đại diện Tòa án nhân dân tối cao cho biết, số các vụ án về tội phạm xâm hại trẻ em là rất lớn, trong đó nhiều nhất là xâm hại tình dục trẻ em. Từ ngày 1/1/2015 đến ngày 30/6/2019, các tòa án đã đưa ra xét xử 6.585 vụ với 7.339 bị cáo phạm các tội xâm hại trẻ em.
Trong tổng số các vụ án đã đưa ra xét xử, số trẻ em là nạn nhân bị các tội phạm này xâm hại là 7.654 em (trong đó có 7.121 em nữ, 533 em nam).
Phần lớn trẻ em bị xâm hại là nạn nhân của hành vi xâm hại tình dục (6.429 em, chiếm 84% tổng số trẻ bị xâm hại), bị bạo lực là 727 em (chiếm 9,5% tổng số trẻ bị xâm hại); bị mua bán, đánh tráo, chiếm đoạt là 264 em (chiếm 3,4% tổng số trẻ bị xâm hại), còn lại là các hình thức gây tổn hại khác (như bóc lột; bắt cóc; tổ chức, hỗ trợ, xúi giục, ép buộc trẻ em tảo hôn và các hành vi xâm hại khác...).
Hậu quả của hành vi xâm hại trẻ em gây ra thường rất nghiêm trọng, kết quả xét xử các vụ án xâm hại trẻ em tại các Tòa án cho thấy số trẻ em tử vong do bị xâm hại là 100 em, số trẻ em bị thương tật do bị xâm hại là 199 em, số trẻ em bị rối loạn tâm thần do bị xâm hại là 51 em, số trẻ em có thai do bị xâm hại tình dục là 251 em, số trẻ em phải bỏ học do bị xâm hại là 84 em, số trẻ em bị các tác động khác về thể chất, tinh thần do bị xâm hại là 6.969 em.
Một số tội phạm xâm hại trẻ em ngoài việc gây tổn hại về thể chất như thương tích hoặc tổn hại cho sức khỏe của nạn nhân mà tỉ lệ tổn thương cơ thể từ 31 đến 60%, từ 61% trở lên; có trường hợp trẻ em bị hoảng loạn tinh thần, tổn thương sâu sắc về mặt tâm lý…