Theo ông Kinoshita Tadahiro, Chủ tịch JCCI, có 4 yếu tố khiến các doanh nghiệp Nhật Bản có niềm tin rất lớn về triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, muốn đầu tư tại Việt Nam.
Theo đó, yếu tố thứ nhất là môi trường kinh doanh chuyên nghiệp. Môi trường kinh doanh chuyên nghiệp không chỉ là những ưu đãi đầu tư Chính phủ dành cho các nhà đầu tư nước ngoài, mà còn bao gồm việc áp dụng các chính sách thương mại toàn cầu và cởi mở như Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP).
Thứ hai, thị trường Việt Nam nhiều tiềm năng. Việc Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh tham gia vào các hiệp định thương mại tự do (FTA), hài hòa hóa các quy tắc đầu tư quốc tế và thông quan hải quan sẽ làm tăng khả năng dự đoán của thị trường kinh doanh, đảm bảo sự an toàn cho các nhà đầu tư cũng như thương nhân.
Thứ ba, Việt Nam có lợi thế về tài năng trẻ, đặc biệt trong lĩnh vực kỹ thuật số. Điều này đáp ứng nhu cầu hợp tác với các công ty Nhật Bản theo mô hình tổ chức được thành lập bên ngoài quốc gia của chủ sở hữu đang cư trú...
Thứ tư là sự ổn định của thị trường Việt Nam. “Sự ổn định chính trị của Việt Nam là yếu tố rất quan trọng cho hoạt động kinh doanh bền vững với nhà đầu tư nước ngoài (FDI)”, Chủ tịch JCCI nhấn mạnh.
Khảo sát của Tổ chức Thúc đẩy Ngoại thương Nhật Bản (JETRO) vào năm 2022 cho thấy, doanh nghiệp Nhật Bản chọn Việt Nam là điểm đến đứng đầu ASEAN để mở rộng kinh doanh. Việt Nam đứng đầu 6 năm liên tiếp.
Theo thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, Nhật Bản đứng thứ ba trong danh sách đầu tư nước ngoài vào Việt Nam với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 4,78 tỷ USD vào năm 2022.
Theo ông Kinoshita Tadahiro, các doanh nghiệp Nhật Bản ngày càng cam kết sâu sắc hơn tại thị trường Việt Nam trên nhiều khía cạnh. Khi JCCI được thành lập vào năm 1992, số lượng thành viên ban đầu chỉ có 26 doanh nghiệp và đến nay Hiệp hội đã có gần 800 thành viên.