4 thế mạnh giúp huyện Đại Từ (Thái Nguyên) thu hút các nhà đầu tư

Huyện Đại Từ là địa phương phát triển năng động, địa danh thu hút nhiều nhà đầu tư
Huyện Đại Từ là địa phương phát triển năng động, địa danh thu hút nhiều nhà đầu tư
0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong những năm gần đây, huyện Đại Từ, Thái Nguyên, là điểm đến đầu tư hấp dẫn nhờ những bước đi chiến lược trong cải thiện môi trường kinh doanh và xây dựng hạ tầng.

Nằm ở vị trí cửa ngõ phía Tây của tỉnh Thái Nguyên, là đầu mối giao thông kết nối tỉnh Thái Nguyên với các tỉnh miền núi phía Bắc, huyện Đại Từ có vị trí, vai trò quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Huyện Đại Từ xác định thu hút đầu tư và phát triển doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và luôn đồng hành cùng các doanh nghiệp. Với tinh thần đó, trong những năm qua cấp uỷ, chính quyền huyện đã có nhiều chính sách ưu đãi thu hút các nhà đầu tư và triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp để cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư.

Với sự lãnh đạo, chỉ đạo sát sao của Đảng bộ, chính quyền huyện cùng sự nỗ lực của Nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện, những năm gần đây, Đại Từ luôn đạt tốc độ tăng trưởng cao và ổn định ở mức bình quân trên 8%/năm, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tăng tỷ trọng ngành công nghiệp - xây dựng và dịch vụ, thu ngân sách hàng năm đều tăng.

Nhiều tiềm năng lớn cùng các chính sách ưu đãi mạnh mẽ, Đại Từ đang thu hút nhiều doanh nghiệp, mở ra cơ hội phát triển bền vững cho kinh tế địa phương.

Tiềm năng tài nguyên khoáng sản

Huyện Đại Từ là một trong những vùng trọng điểm về khoáng sản của tỉnh Thái Nguyên với các mỏ than, quặng, cát và sỏi đang hoạt động.

Trong đó, nổi bật nhất là mỏ vonfram Núi Pháo, do Công ty Masan High-Tech Materials quản lý. Đây là mỏ vonfram lớn nhất Việt Nam và đứng thứ hai trên thế giới về trữ lượng.

Mỗi năm, mỏ Núi Pháo cung cấp khoảng 30% lượng vonfram ngoài Trung Quốc, giúp Việt Nam đứng vững trên bản đồ khai khoáng toàn cầu. Chỉ tính riêng trong năm 2022, doanh thu từ hoạt động khai thác tại mỏ Núi Pháo đạt hơn 12.000 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào nguồn thu ngân sách huyện.

Ngoài mỏ Núi Pháo, huyện Đại Từ còn có cụm công nghiệp Sơn Cẩm 2 và các cụm khai thác khoáng sản nhỏ khác, tạo công ăn việc làm ổn định cho khoảng 5.000 lao động địa phương.

Việc tập trung đầu tư vào khai thác, chế biến sâu các khoáng sản như vonfram, đồng và bismuth không chỉ mang lại hiệu quả kinh tế cao mà còn mở ra cơ hội cho các ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là điểm đến thu hút các nhà đầu tư

Huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, là điểm đến thu hút các nhà đầu tư

Phát triển nông nghiệp công nghệ cao

Với diện tích đất nông nghiệp chiếm hơn 60% tổng diện tích tự nhiên, Đại Từ có tiềm năng rất lớn để phát triển các mô hình nông nghiệp công nghệ cao. Huyện có 6.598,6 ha chè, trong đó diện tích chè kinh doanh là 6.215 ha. Sản lượng chè hàng năm đạt trên 60.000 tấn, cung ứng cho cả thị trường trong nước và quốc tế. Thương hiệu chè Đại Từ đã xuất khẩu sang nhiều nước, đóng góp hơn 800 tỷ đồng vào tổng giá trị sản xuất nông nghiệp của huyện.

Ngoài chè, huyện còn phát triển mạnh các mô hình nông nghiệp công nghệ cao như trồng rau an toàn và cây ăn quả. Dự án nông nghiệp công nghệ cao của Công ty TNHH Nông sản Việt tại xã Ký Phú, Văn Yên với diện tích trên 20 ha đã cung cấp ra thị trường hơn 2.000 tấn rau củ sạch mỗi năm, mang lại thu nhập ổn định cho người lao động.

Đột phá trong phát triển du lịch

Phát triển du lịch là một trong những giải pháp trọng tâm mà Đại Từ chú trọng trong nhiệm kỳ 2020-2025. Huyện có các điểm du lịch nổi bật như khu sinh thái Hồ Núi Cốc với diện tích mặt nước hơn 25 km² là điểm đến của hơn 1 triệu du khách mỗi năm.

Khu du lịch này tạo doanh thu lớn cho ngành du lịch địa phương, góp phần quảng bá hình ảnh Đại Từ ra ngoài tỉnh và quốc tế.

Bên cạnh đó, các mô hình du lịch cộng đồng tại xã Hoàng Nông và La Bằng như trải nghiệm văn hóa trà và du lịch về nguồn cũng thu hút nhiều du khách trong và ngoài nước. Các điểm du lịch được kết nối với các di tích lịch sử trên địa bàn huyện là điểm đến quan trọng cho du khách, thúc đẩy phát triển du lịch văn hóa - lịch sử tại địa phương, hàng năm thu hút hàng trăm nghìn lượt du khách tham quan.

Khu di tích lịch sử 27/7 tại Đại Từ được xếp hạng là di tích cấp quốc gia

Khu di tích lịch sử 27/7 tại Đại Từ được xếp hạng là di tích cấp quốc gia

Cải cách hành chính và chính sách thu hút đầu tư

Huyện Đại Từ đã triển khai các chính sách hỗ trợ mạnh mẽ để tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư. Các thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, đất đai, xây dựng đều được cải cách theo hướng giảm thiểu thời gian xử lý xuống còn 1/2 so với trước đây, từ 15 ngày xuống chỉ còn 7 ngày làm việc. Đồng thời, huyện đã tổ chức các buổi đối thoại, gặp gỡ nhà đầu tư mỗi quý để kịp thời lắng nghe và giải quyết các khó khăn.

Chính sách ưu đãi thuế và hỗ trợ lãi suất vay cũng là điểm mạnh giúp huyện thu hút thêm nhiều doanh nghiệp. Từ năm 2020 đến nay Đại Từ đã thu hút 28 dự án tổng vốn đăng ký 10.455 tỷ đồng. Để đáp ứng nhu cầu phát triển huyện đã đầu tư mạnh vào kết cấu hạ tầng với hơn 1.885 tỷ đồng đầu tư cho các công trình giao thông, trong đó có dự án nâng cấp tuyến đường nối Đại Từ với Định Hóa và Tân Trào tạo điều kiện thuận lợi cho du lịch và giao thương.

Trong những năm gần đây, Đại Từ tiếp tục nỗ lực tạo môi trường đầu tư, sản xuất kinh doanh hấp dẫn, thông thoáng, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực, phát triển mạnh các thành phần kinh tế nhất là trong những ngành chủ lực, có lợi thế của huyện, khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư khảo sát, tìm kiếm cơ hội đầu tư tại huyện Đại Từ.

Với cơ chế thông thoáng, từ năm 2020 đến nay, huyện Đại Từ đã được UBND tỉnh chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư 14 dự án khu dân cư, khu đô thị, tiêu biểu như: Khu đô thị sân vận động trung tâm huyện Đại Từ; Điểm dân cư nông thôn trung tâm xã Ký Phú; Điểm dân cư nông thôn xóm Trung Na 2 xã Tiên Hội; Khu đô thị Cầu Thông Thị trấn Hùng Sơn; Khu đô thị 1C Thị trấn Hùng Sơn; Khu đô thị 1D Thị trấn Hùng Sơn; Khu đô thị phố Chợ 2 Thị trấn Hùng Sơn; Điểm dân cư nông thôn xóm Duyên xã Ký Phú; Khu dân cư mới hồ Thổ Hồng xã Tân Thái; Khu dân cư nông thôn số 1 Ký Phú; Khu đô thị số 3 Yên Lãng; Khu đô thị số 4 Yên Lãng; Khu dân cư nông thôn số 3 xã Tiên Hội…

Nền kinh tế khởi sắc thời gian qua là động lực để huyện Đại Từ tiếp tục quy hoạch, đầu tư phát triển hạ tầng, quan tâm mạnh mẽ đến các lĩnh vực văn hóa - xã hội và du lịch, chú trọng xây dựng quốc phòng - an ninh vững mạnh, lấy ổn định an ninh chính trị làm điều kiện tiên quyết cho sự phát triển bền vững kinh tế - xã hội địa phương.

Xác định tầm quan trọng của công tác quy hoạch, huyện Đại Từ đang tập trung rà soát, điều chỉnh quy hoạch chung và quy hoạch chi tiết trung tâm các xã, thị trấn và lập quy hoạch xây dựng vùng huyện đến năm 2040, đồng thời tích hợp đồng bộ với quy hoạch tỉnh Thái Nguyên thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Những bước tiến trong cải cách hành chính, phát triển hạ tầng và chính sách ưu đãi đang biến Đại Từ thành một địa phương phát triển năng động, thu hút ngày càng nhiều nhà đầu tư. Huyện không chỉ khai thác tốt tiềm năng khoáng sản, nông nghiệp và du lịch, mà còn cam kết xây dựng môi trường đầu tư thân thiện, bền vững cho các doanh nghiệp và nhà đầu tư trong thời gian tới.

Với cơ chế chính sách tốt và một môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng, minh bạch, Đại Từ thực sự là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư.

Tin cùng chuyên mục

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

Cần Thơ: Nhiều cơ hội để doanh nghiệp mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ

(PLVN) -  Ngày 21/11, tại TP Cần Thơ, Tổng lãnh sự quán Hoa Kỳ tại TP HCM phối hợp với Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại và Hội chợ Triển lãm Cần Thơ tổ chức hội thảo Mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ. Tại hội thảo, các đại biểu đã trao đổi về các vấn đề liên quan đến việc doanh nghiệp Việt Nam mở rộng kinh doanh tại Hoa Kỳ.

Đọc thêm

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên

Chuyển đổi số tại BQL Dự án Đầu tư xây dựng công trình NN&PTNT tỉnh Hưng Yên
(PLVN) - Chuyển đổi số đang trở thành xu thế không thể đảo ngược, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Nhận thức rõ điều này, Ban Quản lý (BQL) Dự án Đầu tư xây dựng công trình Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Hưng Yên đã và đang triển khai mạnh mẽ các kế hoạch và hoạt động nhằm hiện thực hóa mục tiêu xây dựng chính quyền điện tử, hướng tới phát triển kinh tế số và xã hội số.