Chỉ vì chút “hiểu lầm”, cô vợ đã làm đơn tố cáo chồng và đề nghị cơ quan Công an xử lý hành vi “lấy trộm tài sản của vợ”. Sau khi gia đình hai bên giải tỏa được khúc mắc, người vợ có đơn xin rút lại đơn trình báo và xin miễn trách nhiệm hình sự cho chồng.
Thế nhưng, các cơ quan tiến hành tố tụng lại cương quyết xử lý mà không xem xét đến yếu tố có lợi cho bị can là hành vi “không còn nguy hiểm cho xã hội” theo khoản 1 Điều 25 BLHS, khiến vụ án phải qua phiên tòa sơ thẩm lần thứ 4 vẫn chưa thống nhất được tội danh và VKSNDTC cũng đã ra kháng nghị giám đốc thẩm.
Vợ “hiểu lầm”, chồng vướng vòng lao lý
Vương Thế Anh (SN 1976, thường trú tại phường Trương Định, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội) và chị Nguyễn Ngọc Diệp (SN 1979) chung sống với nhau như vợ chồng nhưng chưa đăng ký kết hôn từ năm 2004 tại số 17 ngõ 172/46 Âu Cơ, phường Tứ Liên, quận Tây Hồ, TP Hà Nội.
Ngày 15/3/2009, ông Nguyễn Bích Sử là bố đẻ chị Diệp mua 1 chiếc ô tô Toyota Zace và gần 1 tháng sau thì giao cho chị Diệp quản lý, kinh doanh.
Sáng 11/9/2009, Thế Anh báo với chị Diệp là có khách hẹn thuê xe đi Phú Thọ. Đến chiều, chị Diệp về nhà không thấy xe ô tô nên có điện thoại hỏi những chỗ quen biết và được biết Thế Anh đem cầm xe ô tô lấy 200 triệu đồng để làm ăn.
Chị đến nhà bố mẹ đẻ, kể lại sự việc trên và sáng hôm sau cùng ông Sử quay về nhà mình. Phát hiện thấy giấy tờ xe để trong két sắt bị mất, chị liền làm đơn đề nghị Công an quận Tây Hồ xử lý Thế Anh.
Ngày 26/8/2009, Thế Anh và gia đình đã đi chuộc lại chiếc xe trên trả lại cho chị Diệp. Tại Cơ quan điều tra ngày 27/8/2009, chị Diệp làm đơn đề nghị xem xét cho Thế Anh và xin miễn truy cứu trách nhiệm cho Thế Anh vì đây là quan hệ gia đình, do hiểu lầm nhau và đã giải quyết xong trong nội bộ.
Ngày 27/10/2010 (hơn 1 năm sau), Thế Anh đến cơ quan Công an đầu thú về hành vi phạm tội của mình. Theo hồ sơ vụ án thì ban đầu cơ quan tiến hành tố tụng khởi tố và truy tố bị can về tội trộm cắp tài sản nhưng đến phiên tòa sơ thẩm (lần thứ 4) thì Viện kiểm sát thay đổi tội danh đề nghị xử phạt Thế Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
VKSNDTC: Nhiều tình tiết chưa được làm rõ
Bản án hình sự sơ thẩm số 87 ngày 19-20/7/2011 của TAND quận Tây Hồ phạt Thế Anh 7 năm tù về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản. Bị cáo kháng cáo toàn bộ bản án, người bị hại là ông Sử kháng cáo xin giảm nhẹ hình phạt cho Thế Anh (trong đó có nêu là hai vợ chồng Thế Anh hiện đang chung sống hạnh phúc, cùng nhau chăm con bị mắc bệnh tim bẩm sinh).
Bản án hình sự phúc thẩm số 239 ngày 3/1/2012 của TAND TP Hà Nội giữ nguyên tội danh và hình phạt của TAND quận Tây Hồ.
Sau khi Tòa án cấp sơ thẩm và Tòa án cấp phúc thẩm kết án Thế Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, ngày 30/10/2012, VKSNDTC đã có bản Kháng nghị giám đốc thẩm số 23. Bản Kháng nghị phân tích: Về chứng cứ, cơ quan tố tụng chưa làm rõ được việc Thế Anh có chìa khóa chung, sao lại phải đục két sắt để lấy giấy tờ đem xem đi cầm đồ hay đem xe đi bán, nên việc kết án cho Thế Anh về tội lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là chưa có căn cứ vững chắc.
Ngoài ra, cũng theo Kháng nghị số 23, phải xác định Thế Anh đem xe của ông Sử đi cầm đồ hay đi bán cho chủ hiệu cầm đồ ở Phùng Hưng. Bởi theo lời khai của Thế Anh tại Cơ quan điều tra là đưa xe đi cầm đồ chứ không bán, trong hồ sơ lại có lời khai khác là đem xe đi bán.
Mặt khác, trong khoảng thời gian này chưa có căn cứ nào để xác định rằng giữa Thế Anh và chủ hiệu cầm đồ có thủ tục mua bán bằng văn bản hợp đồng mà chỉ có sự việc đặt xe để lấy tiền rồi chuộc lại xe, trả lại tiền cho chủ hiệu cầm đồ. “Căn cứ này cần phải được làm rõ” – bản Kháng nghị nhấn mạnh…
Từ đó, kháng nghị số 23 đề nghị Tòa hình sự TANDTC xét xử theo thủ tục giám đốc thẩm hủy hai bản án số 87 và số 239 đối với Thế Anh để điều tra lại theo đúng quy định của pháp luật.
Hà Sơn